01/11/2024

Làm sao để vượt qua nỗi đau?

Khi rơi vào hoàn cảnh không mong muốn như việc có cha mẹ phạm phải lỗi lầm tày đình, để lại vết hằn sâu trong tâm trí, giải pháp từ chính “người trong cuộc” cũng như các chuyên gia tâm lý, sức khoẻ.

 KHI CON CÁI “GÁNH” ĐỜI CHA MẸ – KỲ 2:

Làm sao để vượt qua nỗi đau?

 

Khi rơi vào hoàn cảnh không mong muốn như việc có cha mẹ phạm phải lỗi lầm tày đình, để lại vết hằn sâu trong tâm trí, giải pháp từ chính “người trong cuộc” cũng như các chuyên gia tâm lý, sức khoẻ.

 

 

 

 

Làm sao để vượt qua nỗi đau?
Khi gặp những cú sốc, bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý. Trong ảnh: thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ (trái) tư vấn cho bệnh nhân – Ảnh: Diệu Nguyễn

“Tôi cho rằng vai trò của phòng tham vấn tâm lý trong trường học là rất quan trọng vì đây là nơi gần gũi nhất, tạo cảm giác an toàn, tin tưởng nhất đối với trẻ em

ThS
 LÊ THỊ MINH TÂM

 

 

Chị Nguyễn Thị Mộng T. (32 tuổi, quê Đà Nẵng) khi đang học lớp 12 đón nhận một cú sốc tưởng khó thể nào vượt qua khi cả cha và mẹ đều bị bắt và thụ án tù vì dính líu đến buôn bán ma tuý.

“Thời điểm đó khi đến trường lẫn về nhà, tôi đều không dám nhìn ai, đi đâu cũng nghe những đàm tiếu râm ran, gặp những ánh nhìn soi mói. Tôi toan bỏ học” – chị Mộng T. 
nhớ lại.

Nỗ lực “tự thân vận động”

Sau nhiều đêm khóc, chị T. quyết định đón xe vào TP.HCM để trước mắt thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Kế đến, chị xin làm giúp việc cho một gia đình đồng thời đăng ký học bổ túc. Vốn ham học, chị tốt nghiệp đại học và đi làm tại một công ty dược phẩm Mỹ với mức thu nhập cao.

Hiện chị đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ kinh tế.

“Không muốn nhắc nhiều về quá khứ đau lòng nhưng tôi muốn nói dẫu cuộc đời có chua cay, bất hạnh như thế nào thì chúng ta phải hiểu chỉ có nỗ lực từ bản thân mới có thể cứu được mình” – chị chia sẻ.

Còn V.Hùng cho biết một trong những giải pháp anh tìm đến là trò chuyện với những người mình yêu quý, trong trường hợp của anh là bà ngoại.

“Sự cô đơn rất nguy hiểm, dễ khiến chúng ta có những cảm xúc tiêu cực. Tôi thấy rất may mắn là mình vẫn còn bà và chị, những người có trải nghiệm sống nhiều hơn, yêu thương tôi vô điều kiện và nhờ đó vực dậy cảm xúc tích cực trong tôi.

Ngày xưa nếu tôi không chia sẻ cùng bà và chị thì có thể bây giờ tôi đã có kết cục xấu hơn rất nhiều. Dĩ nhiên bên cạnh đó là nghị lực bản thân” – V.Hùng khẳng định.

Tìm chỗ dựa tinh thần

Từng có 16 năm công tác tham vấn, ThS khoa học xã hội về sức khỏe Lê Thị Minh Tâm (chuyên viên tâm lý Đại học RMIT VN) cho biết chị chứng kiến nhiều trường hợp các bạn trẻ không may mắn khi gia đình bị vỡ nợ, cha mẹ đi tù vì phạm tội.

“Trong những hoàn cảnh như trên, trẻ mất đi chỗ dựa tinh thần quan trọng, mất cuộc sống an toàn, lành mạnh và dĩ nhiên điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tinh thần của trẻ. Có những em gánh áp lực từ cộng đồng (bị kỳ thị, xem thường), tài chính hoặc áp lực từ nội tại (dần thiếu tự tin và mặc cảm, thu mình, có khi nổi loạn, hủy hoại sức khỏe hoặc tinh thần)…

Các em cần nhận được sự hỗ trợ kịp thời để vượt qua khủng hoảng nhanh hơn” – ThS Minh Tâm cho biết.

Bà Hồ Thị Tuyết Mai (chuyên viên tư vấn thuộc Trung tâm Tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân, gia đình – Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) cho rằng ở lứa tuổi mới lớn, các em luôn mong muốn có một tấm gương để noi theo và thường là cha hoặc mẹ mình.

Nếu các em có cha mẹ tạo hình ảnh xấu, chẳng hạn như thường xuyên cờ bạc, rượu chè, nhân tình nhân ngãi… thì các em sẽ mất dần niềm tin vào hôn nhân, không tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống.

“Tôi từng gặp nhiều em dù đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhưng phần lớn đều tồn tại những ám ảnh trước chuyện hôn nhân” – bà Mai chia sẻ.

Với những trường hợp này, bà thường chọn giải pháp khơi gợi những giá trị đích thực mà các em có, tuy nhiên bà cho biết số trường hợp các em có thể tự nỗ lực vượt qua không nhiều.

“Chính vì thế các bậc cha mẹ cần là tấm gương sáng cho con, phải sống có trách nhiệm và suy nghĩ kỹ trước các hành vi của mình vì hệ quả để lại cho con cái sẽ rất khó lường. Đã được vào vị trí thiêng liêng là làm cha làm mẹ thì phải xác định con cái là tài sản vô giá, không nên để những vết tì làm tổn thương tâm hồn, cuộc đời của chúng” – bà nêu lời khuyên.

Cha mẹ tác động mạnh mẽ nhất

“Tôi tin cha mẹ luôn là người có sức ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ nhất đến hiện tại lẫn tương lai của các em, vì vậy các bậc phụ huynh nên là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho các em, hạn chế gây ra những lỗi lầm ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần của trẻ” – ThS Minh Tâm nói.

Theo trang Educationnews, những hành vi xấu của các bậc cha mẹ không chỉ ảnh hưởng tức thì đến con cái mà sẽ để lại nhiều vấn đề về sức khoẻ ở chúng sau này.

Theo đó, những cá nhân từng trải qua thời thơ ấu bị chính cha mẹ bạo hành hoặc đối xử tàn tệ rất dễ gánh nhiều rủi ro, tổn thương sức khỏe sau này (chẳng hạn bệnh tim, tiểu đường) hơn những ai có được tuổi thơ ấm êm.

CÔNG NHẬT – KIM ANH ([email protected])