24/01/2025

Tổ quốc hôm nay 
đâu cũng là phía trước

Bà nắm tay tôi: “Tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của mình để máu xương đồng đội không bị lãng quên…”. Quyết tâm ấy mãnh liệt như một thời tuổi trẻ.

 

Tổ quốc hôm nay 
đâu cũng là phía trước 

 

Bà nắm tay tôi: “Tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của mình để máu xương đồng đội không bị lãng quên…”. Quyết tâm ấy mãnh liệt như một thời tuổi trẻ.

 

 

 

 

Tổ quốc hôm nay 
đâu cũng là phía trước 
Bà Lê Hồng Quân, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng năm xưa, ngày mỗi ngày chăm sóc cho mẹ ruột của mình – Mẹ VN anh hùng Lê Thị Cân – cũng là đồng chí, đồng đội và là người bạn tù kiên trung – Ảnh: TỰ TRUNG

Tiếng hát vọng ra từ căn phòng nhỏ. Cảnh tượng như hứa hẹn một câu chuyện thật dài: bà cụ hom hem, mái tóc lơ thơ bạc trắng tựa đầu vào mỏm tay cụt của một người phụ nữ tóc đã hoa râm. Cô ấy, một tay cụt đến khuỷu đỡ sau gáy bà, tay kia múc một thìa xúp đưa lên, ánh mắt âu yếm, gọi: “Chị Cả ơi, ăn đi rồi ra nói chuyện với anh em cho kịp giờ hành quân…”.

Ấy là bà Lê Hồng Quân, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng và người mẹ của bà – Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cân. Hai mẹ con, người tròn 100 tuổi, người bước vào tuổi 70, cùng là đồng đội trong hoạt động nội đô từ Cần Thơ lên Sài Gòn, cùng là thương binh, cùng là cựu tù Côn Đảo. Và đến hôm nay, những cái tên đồng đội, những câu hát từ ngày xưa vẫn cứ là câu chuyện hằng ngày giữa họ, níu mẹ lại với cuộc sống và giữ con đứng vững giữa cuộc đời.

Không thể buông bỏ

“Mấy mươi năm hòa bình, tôi vừa công tác vừa lao vào cuộc tìm lại pháp nhân cho đơn vị, tìm lại đồng đội và đề nghị giải quyết chính sách. Đến tận hôm nay vẫn còn sáu người đã hi sinh chưa được công nhận liệt sĩ, những kinh phí, tài sản của người dân đã huy động trong chiến dịch chưa hoàn lại được…, nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng của tôi vẫn chưa hoàn thành.

Thật không ngờ những câu chuyện trong hòa bình lại khó khăn, phức tạp hơn nhiều những nhiệm vụ chúng tôi đã từng thực hiện trong chiến tranh. Mấy năm gần đây, mỗi ngày của tôi gắn với má, người yêu thương nhất cuộc đời, người đồng đội lớn của tôi.

Một mai khi má ra đi rồi, tôi lại sẽ đi gõ từng cánh cửa. Từng gương mặt, từng lời nói, hành động của đồng đội tôi như vẫn mồn một trước mặt, tình yêu, lý tưởng và sự hi sinh của đồng đội vẫn bao la trong tim khiến tôi không thể dừng lại, dù rằng thời gian của đời mình cũng không còn dài…”.

Chiến tranh, một lời của thủ trưởng là mệnh lệnh, là nhiệm vụ sinh tử. Nhưng đến hòa bình, họ lại gặp yêu cầu phải chứng minh sự thành lập, tồn tại, hoạt động, nhiệm vụ, hi sinh của mình bằng giấy tờ, văn bản, chữ ký, con dấu… bất kể đặc thù bí mật, đơn tuyến của lực lượng biệt động thành, bất kể hi sinh, mất mát không chừa ai, kể cả người chỉ huy cao nhất.

Chứng kiến không ít đồng đội vấp phải sự kỳ thị dẫn đến bao khó khăn trong cuộc sống của ngày hòa bình, tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân bắt đầu hành trình tìm lại đồng đội, đồng chí, tìm lại pháp nhân cho đơn vị từ năm 1977. Bao nhiêu cánh cửa đã gõ, phải đến năm 2002, bà mới được cầm tờ quyết định của Thành uỷ TP.HCM công nhận sự thành lập tiểu đoàn Lê Thị Riêng.

“Có lúc tôi tưởng mình đang húc đầu vào những bức tường đá. Buồn, có buồn. Chạnh lòng, có chạnh lòng. Nhưng giận thì không. Dừng lại, buông bỏ lại càng không. Tôi nghĩ đến đồng đội tôi đã nhận nhiệm vụ không một mảy may nghĩ đến khen thưởng thành tích, đã ngã xuống không hề trông đợi đáp nghĩa đền ơn.

Tôi nghĩ đến những cơ sở nội thành vẫn kiên gan giữ vũ khí như giữ cái chết trong nhà khi tôi đã bị bắt, bị tù, vẫn sẵn lòng tiếp tục chở che, hoạt động khi bắt lại được liên lạc… Những hình ảnh, câu chuyện ấy đã giúp tôi vượt qua thử thách khốc liệt về thể xác và tinh thần trong nhà tù, nay lại tiếp tục giúp tôi giữ niềm tin vào những điều tốt đẹp của lý tưởng của chúng tôi, cuộc 
đời của chúng ta”.

“Các bạn, các em, các cháu hãy tỉnh táo hơn chúng tôi, mạnh mẽ hơn chúng tôi, kiên nhẫn hơn chúng tôi để chiến thắng những sức ỳ, những tiêu cực, những tha hóa, những quyền lực, những âm mưu…

Bà Lê Hồng Quân

Bà Lê Hồng Quân đọc một bài thơ bà viết trong khoảng thời gian “chiến đấu trong hòa bình” ấy: Tôi về đối diện tình yêu/ Đầy trời mưa, nát cánh diều tuổi thơ/ Rã rời, gom nhặt đoạn tơ/ Cho tình yêu đến cuối bờ biệt ly/ Tôi về điểm hẹn lại đi/ Tận đau với lẽ sống vì yêu thương.

Đi theo “các chú, các dì” vào con đường đấu tranh, chiến đấu cho tự do, độc lập của đất nước từ năm lên 8 tuổi, tình yêu suốt đời của bà chỉ có quê hương, đồng đội, như cái tên Hồng Quân mà tổ chức đã đặt cho vào ngày kết nạp Đảng năm 15 tuổi.

“Tận đau”, với bà, nỗi đau khi chạm vào những vô cảm, lạnh lùng của ngày hôm nay còn đau hơn cái đau xé thịt, nát tim ở Tổng nha cảnh sát năm 21 tuổi.

Trong cuộc chiến đấu trên đường phố ở đợt 2 Mậu Thân, Quân cùng hai đồng đội xung phong ở lại hút hỏa lực để những người khác rút lui. Đạn xé nát cánh tay, Quân cắn răng tự cắt đứt, băng tạm vết thương để tiếp tục cho đến lúc bất tỉnh. Bị bắt, đòn tra khảo nhắm ngay vào mỏm xương cụt, vào những vết thương đẫm máu khắp thân mình, nhắm vào đồng đội hi sinh sát cạnh bên, và nhắm vào người mẹ cũng bị bắt vì chỉ điểm…

Hôm nay, ngồi bên mẹ, bà Hồng Quân đọc lại câu chuyện lặng thầm giữa hai mẹ con trong phòng tra năm ấy: Thân mẹ bầm đòn khảo/ Nửa manh áo rách bươm/ Mẹ vẫn ngồi lặng im/ Nói thầm qua tia mắt/ Có thể mẹ sẽ chết/ Có thể con hi sinh/ Nhưng trận này phải thắng/ Như một lời đinh ninh

Cuộc đấu tranh cam go hơn là của các em

Hôm nay, bước vào tuổi 100, Mẹ VN anh hùng Lê Thị Cân trở lại như đứa trẻ. Những hi sinh mất mát trong đời đã qua đi, những phấn đấu, đấu tranh suốt đời cũng đã qua đi, bà chỉ móm mém cười, nhận ra những âm điệu quen thuộc khi con hát lại những bài hát cũ, gọi lại những cái tên cũ.

Và Hồng Quân hát: “Hàng ngũ ta còn nhiều người tài/ Dày đạp chông gai, nối chí tương lai/ Núi sông đất Việt, thanh thế vang lừng/ Uy thế Nam Bắc lừng danh bốn phương”. Mẹ lại mỉm cười, mắt bà Hồng Quân ánh lên long lanh.

“Những ngày này bận rộn với việc săn sóc mẹ nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình thời sự. Nhiều chuyện thật đáng buồn, đáng lo, nhiều chuyện làm tôi sửng sốt khi đọc được.

Thật là xa lạ với cuộc sống của tôi hôm nay, lại càng xa lạ với lý tưởng mà vì nó chúng tôi đã sống, đã chết. Nhưng tôi tin cuộc sống có quy luật của nó, quy luật ấy là cái tốt, cái đẹp sẽ phải thắng.

Một đất nước đã từng thấm máu con dân như đất nước chúng ta sẽ không thể mãi chìm trong lạc hậu, đứng ngoài con đường phát triển, văn minh. Những người dân đã không tiếc gì, kể cả sinh mạng, để giành độc lập cho đất nước, giành tự do hạnh phúc cho dân tộc thì không thể mãi phải chịu đựng nghèo khó, bất công.

Tôi tự hào về cuộc đấu tranh mà cha mẹ, anh chị em chúng tôi đã tham gia, và tôi hiểu cuộc đấu tranh của các thế hệ sau tôi còn cam go hơn nữa.

Các bạn, các em, các cháu hãy tỉnh táo hơn chúng tôi, mạnh mẽ hơn chúng tôi, kiên nhẫn hơn chúng tôi để chiến thắng những sức ỳ, những tiêu cực, những tha hóa, những quyền 
lực, những âm mưu…”.

Và bà lại đọc thơ, những câu thơ đầy dự cảm: Khi sự tàn tật của nhân thế ở tâm hồn/ Như dòng sông đen tràn vào cuộc sống/ Gieo vào đời nỗi đau tàn phá/ Con người… Ôi cuộc đời là bức tranh lặng thinh/ Mà đủ nói những gì rách nát/ Nói day dứt về lòng người khao khát/ Nói cả chân dung cuộc chiến đấu âm thầm… Có can chi khi dám đến với cuộc đời/ Dám đổ máu bảo vệ tình thương cho đất nước/ Tổ quốc hôm 
nay đâu cũng là phía trước…

Bà nắm tay tôi thủ thỉ: “Tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của mình để máu xương đồng đội tôi không bị lãng quên. Còn các em, những thế hệ sau, hãy tiếp tục phấn đấu và đấu tranh vì những điều tốt đẹp cho đất nước, cho cuộc đời, để lý tưởng của chúng tôi không bị phản bội. Nhiệm vụ của các em khó khăn hơn, nhưng cũng như chúng tôi trước kia, không có lựa chọn nào khác cả”.

Tiểu đoàn nữ biệt động

Tiền thân là tiểu đoàn nữ biệt động nội thành Sài Gòn – Gia Định, tiểu đoàn Lê Thị Riêng được thành lập rất gấp rút vào cuối tháng 2-1968 để phục vụ cho đợt tổng tấn công lần thứ hai của năm Mậu Thân 1968. Tháng 5-1968, những cuộc chiến đấu trên đường phố diễn ra ác liệt, 15 người của tiểu đoàn hi sinh.

Những liệt sĩ của tiểu đoàn, nhiều người chỉ có một biệt danh: Lý Giao Duyên, Hai đòn gánh, chú Tư cơm tấm, chị Sáu già, bác Bo sà lan… Họ là những người dân Sài Gòn tình nguyện nhập cuộc đòi độc lập, tình nguyện nhận nhiệm vụ, và hi sinh cũng chỉ với cái tên dân dã ấy.

Nhiều người bị bắt, trong đó có tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân. Những người còn lại tiếp tục những cuộc chiến đấu đơn tuyến, tiếp tục liên lạc với những đơn vị, đường dây khác để hoạt động đến hoà bình.

PHẠM VŨ