23/12/2024

Hội chứng “gà công nghiệp”

Nhiều trẻ không chịu chơi với bạn hàng xóm vì cho rằng các bạn nghịch ngợm, không vệ sinh, không an toàn. Các bạn không đi dép mà hay đi chân đất, lấm lem nên ngại không dám tiếp xúc, sợ lây bệnh.

 

Hội chứng “gà công nghiệp”

 

Nhiều trẻ không chịu chơi với bạn hàng xóm vì cho rằng các bạn nghịch ngợm, không vệ sinh, không an toàn. Các bạn không đi dép mà hay đi chân đất, lấm lem nên ngại không dám tiếp xúc, sợ lây bệnh.

 

 

 

 

Hội chứng “gà công nghiệp”

Muốn chơi với bạn nhưng cho rằng các bạn chơi nguy hiểm quá nên không dám tham gia. Khi về quê, trẻ không thích chơi với mấy đứa trẻ ở quê vì chúng suốt ngày lội ruộng, cưỡi trâu, bò…

Cha mẹ “gói ghém”
quá kỹ

Hiện một số cha mẹ có điều kiện nên con cái của họ được dạy dỗ, gói ghém theo cách riêng nên ít có cơ hội chơi và học cùng trẻ khác.

Chị Hằng (hàng xóm nhà tôi) quản con thế này: sáng chiều thì cho con đi học, tối về làm bài tập… ngày thứ bảy, chủ nhật cho học thêm nhà cô. Vì thế cậu bé 8 tuổi chẳng bao giờ được chơi với những đứa trẻ hàng xóm.

Trong khi đó, những đứa trẻ xung quanh là con của công nhân khu công nghiệp đi học về là rủ nhau tự chơi thoải mái. Mỗi lần, cậu con trai chị muốn chơi với mấy đứa bạn hàng xóm thì chị Hằng nổi giận, bắt con vào nhà rồi giáo huấn, la mắng.

Trong khi đó, chị Thanh (Long Thành, Đồng Nai) chia sẻ: “Ở gần nhà tôi có nhiều trẻ con nhưng mấy đứa trẻ đó không được học hành đàng hoàng. Đứa nào đứa nấy lấm la lấm lem, quần áo bẩn thỉu. Vì thế, tôi không thể để con mình chơi với mấy đứa kia được.

Ở nhà đủ trò chơi, bé thích gì tôi đều mua cho bé. Ấy vậy, thi thoảng con trai tôi vẫn trốn mẹ đi chơi với mấy đứa trẻ đó. Không học điều gì bổ ích, có khi lại học nói tục chửi bậy”.

Hệ quả thành
“gà công nghiệp”

Hai trường hợp trên là cùng phương pháp quản lý và giáo dục con cái ở không ít gia đình hiện nay. Đó chính là tư duy giáo dục khép kín, thậm chí còn phản giáo dục, kiềm chế sự phát triển toàn diện nhân cách của đứa trẻ. Suy nghĩ con mình ở môi trường “sạch” không tiếp xúc, giao lưu thì tâm hồn trẻ sẽ tinh tươm là cách nhận định sai lầm.

Ngược lại, việc cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh là rất cần thiết. Cụ thể:

– Trẻ không bị nhốt kín trong bốn bức tường với những phương pháp áp đặt từ cha mẹ. Nếu không cho trẻ giao lưu, trẻ sẽ chậm phát triển ngôn ngữ và tư duy sáng tạo, thậm chí có trẻ trầm cảm. Đặc biệt, nếu không giao tiếp với bạn bè xung quanh, trẻ dễ thụ động, thiếu tự tin, hoà nhập kém.

– Nhân cách đứa trẻ hình thành trong hoạt động và giao tiếp. Vì thế, không giao tiếp thì trẻ sẽ gặp vấn đề về nhân cách. Đừng nghĩ chơi với đứa trẻ nghịch ngợm, phá phách là không tốt.

Ngược lại, trẻ sẽ học nhiều điều bổ ích, đó chính là sự tự tin, lòng dũng cảm, hạn chế được sự nhút nhát, thụ động mà bấy lâu trẻ bị quản lý, kiểm soát, phụ thuộc. Còn chơi với những đứa trẻ lấm lem, con trẻ có thể học những bài học bổ ích, biết nhiều trò chơi tinh nghịch, tính chủ động tốt hơn, khả năng thích ứng tốt hơn với thiên nhiên.

Chơi với bạn hàng xóm, trẻ sẽ học được điều hay và tránh được điều xấu. Trẻ nhận thấy được nếu không phù hợp với mình thì sẽ tự ý thức có nên chơi chung hay không. Đó là kỹ năng tự chủ trong thiết lập các mối quan hệ của trẻ.

Cha mẹ quá úm con, lớn lên con trẻ dần dần trở thành những chú gà công nghiệp ngây ngô, hoặc chẳng khác gì cây con còn nằm trong lồng kính, khi đưa ra ngoài thì yếu ớt, dễ đổ.

Có thể nói, ngày nay dù trẻ ở thành thị hay nông thôn thì trẻ cần được phát triển một cách toàn diện. Dù là con nhà giàu hay con nhà nghèo đều cần hình thành những kỹ năng cơ bản để hoà nhập và thích ứng tốt. Không có môi trường nào toàn ưu điểm tuyệt đối.

Chúng ta đang hướng tới những đứa trẻ tự chủ, tự tin, biết chia sẻ, sống có trách nhiệm với cộng đồng thì tốt nhất chúng ta cần tạo điều kiện tốt nhất để các con phát triển. Đừng úm con quá kỹ khiến con trẻ tách rời môi trường xung quanh, nhưng đừng buông thả con một cách tuỳ tiện để chúng tự bơi thiếu định hướng.

Cho con cơ hội trải nghiệm

– Cho con hoà cùng nhịp sống với những mối quan hệ xung quanh, cho con trải nghiệm với các bạn cùng tuổi, với những trò chơi con trẻ thích thú.

– Đừng bao giờ suy nghĩ rằng quản con cả ngày là tốt, ngược lại, điều đó kìm hãm sự phát triển của con. Bên cạnh việc quản lý học tập của con thì cha mẹ cần phối hợp để trẻ có thể phát triển mạnh các khả năng khác như: giao tiếp, sự tự tin, sự đồng cảm, hoà nhập, thích ứng và cả khả năng vận động chân tay.

– Cần cho con trẻ về với ruộng đồng, thiên nhiên.

– Mở rộng môi trường và không gian sống cho trẻ. Trẻ thành thị thì đưa về nông thôn để học thêm kỹ năng sống, trẻ ở nông thôn thì có thể cho lên thành thị để khám phá những điều mới mẻ, cũng như học cách tự tin, cách thể hiện trước đám đông…

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN