23/01/2025

Phản ứng khi mua phải hàng kém chất lượng có thể phạm luật

Nhiều khách hàng lúng túng, không biết phải hành xử như thế nào khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả… Từ chỗ không giải quyết được tranh chấp, nhiều người đã gây nên hậu quả pháp lý đáng tiếc.

 

Phản ứng khi mua phải hàng kém chất lượng có thể phạm luật

 

Nhiều khách hàng lúng túng, không biết phải hành xử như thế nào khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả… Từ chỗ không giải quyết được tranh chấp, nhiều người đã gây nên hậu quả pháp lý đáng tiếc.

 

 

 

 

Vừa qua, Công an TP Vinh (Nghệ An) tạm giữ hình sự hai anh Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng (ngụ TP Vinh) để điều tra về hành vi huỷ hoại tài sản.

Đập 7 hộp sữa

Theo thông tin ban đầu, vợ chồng anh Cường mua 2 hộp sữa hiệu Glico Icreo (nhập khẩu từ Nhật Bản) tại siêu thị Tú Bắc về cho con uống. Sau khi con uống hết số sữa trên, anh Cường tiếp tục mua 1 hộp nữa. Khi cháu bé uống được nửa hộp thì bị tiêu chảy, nôn ói phải nhập viện.

Nghi ngờ sữa có vấn đề vì hộp sữa có vật thể lạ, vón cục nên anh Cường đã đến siêu thị Tú Bắc làm rõ. Sau đó, anh Cường và siêu thị đã gặp nhau giải quyết vụ việc nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Chiều 14-7, anh Cường rủ anh Hùng đến siêu thị Tú Bắc yêu cầu giải quyết. Hình ảnh từ camera của siêu thị cho thấy: tại quầy tính tiền, anh Cường có lời qua tiếng lại rồi dùng tay tát vào mặt bà Bắc (chủ siêu thị), lấy 2 hộp trên quầy ném ra đường. Tiếp đó, anh Cường vào kệ lấy 5 hộp sữa khác đem ra đường ném, giẫm đạp lên các lon sữa.

Ngay sau đó, Công an phường Lê Mao đã yêu cầu các bên lên làm việc. Tại đây, vợ anh Cường đưa 2,7 triệu đồng để trả tiền các hộp sữa anh Cường đã đập nhưng chủ siêu thị không nhận. Trong khi đó giá 7 hộp sữa hơn 3,7 triệu đồng.

Có tội hay không có tội?

Chủ siêu thị đòi công bằng

Chiều 26-7, ông Phan Hữu Tú, chủ siêu thị Tú Bắc, có mặt tại Công an TP Vinh hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ những nội dung liên quan đến vụ ông bố đập 7 hộp sữa trước siêu thị này.

Ông Tú cho biết sau khi đoạn clip đập sữa được tung lên mạng thì hoạt động kinh doanh của siêu thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Chúng tôi không kiện Cường nhưng rõ ràng việc Cường đến siêu thị đập phá 7 hộp sữa khi chưa thanh toán tiền là sai.

Chúng tôi mong cơ quan điều tra sớm kết luận vụ việc để đảm bảo công bằng cho siêu thị” – ông Tú nói.

Trong khi đó, nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết Công an Nghệ An đã báo báo vụ việc lên Bộ Công an.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được cho thấy hành vi của Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng đã có dấu hiệu phạm tội “hủy hoại tài sản”.(DOÃN HOÀNG)

Theo tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Đại học Luật TP.HCM), điều 143 Bộ luật hình sự quy định người nào hủy hoại tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ở đây cần làm rõ Cường hủy hoại 7 hộp sữa là hủy hoại tài sản của Cường hay của siêu thị. Trả lời chính xác câu hỏi này thì có thể xác định Cường có phạm tội hay không.

Dựa vào clip cho thấy các lần lấy sữa của Cường đều không thể hiện sự thỏa thuận thanh toán tiền.

Do đó, các hộp sữa vẫn thuộc quyền sở hữu của siêu thị. Điều này còn được củng cố thêm bởi sau khi Cường huỷ hoại các hộp sữa, vợ của Cường có đến trả tiền mua sữa nhưng siêu thị không nhận.

Như vậy không thể có sự thỏa thuận mua bán để chuyển giao quyền sở hữu các hộp sữa cho Cường. Trong khi đó siêu thị bị thiệt hại 7 hộp sữa trị giá 3,7 triệu đồng. Hành vi của Cường đã đủ yếu tố cấu thành tội huỷ hoại tài sản theo điều 143 Bộ luật hình sự.

Ngược lại có nhiều ý kiến lại cho rằng hành vi của anh Cường và Hùng chưa cấu thành tội huỷ hoại tài sản.

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu chỉ căn cứ vào video từ camera giám sát thì chưa đủ căn cứ vì video này không có tiếng và còn nhiều điểm chưa được làm rõ.

Hậu quả của hành vi này đã có nhưng cần phải xem xét, phân tích nó trong một chuỗi hành vi.

Thứ nhất, khi vào lấy sữa Cường có nói gì với nhân viên siêu thị không và Cường đã mua những hộp sữa này hay chưa.

Nếu Cường đã mua hàng (dù đã trả tiền hay siêu thị cho nợ) thì những hộp sữa này thuộc quyền sở hữu của anh.

Cường đập sữa là từ bỏ quyền sở hữu tài sản của mình chứ không phải của người khác. Thứ hai, nơi anh đập sữa là ở ngoài đường nên không xâm phạm đến quyền sở hữu hay gây hại gì đến tài sản của siêu thị.

Bên cạnh đó, nếu chỉ căn cứ vào hậu quả do hành vi này gây ra là chưa đủ vì xét về mặt chủ quan thì mục đích của anh Cường không phải huỷ hoại tài sản mà để công khai rằng sữa kém chất lượng. Động cơ của anh Cường xuất phát từ sự bức xúc chứ không phải thù ghét cá nhân…

Làm gì khi mua phải hàng kém chất lượng?

Theo luật sư Trần Danh Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), khi mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng thường chọn cách phản ứng trực tiếp với nhà sản xuất, phân phối… Do các bên khó có tiếng nói chung nên thường xảy ra xung đột, nếu không kiểm soát được rất dễ có hành vi vi phạm pháp luật.

Một cán bộ điều tra Công an quận 8 cho biết khi mua phải sản phẩm kém chất lượng, hết hạn… người dân có thể liên hệ với Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được hướng dẫn thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tố cáo tới cơ quan nhà nước như cơ quan quản lý thị trường để xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. “Người dân cũng có thể tố giác đến cơ quan công an. Chúng tôi sẽ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố điều tra. Cũng cần nói thêm rằng người tiêu dùng hãy bình tĩnh để tìm hướng giải quyết hợp lý, vì mọi hành vi thái quá có thể dẫn tới vi phạm pháp luật như trường hợp người bố ở TP Vinh là một ví dụ” – vị này nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Đăng Khoa cho biết khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ có thể liên hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu giải quyết theo phương thức thương lượng.

Người tiêu dùng cũng có thể nhờ đến các cơ quan quản lý nhà nước, văn phòng luật, các tổ chức xã hội cùng tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo luật sư Khoa, người tiêu dùng nên thu thập các tài liệu: hoá đơn, phiếu bảo hành, ảnh chụp về lỗi của sản phẩm… để làm cơ sở khiếu kiện.

Có nhiều cách để khiếu nại

Người tiêu dùng có thể nhờ các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở y tế… kiểm tra chất lượng, làm biên bản giám định khi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng.

Tiếp đó, người tiêu dùng liên hệ hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhờ can thiệp. Nếu sản phẩm có vấn đề mà người tiêu dùng, doanh nghiệp không thỏa thuận được, hội sẽ thừa uỷ quyền của người tiêu dùng hoặc hướng dẫn họ khởi kiện doanh nghiệp.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể liên hệ các văn phòng luật sư để được tư vấn về cách chứng minh sản phẩm có lỗi, chất lượng kém… tránh những rủi ro pháp lý.

Ông Ngô Bách Phong (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM)

Ngại đưa nhau ra toà

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả, các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, chưa thực sự là công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đơn cử, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau thì Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến khích người tiêu dùng khởi kiện. Tuy nhiên, không ai muốn đưa nhau ra toà bởi đôi khi tranh chấp có thể rất nhỏ, trong khi chi phí, thời gian theo đuổi vụ kiện rất lớn.

Luật sư Trần Danh Quý (Đoàn luật sư TP.HCM)

TUYẾT MAI – TRẦN KIM ANH