26/12/2024

CSGT có nên quyết liệt đạp ngã người vi phạm, chặn xe?

Trên mạng xã hội Facebook mấy ngày qua “dậy sóng” với đoạn clip ghi lại cảnh một CSGT đạp ngã xe người vi phạm giao thông khiến hai người này té ngã.

 

CSGT có nên quyết liệt đạp ngã người vi phạm, chặn xe?

 

Trên mạng xã hội Facebook mấy ngày qua “dậy sóng” với đoạn clip ghi lại cảnh một CSGT đạp ngã xe người vi phạm giao thông khiến hai người này té ngã.

 

 

 

CSGT có nên quyết liệt đạp ngã người vi phạm, chặn xe?
Clip ghi lại hình ảnh CSGT đạp ngã xe máy đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm
CSGT có nên quyết liệt đạp ngã người vi phạm, chặn xe?
Clip ghi lại hình ảnh CSGT đạp ngã xe máy đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm

Hành động trên của viên CSGT đã chia cộng đồng mạng thành hai “phe”: một bên không đồng tình, trong khi nửa còn lại ủng hộ CSGT, đồng thời phê phán hai thanh niên vi phạm luật giao thông.

Vậy những người có trách nhiệm, chuyên gia pháp luật nói gì, CSGT có nên quyết liệt, bằng mọi cách ngăn chặn người vi phạm hay cần có những biện pháp khác để xử lý nhưng vẫn đảm bảo an toàn?

Tông thẳng vào CSGT

Trao đổi với báo chí, đại tá Đào Vịnh Thắng – trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội – cho biết qua những thông tin, hình ảnh ban đầu có thể thấy Nguyễn Văn Tuấn (20 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) đã có nhiều hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ và cho người đi đường.

Tuấn điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, khi lực lượng chức năng ra tín hiệu thì Tuấn phóng xe bỏ chạy với tốc độ cao, tông thẳng vào người CSGT.

“Nên ủng hộ anh em thực thi nhiệm vụ vì trong trường hợp này chỉ là hành động theo phản xạ. Xem clip có thể thấy trong tình huống quá nguy hiểm, người vi phạm phóng nhanh, lạng lách, khi anh em tránh thì phản xạ giơ chân lên” – ông Thắng nói.

Clip CSGT đạp ngã người vi phạm  - Nguồn: Youtube

Theo trung tá Lê Tú, đội trưởng đội CSGT số 3 (phòng CSGT Công an Hà Nội), hành động lao ra ngăn chặn xe vi phạm là đúng vì xe đi vào đường ngược chiều với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người vi phạm giao thông.

Trước đó khoảng 20 phút cũng chính đội CSGT số 3 phát hiện và bắt giữ một nhóm đối tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm tàng trữ ma tuý. Sau khi bàn giao các đối tượng cho Công an phường Nam Đồng thì phát hiện Tuấn vi phạm giao thông kèm theo nhiều biểu hiện nghi vấn nên tổ công tác quyết liện ngăn chặn.

Chiều 19-7, đội CSGT số 3 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Nguyễn Văn Tuấn 2 triệu đồng và tạm giữ xe 1 tháng về các hành vi không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không có bằng lái, không có đăng ký xe, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát.

CSGT cũng sai

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, phó cục trưởng Cục CSGT (C67) Bộ Công an, cho biết trong trường hợp này, CSGT không nên co chân đạp ngã xe hai thanh niên mà nên chọn cách xử lý an toàn hơn cho chính CSGT, người vi phạm và cả những người tham gia giao thông trên đường.

“Hai thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều tốc độ cao chẳng những vi phạm luật giao thông mà còn có khả năng gây nguy hiểm cho người khác. Với tình huống như vậy CSGT buộc phải có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên chọn cách đạp ngã xe là không nên, đó là một hình 
ảnh không đẹp” – ông Diệp nói.

Theo luật sư Vũ Quang Đức, hiện CSGT hoạt động căn cứ vào các quy định tại thông tư số 01 và 02 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

CSGT làm nhiệm vụ phát hiện hành vi trên thì phải ngăn chặn, xử lý theo quy định. Cụ thể, khi phát hiện phạm tội quả tang như cướp, cướp giật, gây thương tích… thì CSGT có quyền sử dụng các biện pháp kể cả vũ lực như đá, đạp ngã xe, đánh, trấn áp để bắt giữ đối tượng.

Đây là căn cứ vào quy định chung về bắt giữ tội phạm quả tang. Trong trường hợp như vậy thì CSGT không sai.

Ngoài ra, khi làm nhiệm vụ phát hiện người vi phạm thì phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo đúng quy định như ra hiệu lệnh, dùng dụng cụ chặn xe, truy đuổi… chứ không được đạp, đá người vi phạm.

Bởi lẽ với những hành vi trên có thể gây nguy hiểm tính mạng người vi phạm. CSGT có quyền chọn cách xử lý phù hơp theo quy định như ghi lại biển số xe, truy đuổi, báo cho đồng đội chốt kế cận để chặn xử lý.

Trường hợp clip ghi nhận cho thấy CSGT đã hành động sai quy định pháp luật. Tuy nhiên cũng cần lên án những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng cộng đồng, thậm chí là tính mạng của 
cả cán bộ CSGT làm nhiệm vụ.

Luật sư Nguyễn Minh Long lưu ý việc CSGT lao ra đường dùng mọi cách để truy đuổi, ngăn chặn người vi phạm có thể sẽ gây nguy hiểm cho CSGT và cho chính người vi phạm. “Dù người vi phạm bỏ chạy là sai nhưng người thực thi pháp luật vẫn phải làm đúng. Chỉ trong những trường hợp các đối tượng bỏ chạy vì vừa vi phạm hình sự như cướp giật thì cần quyết liệt ngăn chặn” – ông Long nói.

Đảm bảo an toàn là trên hết

Tình trạng người vi phạm giao thông bỏ chạy gây nguy hiểm cho người dân, lực lượng thi hành công vụ diễn ra liên tục trong thời gian gần đây.

Vậy CSGT có nên quyết liệt, bằng mọi cách ngăn chặn người vi phạm hay cần có những biện pháp khác để xử lý nhưng vẫn đảm bảo an toàn?

Theo trung tá Lê Tú, tùy tình huống cụ thể các chiến sĩ sẽ có phương án ngăn chặn kịp thời. Nếu vi phạm lỗi nhẹ mà bỏ chạy thì không truy đuổi, còn tình huống gây nguy hiểm cho người đi đường thì cần ngăn chặn.

“Trường hợp để người vi phạm lao vào dải phân cách là ngoài ý muốn vì Tuấn lao quá nhanh, lạng lách. Tất nhiên trong các trường hợp khác thì vẫn cần đảm bảo an toàn cho chính người vi phạm”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Cục CSGT đường bộ – đường sắt (Bộ Công an) cho biết luật quy định rõ các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường như CSGT, thanh tra giao thông khi dừng xe người vi phạm phải đảm bảo an toàn.

Có những lỗi như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… mà không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT được quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn.

“Vẫn có trường hợp phải quyết liệt ngăn chặn vì người vi phạm có những hành vi gây nguy hiểm cho người khác. Nhiều vụ người vi phạm cố tình bỏ chạy gây ra tai nạn chết người. Không chỉ anh em làm nhiệm vụ mà cả người dân cũng rất bức xúc với việc vi phạm giao thông xong phóng nhanh, lạng lách bất chấp nguy hiểm. Tuy nhiên, Cục CSGT vẫn thường xuyên chỉ đạo các lực lượng khi sử dụng vũ lực trấn áp những người bỏ chạy thì phải căn cứ vào thực tế chứ không vì cố ngăn chặn mà gây mất an toàn cho người vi phạm” – vị lãnh đạo này nói.

Có thể chỉ rút kinh nghiệm!

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp cho rằng phải xem những người liên quan trong đoạn clip và nhân chứng tường trình những gì mới đánh giá đúng bản chất vụ việc, từ đó mới đưa ra hướng giải quyết khách quan.

Trong vụ này, hai thanh niên ngã xe không bị thương tích nên có thể chỉ xem xét rút kinh nghiệm đối với CSGT, đồng thời đưa ra bài học nghiệp vụ cho những trường hợp tương tự, CSGT cần phải giải quyết như thế nào cho phù hợp nhất, an toàn nhất.

Áp lực nhưng phải hành động đúng

Thực tế khi làm nhiệm vụ, CSGT cũng chịu nhiều áp lực vì chứng kiến nhiều vi phạm hằng ngày, thậm chí coi thường pháp luật khiến họ dễ bị bức xúc mà hành động mất kiểm soát.

Hành động tránh qua một bên hoặc xô, đá vào xe khi gặp phải đối tượng lái xe máy định lao vào người mình là theo phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, CSGT thì phải chọn cách xử trí phù hợp quy định.

(Lãnh đạo một đội CSGT, Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TP.HCM)

Trong một khảo sát trên báo Tuổi Trẻ, tính đến 18g hôm qua, có đến hơn 70% lượt bạn đọc tham gia có ý kiến ủng hộ việc “CSGT cương quyết truy cản”, hơn 13% ủng hộ phương án “ghi hình phạt nguội” và gần 2% chọn phương án “bỏ qua”. Tuy nhiên, một số bạn đọc cho rằng CSGT cần có biện pháp khác để ngăn chặn vi phạm mà vẫn phải đảm bảo an toàn cho người vi phạm.

Chế tài mạnh hơn

Hành vi vi phạm giao thông rồi bỏ chạy rất nguy hiểm, dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng các quy định, chế tài xử phạt hiện nay quá nhẹ. Vi phạm giao thông chỉ xử phạt hành chính nhưng ngày càng nhiều vụ người vi phạm bất chấp nguy hiểm bỏ chạy, thậm chí sẵn sàng tông xe thẳng vào những người thi hành công vụ.

Nên thay đổi các quy định xử phạt, có biện pháp chế tài mạnh hơn đủ sức răn đe đối với những trường hợp bỏ chạy khi vi phạm giao thông. Tùy tính chất từng vụ việc, có những biểu hiện chống đối, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân có thể xem xét xử lý hình sự.

Luật sư Nguyễn Minh Long (trưởng văn phòng luật sư Dragon)

Khó xử lý hình sự?

Về bản chất và trên thực tế, hành động bỏ chạy rất nguy hiểm nhưng không thể xử lý hình sự vì luật không quy định.

Trong khi đó, trong Bộ luật hình sự các quy định về vi phạm an toàn trật tự giao thông chỉ xử lý hình sự những trường hợp có “yếu tố cấu thành vật chất”, có nghĩa là gây tai nạn có thiệt hại xảy ra. Trong một vụ tai nạn thì phải gây thương tích cho người khác từ 30% trở lên, tổng những người bị nạn có thương tích trên 50%, rồi phụ thuộc nhiều yếu tố khác mới xem xét xử lý hình sự. Việc bỏ chạy biết là rất nguy hiểm nhưng đó chỉ là những hành vi có yếu tố cấu thành về hình thức.

(một lãnh đạo Cục CSGT đường bộ – đường sắt)

THÂN HOÀNG – SƠN BÌNH – ÁI NHÂN