23/12/2024

13 năm chưa nhận được tiền bồi thường vì bị thu hồi đất

Bị thu hồi đất làm dự án lưới điện 500 KV Phú Mỹ – Nhà Bè – Phú Lâm (H.Bình Chánh, TP.HCM) từ năm 2003, qua nhiều năm khiếu kiện, dù TAND TP.HCM đã ra bản án phúc thẩm nhưng đến nay đã 13 năm, ông Nguyễn Văn Chiến (ngụ tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

 

13 năm chưa nhận được tiền bồi thường vì bị thu hồi đất

Bị thu hồi đất làm dự án lưới điện 500 KV Phú Mỹ – Nhà Bè – Phú Lâm (H.Bình Chánh, TP.HCM) từ năm 2003, qua nhiều năm khiếu kiện, dù TAND TP.HCM đã ra bản án phúc thẩm nhưng đến nay đã 13 năm, ông Nguyễn Văn Chiến (ngụ tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.





Đã 13 năm, ông Nguyễn Văn Chiến vẫn chưa nhận được tiền bồi thường  /// Ảnh: Hải Nam

 

Đã 13 năm, ông Nguyễn Văn Chiến vẫn chưa nhận được tiền bồi thườngẢNH: HẢI NAM


Theo đơn của ông Chiến, tháng 5.2003, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh (BTGPMB) ra quyết định bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích gần 800 m2 nhà đất của ông tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh do bị ảnh hưởng bởi dự án lưới điện 500 KV, đồng thời đưa ra bảng chiết tính với mức tổng bồi thường, hỗ trợ gần 747 triệu đồng.
Đến tháng 11.2003, Ban BTGPMB lại điều chỉnh mức bồi thường, hỗ trợ xuống còn chưa đến 213 triệu đồng, trong đó, chỉ bồi thường 99 m2 đất ở, diện tích đất nông nghiệp còn lại không được đền bù do được xác định mua bán không hợp lệ.
Từ đó, ông Chiến đã khiếu nại đến nhiều nơi nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Tháng 10.2011, ông Chiến khởi kiện ra TAND H.Bình Chánh. Qua hai cấp xét xử, ngày 13.5.2013, TAND TP.HCM đã ra bản án phúc thẩm chấp nhận đơn của ông Chiến, hủy các quyết định của UBND H.Bình Chánh và buộc UBND H.Bình Chánh “bồi thường toàn bộ diện tích đất của ông Chiến”.
Trong đó, bản án cũng nêu rõ “Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường”.
Ngày 18.6.2015, UBND H.Bình Chánh ra quyết định bồi thường hỗ trợ cho ông Chiến với toàn bộ diện tích đất nhưng chỉ áp dụng theo giá đất năm 2002 với số tiền hơn 645 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay ông Chiến vẫn không nhận được tiền mà nguyên nhân là do sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Làm việc với PV Thanh Niên, đại diện Ban BTGPMB cho rằng giá đất bồi thường đã được UBND TP.HCM duyệt từ năm 2002 và dự án đã được hoàn thành nên không thể thay đổi được. Tuy nhiên, Ban BTGPMB cũng tính thêm gần 1,3 tỉ đồng lãi suất do chậm trả (tính từ năm 2002) cho ông Chiến để đảm bảo quyền lợi cho ông. Giải thích về việc đến nay vẫn chưa bồi thường, đại diện Ban BTGPMB nói từ tháng 6.2015, Ban BTGPMB đã gửi công văn đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 3 (ANĐ3) chi trả tiền bồi thường và tiền lãi chậm trả cho ông Chiến nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt chi.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Huy, đại diện Ban ANĐ3 lại cho biết ngày 29.7.2015, Ban ANĐ3 đã có công văn yêu cầu Ban BTGPMB cung cấp các hồ sơ pháp lý kèm theo bảng chiết tính để làm cơ sở chi tiền. Ngày 18.5 vừa qua, Ban BTGPMB và Ban ANĐ3 cũng đã có buổi làm việc, trong đó Ban ANĐ3 tiếp tục đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý về việc bồi thường. “Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồ sơ từ Ban BTGPMB”, ông Huy nói.
Liên quan đến số tiền lãi suất do trả chậm, ông Lê Hải Sơn, Phó giám đốc Ban ANĐ3, nhìn nhận bên nào có lỗi dẫn đến việc chậm bồi thường thì bên đó có trách nhiệm trả lãi và khẳng định không phải do lỗi của Ban ANĐ3. Ông Sơn cho rằng, vụ việc kéo dài 13 năm qua là do có sự khiếu nại của ông Chiến, việc giải quyết chậm là do lỗi của Ban BTGPMB nên Ban ANĐ3 không có trách nhiệm chi trả lãi suất cho ông Chiến.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, bản án đã có hiệu lực thì cần phải được cơ quan nhà nước tôn trọng thực hiện. Trong việc này, rõ ràng sự chậm trễ giải quyết là do cơ quan nhà nước, nếu đổ lỗi cho ông Chiến là không có cơ sở. Còn lỗi của Ban ANĐ3 hay của Ban BTGPMB thì các cơ quan này cần phải thống nhất để giải quyết sớm nhất, nếu chậm một ngày, lãi suất sẽ phát sinh thêm, chỉ càng làm thiệt hại cho người dân và ngân sách nhà nước.

 

Hải Nam