28/12/2024

Bệnh viện trao nhầm con, hãy đặt con trẻ là trung tâm!

Khi một đứa trẻ sinh ra, giữa cha mẹ và con trẻ ngoài sợi dây tình thâm còn là mối kết nối dưỡng dục, đong đầy qua từng ngày bên nhau. Hơn 3 năm, thời gian đó đủ hình thành nên một tình yêu lớn giữa cha mẹ và con cái…

 

Bệnh viện trao nhầm con, hãy đặt con trẻ là trung tâm!

 

Khi một đứa trẻ sinh ra, giữa cha mẹ và con trẻ ngoài sợi dây tình thâm còn là mối kết nối dưỡng dục, đong đầy qua từng ngày bên nhau. Hơn 3 năm, thời gian đó đủ hình thành nên một tình yêu lớn giữa cha mẹ và con cái…

 

 

 

 

Bệnh viện trao nhầm con, hãy đặt con trẻ là trung tâm!
Bé Lan Anh trong vòng tay cha mẹ nuôi dưỡng bé từ lúc mới chào đời – Ảnh: Bùi Liêm

Câu chuyện bị trao nhầm con hơn 3 năm qua ở Bình Phước (Tuổi Trẻ ngày 15-7) đang dẫn đến một vấn đề rất khó ứng xử về tình cảm: Có nên vội vàng trả các cháu bé bị nhầm về cho cha mẹ ruột, rồi cả 2 gia đình cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi trẻ và nhất là cả 2 đứa trẻ ấy đều gặp cú sốc tâm lý?

Không thể hoàn toàn chỉ sử dụng các biện pháp luật pháp và hành chính để xử lý những vấn đề này, đây là vấn đề của trái tim, của con người

Ông NGUYỄN HUY QUANG (vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế)

Có cú sốc tâm lý?

Theo ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, về pháp lý khi đã có kết quả xét nghiệm ADN xác định cha mẹ ruột thì rất dễ xử lý, các gia đình có thể ra cơ quan hộ tịch, đổi lại họ tên cho người/trẻ bị nhầm…

Tuy nhiên vấn đề quan trọng là trẻ bị trao nhầm có chấp nhận cha mẹ mới và ngược lại, người cha, mẹ có chấp nhận đứa con mới mà thực tế đó mới là con ruột của mình? Vì lối sống, thói quen, cách nuôi dạy ở mỗi gia đình khác nhau, và nhất là câu chuyện tình cảm trong câu chuyện này.

Trẻ thơ không biết thế nào là huyết thống, ngay từ khi bé cất tiếng khóc chào đời, bé chỉ biết mẹ là người cho bé bú, chăm bé mỗi ngày.

Bé sẽ cất tiếng gọi “mẹ” với người đã chăm bẵm bé từ thuở lọt lòng như một phản xạ của bản năng và tiếng nói ấy theo thời gian sẽ là nhận thức về tình thương yêu của mẹ dành cho bé.

Những kỷ niệm, tình cảm mơ hồ của bé chỉ biết đến gia đình ấy, những người thân quen ấy và không dễ gì thay đổi nhanh chóng bằng cách trao ngay bé cho một cặp cha mẹ mới, dù đó mới là cha mẹ thật sự.

Nhân đôi cha mẹ

Chia sẻ xung quanh câu chuyện trao nhầm con 3 năm tại Bình Phước, ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cũng chia sẻ: Trong cuộc chiến giành lại con này, bản thân cha mẹ cũng là người tổn thương tâm lý khi phải chia xa đứa con mình dưỡng nuôi trong suốt hơn ba năm đầu đời.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề nhất lại là những đứa trẻ. Đối với một đứa trẻ 3 tuổi, trẻ đủ nhận thức được về cha mẹ, đã biết ai là người chăm lo, gần gũi mình nhất và mình có thể đặt trọn vẹn tình cảm, trao niềm tin vào người ấy.

Sự tách rời đột ngột với người trực tiếp chăm sóc khiến trẻ có nguy cơ rối loạn gắn bó nếu trẻ chưa được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón nhận việc này.

Việc chia cắt bất ngờ với người thân yêu luôn bên trẻ mỗi ngày là sang chấn tâm lý lớn lao, nó không chỉ gây cho trẻ sự hụt hẫng, đau khổ, sự bất an, sợ hãi ở thời điểm hiện tại mà còn kéo theo rối nhiễu tâm lý khác: rối loạn về ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, ứng xử, trầm cảm… và có thể kéo dài đến suốt những năm tháng sau này.

Chính vì vậy, ThS Vân cho rằng với tình cảm yêu thương đang dành cho các con, cả hai bên cha mẹ cần cho con có thời gian thích nghi với sự thay đổi, đồng thời họ cũng cần có thời gian thích ứng, chuẩn bị tâm lý.

Họ đều đã yêu thương đứa con không phải do mình sinh ra, vì vậy nên giải quyết vấn đề bằng tình cảm yêu thương và dựa trên quyền lợi của con. Cả hai bên có thể giữ mối quan hệ qua lại giữa hai gia đình để các con quen dần môi trường mới, dần dần hình thành tình cảm yêu thương với cha mẹ ruột và sau đó đến thời điểm thích hợp sẽ quyết định thời gian trao đổi con.

Thời gian thích nghi này nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào mỗi đứa trẻ, tùy vào sự yêu thương, gắn kết… Điều quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ tiếp tục tạo điều kiện để trẻ lớn lên trong tình cảm yêu thương, giúp trẻ an tâm, tin tưởng để dần quen với môi trường mới, xây dựng mối quan hệ tình cảm mới. Sẽ càng tốt hơn nữa nếu những đứa trẻ được cha mẹ hai bên tạo điều kiện gần gũi và thân thiết như chị em ruột.

Bên cạnh đó, cả hai bên cha mẹ cũng cần lưu ý đến việc trao đổi, chia sẻ cùng những thành viên khác trong gia đình để có cách ứng xử phù hợp và không gây thêm những tổn thương cho trẻ.

Cùng quan điểm này, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Nếu hai gia đình đi lại gần gũi, quan tâm lẫn nhau để hai bé có cơ hội gặp và sống cùng cha mẹ ruột, tạo điều kiện cho các bé gắn bó với gia đình ruột thịt thì mới có thể giảm được những lo lắng ban đầu của cả con và cha mẹ ruột.

Khi ấy tuỳ từng điều kiện thì các gia đình đón con về và còn gì tốt hơn khi các bé sẽ có 2 gia đình cùng thương yêu, và mỗi gia đình sẽ có 2 đứa con cùng độ tuổi ấy, cùng sinh ra vào ngày tháng ấy và cùng yêu thương nhau”.

Gia đình chưa trả con lên tiếng

Sáng 15-7, anh Huỳnh Văn Tuấn (cha ruột bé Vũ Thị Lan Anh – bị trao nhầm cho gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang) đã có những chia sẻ về lý do chưa thực hiện việc trao đổi lại hai cháu bé bị bệnh viện trao nhầm từ ba năm trước.

Anh Tuấn cho biết sự việc diễn ra những ngày qua làm cuộc sống gia đình anh xáo trộn, gây ra cú sốc tâm lý lớn đối với các thành viên trong gia đình mình.

Đến nay việc hai gia đình chưa trao đổi lại con là vì còn vướng mắc một số vấn đề, trong đó có việc không đồng ý với cách giải quyết của Bệnh viên Đa khoa thị xã Bình Long. Anh Tuấn cho hay đến hiện tại chưa nhận được bản kết luận xét nghiệm ADN chứng minh mối quan hệ huyết thống mà chỉ nghe bệnh viện đọc.

Dù vậy, anh cho biết vẫn tin vào kết quả mà bệnh viện thông báo.

Sự việc phức tạp cho đến ngày hôm nay, theo anh Tuấn, là do cách giải quyết của Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long với mức bồi thường bệnh viện đưa ra.

“Nếu bệnh viện không bồi thường thỏa đáng chúng tôi sẽ kiện ra toà và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sai phạm của bệnh viện” – anh Tuấn bức xúc nói.

Hiện tại, chị Thị Liên (vợ anh Tuấn) đang mang thai. Mọi người trong gia đình muốn đợi hơn một tháng nữa sau khi chị sinh con xong và phía bệnh viện giải quyết thoả đáng mới trao đổi lại hai cháu bé.

“Vợ tôi rất yêu thương bé Yến, dù biết không phải con ruột nhưng tình yêu dành cho bé không thay đổi, nếu bây giờ đưa bé đến gia đình khác thì cô ấy bị sốc, cần có thời gian quen với sự thật này” – anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cũng cho rằng đã thống nhất với gia đình chị Trang, anh Khiên (đang nuôi dưỡng con ruột của anh) sẽ để hai đứa trẻ thích nghi dần và khi nào hai bé quen với cha mẹ ruột mới giao trả luôn.

“Mong rằng mọi chuyện được giải quyết tốt đẹp, tôi và vợ cũng như anh chị ấy (anh Khiên và chị Trang – NV) đã nuôi hai bé ba năm rồi, khoảng cách nhà 5km cũng đâu có xa xôi gì. Tôi muốn hai đứa và hai vợ chồng tôi với hai vợ chồng anh ấy sẽ là bạn bè của nhau” – anh Tuấn tâm sự.

Trong khi đó, ông Trần Đình Cường – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long – cho biết tại buổi hòa giải (ngày 23-6) bệnh viện đã thừa nhận sai sót và đưa ra các giải pháp khắc phục. Về vấn đề khi nào giao trả hai cháu bé, chi phí bồi thường hỗ trợ… hai bên cho biết cần thời gian để đưa ra quyết định cuối cùng.

“Chúng tôi muốn mọi chuyện được giải quyết theo hướng tốt đẹp nhất, không muốn rắc rối thêm” – ông Cường nói.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, về nguyên tắc cần phải trả trẻ về đúng với cha mẹ ruột theo huyết thống. Trường hợp một bên cha mẹ không chịu trả con thì cần thuyết phục, hoà giải để có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng, êm đẹp nhất, tránh tạo xung đột.

Tuy nhiên nếu họ vẫn không chịu trao trả con cho cha mẹ đúng huyết thống thì cần phải yêu cầu tòa án giải quyết theo quan hệ pháp luật tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con theo quy định.

XUÂN AN – BÙI LIÊM

LAN ANH – DIỆU NGUYỄN