08/01/2025

Ngân hàng bị lừa, công chứng viên cũng lãnh án

Đoàn Thế Danh chủ động bàn bạc và đề nghị các bị cáo trong nhóm lừa đảo tham gia, giúp sức lừa cha mẹ ruột mình.

 

Ngân hàng bị lừa, công chứng viên cũng lãnh án

Đoàn Thế Danh chủ động bàn bạc và đề nghị các bị cáo trong nhóm lừa đảo tham gia, giúp sức lừa cha mẹ ruột mình.




Bị cáo Lan (bìa trái) và các bị cáo tại phiên toàẢNH: MINH BẰNG


Ngày 13.7, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Sót và Trương Văn Đê mỗi người 7 năm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 2 cựu cán bộ của Ngân hàng VP Bank là Nguyễn Trọng Phương (nguyên Phó giám đốc Phòng Giao dịch Q.6) lãnh 6 năm tù và Đào Minh Tịnh (nguyên cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Q.10) lãnh 7 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Lan (nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2, TP.HCM) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm…”.
HĐXX nhận định, bị cáo Tịnh đã thực hiện hàng loạt hành vi trái quy định của ngân hàng, như không kiểm tra đối chiếu tài liệu trong hồ sơ vay tín dụng với giấy tờ tuỳ thân, không bổ sung vào hồ sơ vay giấy CMND, ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngoài trụ sở ngân hàng, đưa hồ sơ qua văn phòng công chứng có sự mập mờ khi không đưa hộ chiếu có chữ ký của người sở hữu căn nhà để công chứng viên đối chiếu. Bị cáo Phương với vai trò kiểm sát cán bộ tín dụng, xác minh tài sản vay vốn nhưng làm qua loa, duyệt chấp thuận hồ sơ vay vốn của những người giả mạo. Bị cáo Lan chưa làm hết chức năng, trách nhiệm trong việc đối chiếu nhân thân hình ảnh của chủ sở hữu tài sản (người trong hộ chiếu) với người giả mạo đến yêu cầu công chứng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
 
 

 

Ngoài ra, theo HĐXX, người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án là Đoàn Thế Danh, con ruột chủ sở hữu thật, khi Danh chủ động bàn bạc và đề nghị các bị cáo trong nhóm lừa đảo tham gia, giúp sức lừa cha mẹ ruột mình. Tuy nhiên, khi vụ án bị phát hiện và khởi tố, Danh đã xuất cảnh định cư tại Mỹ nên cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.
Theo cáo trạng, Vinh và Danh quen biết nhau. Tháng 4.2012, Danh cho Vinh biết bản thân đang nợ nhiều người, rồi bàn bạc, nhờ Vinh dùng giấy tờ nhà, đất do cha mẹ ruột của Danh đứng tên tại P.5, Q.8 đem thế chấp vay tiền ngân hàng. Sau đó, Danh đã lén lấy giấy CMND, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy tờ nhà, đất bản chính đưa Vinh liên hệ ngân hàng làm thủ tục vay tiền. Để qua mặt bố mẹ và ngân hàng, Danh đã nhờ 2 người giúp việc cho gia đình mình trước đây là Sót và Đê mạo danh bố mẹ Danh đứng tên hồ sơ vay tín dụng. Suốt quá trình liên hệ làm hồ sơ vay tiền tại VP Bank, Vinh cũng mạo danh là Đoàn Thế Danh, cùng 2 bị cáo Sót, Đê ký hợp đồng tín dụng vay để chiếm đoạt của VP Bank 4 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Vinh cho rằng mình không lừa đảo, vì Danh bận công việc nên Vinh chỉ đứng ra làm giùm. Đại diện Viện KSND TP.HCM truy: “Danh bận hôm nay thì hôm khác có thể đi làm thủ tục. Danh bận không có mặt ở nhà lúc ngân hàng xuống thẩm định thì có thể hẹn ngân hàng vào khi khác. Không cớ gì bị cáo giả mạo Danh cả một quá trình dài…”, thì Vinh im lặng.
Khi chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo Tịnh lý do tại sao trong hồ sơ vay vốn ban đầu là CMND nhưng sau đó lại thay bằng hộ chiếu, Tịnh khai: “Vì người vay nói mất CMND nên sau thay bằng hộ chiếu”. Chủ toạ bẻ: “Căn bản các bị cáo tính toán rất kỹ. Biết sử dụng CMND, khi hồ sơ qua phòng công chứng, nếu công chứng viên thử dấu vân tay sẽ bị phát hiện việc giả mạo…”.
“Chưa một lần lên ngân hàng”
Tháng 2.2015, Viện KSND TP.HCM ban hành cáo trạng vụ án này nhưng chỉ truy tố 4 bị cáo Vinh, Sót, Đê và Lan. Cuối năm 2015, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm, tại toà bị cáo Sót và Đê mới khai ra quá trình làm hồ sơ vay vốn chưa một lần lên ngân hàng nên HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ trách nhiệm của cán bộ ngân hàng. Sau đó 2 bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng mới bị đưa vào vòng tố tụng và đưa ra xét xử.

Phan Thương