Người Samari Nhân Hậu

Bài Phúc Âm hôm nay – chúng ta đang ở Chương 10 Phúc Âm Thánh Luca – là bài Dụ ngôn nổi tiếng về người Samari Nhân Hậu. Người đàn ông này là ai? Anh là một người bình thường, trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, trên con đường băng qua Sa mạc Giuđê.

 Người Samari Nhân Hậu

Kinh Truyền Tin
Castel Gandolfo
Chúa Nhật XV Thường Niên, 14/7/2013

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng,

Hôm nay, buổi gặp gỡ vào ngày Chúa Nhật của chúng ta để đọc Kinh Truyền Tin được diễn ra nơi đây, tại Castel Gandolfo này. Tôi chào dân cư sinh sống trong thành phố bé nhỏ đẹp đẽ này! Trước tiên, tôi cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện, và tôi cũng cầu nguyện cùng với tất cả mỗi người trong anh chị em là những người đã đến đây thật đông với tư cách là khách hành hương.

Bài Phúc Âm hôm nay – chúng ta đang ở Chương 10 Phúc Âm Thánh Luca – là bài Dụ ngôn nổi tiếng về người Samari Nhân Hậu. Người đàn ông này là ai? Anh là một người bình thường, trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, trên con đường băng qua Sa mạc Giuđê. Trước đó không lâu, cũng trên con đường này, có một người đàn ông đã bị bọn cướp tấn công, trấn lột, đánh cho nửa sống nửa chết nằm trên đường đi. Trước khi người Samari đến, đã có một tư tế cũng như một thầy Lêvi, nghĩa là hai người có liên quan đến việc thờ phượng Đức Chúa trong Đền thờ, đi qua. Họ thấy con người đáng thương này, nhưng bỏ đi qua mà không thèm dừng lại. Còn trái lại, khi người Samari thấy người đàn ông này, thì “anh liền động lòng thương” (Lc 10,33), Phúc Âm đã nói như thế. Anh đến với nạn nhân và băng bó vết thương cho nạn nhân, đổ dầu và rượu lên vết thương; đoạn đặt nạn nhân lên lưng ngựa của mình, đem nạn nhân đến quán trọ và trả mọi chi phí ăn ở… Tóm lại, anh chăm sóc nạn nhân: đây là tấm gương tình yêu đối với người láng giềng. Thế nhưng, tại sao Đức Giêsu lại chọn một người Samari làm nhân vật chính trong bài dụ ngôn? Bởi vì người Samari bị người Do Thái khinh miệt vì các tập tục tôn giáo của họ khác nhau; thế nhưng, Đức Giêsu lại chứng tỏ cho thấy quả tim của người Samari này tốt lành và quảng đại và rằng – không giống như vị tư tế và thầy Lêvi – anh thực thi ý muốn của Thiên Chúa là Đấng luôn muốn lòng nhân từ hơn của lễ toàn thiêu (x. Mc 12,33).

Thiên Chúa luôn muốn lòng nhân từ và không hề kết án một ai. Ngài muốn lòng nhân từ chân thành, bởi vì Ngài nhân từ và có thể hiểu rất rõ sự khốn cùng của chúng ta, những khó khăn của chúng ta, cũng như tội lỗi của chúng ta. Ngài ban cho tất cả chúng ta quả tim nhân hậu này của Ngài! Người Samari quả thật là như thế: anh ta thật sự bắt chước lòng nhân từ của Thiên Chúa, lòng nhân từ dành cho những ai đang cần đến.

Một người đã sống cách trọn vẹn Tin Mừng về người Samari Nhân Hậu này là vị Thánh mà chúng ta tưởng nhớ ngày hôm nay: Thánh Camillô de Lellis, Đấng Sáng lập Dòng các Giáo sĩ triều phục vụ Bệnh nhân, là Quan thầy của những bệnh nhân và những người chăm sóc bệnh nhân. Thánh Camillô qua đời ngày 14/7/1614: 400 năm ngày sinh của Thánh nhân đang được cử hành và sẽ kéo dài trong một năm. Với tâm tình quý mến sâu xa, tôi chào những người con tinh thần của Thánh Camillô, nam cũng như nữ, qua đặc sủng bác ái của Thánh nhân, đang tiếp xúc mỗi ngày với các bệnh nhân. Chúng ta hãy sống là những “Người Samari Nhân Hậu” như Thánh nhân! Và tôi hy vọng các bác sĩ, y tá và tất cả những ai đang làm việc trong các bệnh viện và trạm xá cũng có thể được thúc đẩy bởi cùng một tinh thần này. Chúng ta hãy tin tưởng dâng cho Đức Maria Rất Thánh ý chỉ cầu nguyện này, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Ngoài ra, cùng với tất cả anh chị em, tôi cũng muốn dâng cho Đức Mẹ một ý chỉ cầu nguyện khác. Đại hội Thế giới Giới trẻ tại Rio de Janeiro đang đến gần kề. Mọi người đã thấy có rất nhiều bạn trẻ đang quy tụ nơi đây, nhưng tất cả anh chị em cũng là người trẻ trong tâm hồn! Tôi sẽ khởi hành trong một tuần lễ nữa, nhưng nhiều bạn trẻ sẽ khởi hành đi Brazil sớm hơn. Do đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc hành hương vĩ đại này đang được bắt đầu, xin Đức Bà Aparecida, là Quan thầy của Brazil, hướng dẫn bước đi của những tham dự viên, và mở lòng họ đón nhận sứ mệnh mà Đức Kitô sẽ giao phó cho họ.