28/12/2024

Giữ ước mơ của mẹ

“Trước lúc nhắm mắt, ước muốn của mẹ là cả tám chị em của em đều vào đại học. Mẹ dặn em phải đi thi, đừng bao giờ bỏ cuộc. Em phải thực hiện cho được ước mơ của mẹ…”.

 

Giữ ước mơ của mẹ

 

“Trước lúc nhắm mắt, ước muốn của mẹ là cả tám chị em của em đều vào đại học. Mẹ dặn em phải đi thi, đừng bao giờ bỏ cuộc. Em phải thực hiện cho được ước mơ của mẹ…”.

 

 

 

 

Giữ ước mơ của mẹ
Ông Đoàn Văn Thiện lo lắng hai đứa con gái út của mình phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn – Ảnh: Nguyên Linh

Đoàn Thị Kim Ngân (học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) đẫm nước mắt, đội khăn tang tham dự kỳ thi THPT tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm Huế. Bà Hồ Thị Tuyết – mẹ của Ngân – mắc bệnh ung thư vú và mất ngay lúc con gái bước vào kỳ thi THPT.

Mờ sáng 2-7, rất đông người dân vùng đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) đến tiễn đưa bà Hồ Thị Tuyết. Ai cũng tiếc cho bà bởi ước mơ sắp thành hiện thực thì bà đã ra đi. Bà Tuyết có đến 10 anh chị em, nhà nghèo, học hết lớp 3 bà phải nghỉ học đi ở nhờ, làm thuê, lầm lũi kiếm miếng ăn.

20 tuổi lấy chồng, hai vợ chồng bà đến với nhau trong nghèo khó bằng việc làm thuê, làm mướn. Và tám người con lần lượt chào đời trong bộn bề túng thiếu.

Có lẽ vì thế mà vợ chồng bà luôn khát vọng đổi thay số phận. Bốn sào ruộng nước làm không nuôi đủ 10 miệng ăn, ông Đoàn Văn Thiện – chồng bà – đi làm phụ thợ nề, bà xoay qua mua bán gánh gạo ở ngôi chợ xép cuối làng. Hôm sớm tảo tần, vợ chồng bà cũng gắng gượng đắp đổi để nuôi tám đứa con ăn học, nuôi khát vọng đổi đời.

Những năm gần đây, dân vùng đầm phá này ai cũng nể phục, ngợi khen bởi sáu đứa con của ông bà lần lượt thi đỗ điểm cao vào các trường đại học. Năm 2003, cô con gái đầu Đoàn Thị Thu Sương thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế.

Và những năm sau, năm người con gái kế tiếp lần lượt thi đỗ vào các trường ĐH Sư phạm Huế, ĐH Ngoại ngữ Huế, ĐH Kinh tế Huế và ĐH Y dược Huế. Tất cả các nguồn lực, vợ chồng bà dồn hết cho các con ăn học. “Ở vùng đầm phá nghèo khó này, muốn thoát khỏi nghèo đói không còn con đường nào khác là phải cho con theo học đại học” – ông Thiện chia sẻ.

Năm 2011, bà Tuyết đi khám bệnh mới biết mình bị ung thư vú giai đoạn cuối. Từ đó việc bán buôn của bà bị ngưng trệ, cuộc sống gia đình vốn đã khốn khó càng thêm ngặt nghèo. Ông Thiện bỏ việc, chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho vợ, lo trang trải chi phí cho các con đến trường. Sau nhiều lần hóa trị và xạ trị, đến ngày 10-6 bệnh viện bất lực trả bà Tuyết về để gia đình chuẩn bị lo hậu sự.

“Mong muốn lớn nhất đời mẹ là cả tám chị em của em đều vào đại học. Những ngày cuối đời, mẹ đã cố gắng gượng để chờ em thi xong THPT nhưng mẹ đã không đợi được” – Kim Ngân rưng rưng nước mắt.

Kim Ngân kể hôm đưa tang mẹ, Ngân chỉ tiễn mẹ đi được một nửa chặng đường rồi phải ngược lên thành phố để kịp giờ vào làm bài thi môn văn.

“Vào phòng thi, trong đầu toàn hình ảnh của mẹ nhưng em cũng đã hoàn thành bài thi” – Kim Ngân nói giọng nghèn nghẹn. Với ước mơ trở thành doanh nhân, Kim Ngân tự tin đăng ký thi vào ĐH Kinh tế Huế.

Ông Thiện kể từ ngày vợ mắc bệnh ung thư, ông phải vay nợ cả trăm triệu đồng để lo thuốc thang cho vợ. Đứa con gái thứ sáu là Đoàn Thị Như Ngọc đang theo học năm hai ngành dược ĐH Y dược Huế còn nợ học phí cả năm chưa có tiền đóng.

Ngọc cho biết đang nợ học phí cả năm học thứ hai với số tiền 8,4 triệu đồng, em phải xin dời lịch thi kết thúc học kỳ 2 sang tháng 9-2016 để có thời gian xoay xở.

Nguồn sống của gia đình Ngân hiện nay nhờ vào sự đóng góp từ đồng lương đi dạy học ít ỏi của chị gái mới ra trường.

NGUYÊN LINH