02/11/2024

Giá thuốc cắt cổ, người giàu cũng khóc

Chỉ trong vòng một ngày phát động đã có gần 28.000 người ký tên vào kiến nghị giảm giá thuốc của Tổ chức Thầy thuốc thế giới.

 

Giá thuốc cắt cổ, người giàu cũng khóc

 

Chỉ trong vòng một ngày phát động đã có gần 28.000 người ký tên vào kiến nghị giảm giá thuốc của Tổ chức Thầy thuốc thế giới. 

 

 

 

 

Giá thuốc cắt cổ, người giàu cũng khóc
Giá thuốc điều trị ung thư cao đã đe doạ hệ thống y tế và tạo bất bình đẳng giữa các bệnh nhân – Ảnh: AFP

Tổ chức Thầy thuốc thế giới ở Pháp vừa phát động chiến dịch truyền thông nhằm đánh động dư luận về chuyện một số hãng dược phẩm bán thuốc mới điều trị ung thư hay viêm gan C với giá quá cao.

Là nước tiên tiến G7 nhưng Pháp cũng không chịu nổi giá thuốc cao ngất ngưởng.

Giá trên trời

Chiến dịch mang tên “Chi phí cuộc sống” trước đây dự kiến được tiến hành bằng cách quảng bá 12 nội dung trên bảng quảng cáo ngoài trời.

Nội dung quảng bá gồm các câu khẩu hiệu gây sốc như: “Bệnh bạch cầu mang lại lãi ròng trung bình 20.000%”, “Chính xác bệnh ung thư tế bào hắc tố là gì? Đó là 4 tỉ euro doanh số”, “Mỗi năm bệnh ung thư ở Pháp mang lại 2,4 tỉ euro”.

Phía dưới khẩu hiệu là lời kêu gọi: “Hãy ký kiến nghị giảm giá thuốc tại địa chỉwww.leprixdelavie.com”.

Do nội dung quảng cáo đụng chạm đến các hãng dược phẩm nên các công ty quảng cáo chạy làng. Đầu tuần này, Tổ chức Thầy thuốc thế giới xúc tiến chiến dịch truyền thông trên Internet và mạng xã hội.

Tổ chức này giải thích chi phí điều trị bằng thuốc điều trị viêm gan C Sofosbuvir trong 12 tuần cho mỗi bệnh nhân tốn 41.000 euro trong khi giá sản xuất chỉ 100 euro (theo nghiên cứu của tiến sĩ Andrew Hill ở Đại học Liverpool).

Tương tự là thuốc Glivec điều trị ung thư bạch cầu. Chi phí điều trị tốn 40.000 euro/năm/bệnh nhân trong khi chi phí sản xuất chỉ 200 euro.

Giá thuốc cao tất nhiên bảo hiểm xã hội không trả nổi. Bác sĩ Françoise Sivignon (chủ tịch tổ chức này) nhận xét: “Chính quyền đã để các hãng dược phẩm quy định giá thuốc là bỏ qua nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ người dân”.

Bà kêu gọi bộ trưởng y tế phải hành động theo hướng không để thị trường ấn định luật mà phải là nhà nước.

Ngay sau đó, báo Le Monde đưa tin Tổ chức các doanh nghiệp dược phẩm (LEEM) ở Pháp đã phát thông cáo báo chí chỉ trích chiến dịch truyền thông kể trên là “tuyên truyền dối trá”.

LEEM nhấn mạnh chiến dịch này đã cư xử bất công không chỉ với các hãng dược đang nghiên cứu giảm nhẹ bệnh ung thư mà còn với nhiều triệu bệnh nhân đang chống chọi bệnh tật.

Giá thuốc cắt cổ, người giàu cũng khóc
Bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Do chi phí tiếp thị

Trước đây, yếu tố xác định giá thuốc phụ thuộc vào chi phí nghiên cứu và phát triển. Còn bây giờ, giáo sư Jean-Paul Vernant nhận xét: “Chi phí nghiên cứu chỉ chiếm chưa tới 15% trong khi chi phí tiếp thị chiếm tối thiểu gấp đôi”.

Báo Libération ghi nhận giá thuốc tăng do hai yếu tố. Đầu tiên, giá tăng do lập luận từ các hãng dược phẩm lớn.

Hãng dược Gilead của Mỹ giải thích trong thuốc mới điều trị viêm gan C có các phân tử chống xơ gan và ung thư gan nên không cần nằm viện. Giáo sư Jean-Paul Vernant phân tích đây là lập luận phi lý bởi nếu thế thì cách đây vài năm giá văcxin ngừa bại liệt ắt phải cao ngất ngưởng.

Yếu tố thứ hai là giá thuốc được ấn định căn cứ khả năng chi trả của người mua. Cách đây năm năm, mỗi bệnh nhân phải tốn 30.000 USD mỗi năm để sử dụng thuốc điều trị bệnh ung thư bạch cầu.

Năm ngoái, chi phí này tăng lên 80.000 USD ở Mỹ chỉ vì bệnh nhân ở Mỹ đủ khả năng thanh toán. Trong khi đó, trước kia bào chế các phân tử mới rất tốn kém vì thời gian phát triển kéo dài, còn nay do tiến bộ kỹ thuật nên thời gian bào chế rất nhanh.

Hồi tháng 4, Hiệp hội Quốc gia chống ung thư ở Pháp đã trình kiến nghị đề nghị giảm giá thuốc.

Hiệp hội đưa ra ví dụ: Mỗi bệnh nhân điều trị ung thư tế bào hắc tố ở Pháp mỗi năm tốn hơn 100.000 euro cho thuốc Keytruda. Chi phí điều trị này gấp ba lần thu nhập bình quân hộ gia đình ở Pháp.

Trước đó giữa tháng 3, 110 chuyên gia nghiên cứu ung thư đã đăng kiến nghị trên báo Le Figaro phản đối giá thuốc cao. Còn tại Mỹ hồi năm ngoái, khoảng 100 bác sĩ chuyên khoa ung thư cũng đã kiến nghị đề nghị giảm giá thuốc điều trị ung thư.

Chi phí thuốc điều trị ung thư trên toàn cầu năm 2004 tốn 24 tỉ USD. Bốn năm sau, con số này tăng gần gấp đôi (40 tỉ USD).

Đến năm 2014, trong 650 tỉ USD chi phí thuốc điều trị trên toàn cầu, chi phí dành cho thuốc điều trị ung thư đã vọt lên 80 tỉ USD. Dự kiến đến năm 2020, chi phí thuốc điều trị ung thư sẽ tăng đến 155 tỉ USD, tức tăng gấp đôi trong vòng 
sáu năm.

* Ông Phạm Lương Sơn (phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN):

Nên đàm phán để giảm giá biệt dược đắt tiền

Trung bình chi phí điều trị cho một bệnh nhân viêm gan siêu vi C ở VN hiện nay khoảng 500-800 triệu đồng, nếu sử dụng loại thuốc giá rẻ nhất thì chi phí khoảng 300 triệu đồng/bệnh nhân.

Chi phí điều trị cao đang là một khó khăn đối với bệnh nhân viêm gan siêu vi B, C, ung thư vì các thuốc mới được đưa vào đều là các biệt dược đắt tiền và đang trong thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ, không có thuốc phiên bản giá rẻ cho người nghèo.

Hiện nay, bảo hiểm y tế đang chi trả 30-50% chi phí điều trị viêm gan siêu vi C cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Với mức chi trả này thì bệnh nhân vẫn còn rất khó khăn, người không có bảo hiểm sẽ rất khó có cơ hội tiếp cận được với thuốc điều trị.

Hơn nữa, những người được điều trị đều ở giai đoạn bệnh tiến triển nên chi phí điều trị cao, trong khi nếu được phát hiện sớm, được điều trị bằng các thuốc kháng virút thông thường thì chi phí sẽ giảm.

Không nên phản ứng các hãng thuốc thái quá vì để nghiên cứu được một thuốc mới, họ phải tốn nhiều trăm triệu USD, tỉ lệ thành công trong các nghiên cứu về thuốc chỉ khoảng 1% và khi thuốc được nghiên cứu thành công, còn thời gian bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ thường được bán với giá cao để bù đắp chi phí.

Tuy nhiên, cơ chế hiện nay ở VN có cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thể đàm phán giá với nhà cung cấp, trước mắt là đàm phán giá các biệt dược đắt tiền.

Bên cạnh đó, các hãng dược nên chăng có cơ chế rút ngắn thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ với sản phẩm bán ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với thuốc.

Ở Ấn Độ, người ta đã thành công khi “ép” được một hãng dược phải giảm giá thuốc điều trị ung thư dạng nhắm đích xuống còn 1/10 so với giá nhà sản xuất chào, họ đã thực hiện được chương trình trong mấy năm.

Tại VN, một hãng dược cũng đã giảm giá 40-50% đối với một thuốc trị ung thư dạng nhắm đích có chi phí điều trị khoảng 500 triệu đồng/năm.

Sắp tới sẽ có thêm một sản phẩm trị ung thư giá rất cao được cung cấp theo hình thức phối hợp để giảm giá thuốc dạng này.

LAN ANH ghi

HOÀNG DUY