23/01/2025

10 năm thư từ, bây giờ có nhau

Đến chợ Tây Lộc (TP Huế) hỏi anh Lê Viết Hùng (Hùng “cử tạ”, 39 tuổi) và chị Phan Thị Mận (33 tuổi), nhiều người đều biết đôi vợ chồng này bởi chuyện tình đẹp của họ.

 

10 năm thư từ, bây giờ có nhau

 

 Đến chợ Tây Lộc (TP Huế) hỏi anh Lê Viết Hùng (Hùng “cử tạ”, 39 tuổi) và chị Phan Thị Mận (33 tuổi), nhiều người đều biết đôi vợ chồng này bởi chuyện tình đẹp của họ.

 

 

 

 

10 năm thư từ, bây giờ có nhau
Vợ chồng anh Lê Viết Hùng và chị Phan Thị Mận hằng ngày buôn bán chăm lo gia đình nhỏ – Ảnh: YẾN TRINH

Ở một góc chợ, chị Mận tất bật cân mớ rau cải cho khách. Sát bên, anh Hùng cặm cụi đục lỗ cho mớ giấy hàng mã khách đặt lúc sáng.

Duyên nợ

Khi mới sinh, cơn sốt quái ác làm đôi chân anh Hùng liệt hẳn. Dù vậy, từ nhỏ anh luôn tự lập và lạc quan. Năm 17 tuổi, nhìn thấy vận động viên khuyết tật tập cử tạ, anh đăng ký tập ở gần nhà. Anh kể: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ tập luyện để nâng cao sức khỏe, dần dần càng tập càng mê”.

Năm 19 tuổi, anh học sửa đồng hồ rồi mở một quầy sửa đồng hồ. Khi đó chị Mận phụ việc cho cửa hàng gần đó. Họ gặp nhau chỉ cảm mến chứ chưa có gì sâu đậm.

Trong mắt chị Mận, hình ảnh anh Hùng lúc ấy là chàng trai hiền lành chịu thương chịu khó. Một năm sau, chị về lại quê nhà ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) làm việc. “Trong 10 năm đằng đẵng, mỗi tháng tôi viết cho ảnh một lá thư, ảnh cũng vậy” – chị nhớ lại.

Dần dần, những dòng thư dạt dào tình cảm hơn và người gửi lẫn người nhận đều mong sớm có hồi âm. Thời gian này, nhờ sự động viên của chị, anh tham gia đội tuyển thể thao người khuyết tật của tỉnh Thừa Thiên – Huế đi thi đấu, giành huy chương bạc.

Tất cả anh đều chia sẻ với chị qua thư. Được dòng thư hồi âm tiếp thêm sức mạnh, anh càng ra sức tập luyện. Mấy năm sau, anh tham gia thi đấu ở Đà Nẵng và Sài Gòn, anh đoạt huy chương vàng.

Năm 2008, anh Hùng viết thư ngỏ lời muốn lấy chị làm vợ. Chị bộc bạch: “Bốn chị em mồ côi cha mẹ từ năm tôi mới 3 tuổi, nghe chuyện của tôi với anh Hùng các chị em khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ, bởi lo tôi sẽ thiệt thòi…”.

Nhưng quý trọng tấm lòng và nghị lực của anh Hùng, chị gật đầu ưng anh. Năm 2009, lễ cưới diễn ra, cả cô dâu lẫn chú rể đều mừng mừng tủi tủi.

Nâng đỡ đời nhau

Lấy nhau rồi, chị Mận làm công nhân cách nhà mấy cây số. Sau đó chị mang thai đứa con đầu. Công việc sửa đồng hồ của anh Hùng ngày càng ế ẩm. Anh khuyên vợ ở nhà dưỡng thai, anh học nghề làm hàng mã.

Anh nói: “Nghề này phù hợp với tôi bởi chỉ cần đôi tay khéo léo, ngồi một chỗ bán hàng”. Năm 2011, chị sinh bé gái đầu lòng, đặt tên Lê Thạch An Nhiên. Không thể kể hết niềm vui của tổ ấm nhỏ ấy.

Chị Mận mang thai đứa con thứ hai Lê Viết Thành Vinh một năm sau đó. Lúc này anh Hùng đã học nghề thành thạo, ngồi nhận hàng ở góc chợ Tây Lộc cách nhà chừng 3km. Chị phụ mẹ chồng bán rau ở chợ.

Năm 2014, khi hai con đi nhà trẻ, chị bày hàng rau gần chỗ anh làm hàng mã. Cuộc sống gia đình ổn định hơn. Mỗi ngày, 3g sáng chị Mận chạy xe đi lấy hàng. Anh ở nhà lo cho con ăn rồi đưa đến trường. Xong xuôi anh ra chợ dọn hàng phụ chị rồi ngồi làm hàng mã.

Chị nhớ lại: “Mỗi lúc trong nhà hư hỏng vật dụng gì hoặc việc vốn dành cho đàn ông nhưng tôi làm luôn. Có lúc cực quá cũng rớt nước mắt nhưng mình phải thông cảm cho anh”.

Bù lại, trong chừng ấy năm quen biết và chung sống, anh Hùng chưa bao giờ nói nặng với chị một lời. “Có giận anh không giận lâu vì anh thương tôi lắm, lúc nào cũng nghĩ cho tôi. Tôi thấy mình may mắn” – chị bộc bạch.

Năm 2014, anh Hùng bị chấn thương nên chưa thể thi đấu lại. Anh nói sẽ quay lại thi đấu khi cơ thể bình phục vì bên cạnh anh luôn có chị ủng hộ. “Chỉ cần gia đình hạnh phúc là tôi mãn nguyện dù vất vả thế nào đi nữa…” – anh nói.

YẾN TRINH ([email protected])