25/12/2024

29 năm mang thân phận bị can

Một người đàn ông mang thân phận bị can suốt 29 năm nhưng không được đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và minh oan theo luật định.

 

29 năm mang thân phận bị can

 

Một người đàn ông mang thân phận bị can suốt 29 năm nhưng không được đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và minh oan theo luật định.

 

 

 

 

29 năm mang thân phận bị can
Ông Chinh (bìa phải) trong đám cưới của con khi còn sống – Ảnh gia đình cung cấp

Ông tên Nguyễn Tùng Chinh - sinh năm 1950, ngụ xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Năm 1982, ông Chinh (lúc đó là chánh văn phòng Công an huyện Duyên Hải, tỉnh Cửu Long) bị công an bắt tạm giam để điều tra hành vi “tham ô tài sản”. Năm 1988, Viện KSND tỉnh Cửu Long ra lệnh tạm tha vì không chứng minh được hành vi phạm tội.

Trở về địa phương, ông Chinh mòn mỏi đợi chờ cơ quan chức năng kết luận điều tra trong vô vọng.. Năm 2011, ông lâm bệnh nặng và qua đời.

Bị bắt vì nghi tham ô 
tài sản

Theo hồ sơ, khoảng năm 1982 Công an huyện Duyên Hải bắt giữ nhiều người vượt biên trái phép. Tài sản thu giữ của người vượt biên được công an lập biên bản, giao chìa khóa cho ông Chinh quản lý.

Ông Nguyễn Văn Thức, nguyên phó trưởng Công an huyện Duyên Hải (cấp trên của ông Chinh ngày trước), kể một lần có vị lãnh đạo công an huyện yêu cầu ông Chinh mở tủ mượn đồng hồ (tang vật) đi dự đại hội.

Khi đó ông Chinh mới tá hoả: “Anh ơi, đồ trong tủ bị mất rồi”. Vụ việc được báo lên công an tỉnh.

Qua xác minh, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cửu Long xác định tài sản bị mất khoảng 6 lượng vàng. Người chịu trách nhiệm chính là ông Chinh vì không chứng minh được bằng chứng ngoại phạm. Sau đó, ông Chinh bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “tham ô tài sản”.

Vụ án có nhiều uẩn khúc bởi cách quản lý chìa khoá tủ, tài sản tạm giữ lúc đó rất sơ sài. Hơn nữa, biên bản tạm giữ tài sản chỉ ghi đại loại mấy hột trắng (hột xoàn), mấy chiếc nhẫn màu vàng đậm (vàng 24K), màu vàng nhạt (vàng 18K), không có kết quả giám định…

Có lần ông Chinh tâm sự nếu có lòng tham chỉ cần tráo đổi chứ tội tình chi lấy ngang để phải chịu trách nhiệm. Trước khi mất, ông Chinh gặp người bạn từng công tác ở đơn vị cũ khóc: “Tao không bao giờ làm chuyện sai trái mà phải chịu 
tình cảnh thế này”.

Sau hơn 5 năm bị tạm giam, ngày 25-1-1988 ông Chinh được Viện KSND tỉnh Cửu Long ký lệnh tạm tha vì không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can. Lệnh tạm tha này do ông Hồ Văn Ân, viện trưởng Viện KSND tỉnh Cửu Long, ký.

Không đình chỉ được vì… hồ sơ thất lạc

Sau khi được tạm tha, ông Chinh làm đơn gửi các cơ quan tố tụng để yêu cầu minh oan cho ông.

Mãi đến năm 1999, Công an tỉnh Trà Vinh (năm 1992 tỉnh Cửu Long tách ra thành hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long) có văn bản yêu cầu gia đình làm hồ sơ… xin hưởng trợ cấp theo quy định của ngành công an, không giải quyết oan sai.

Ông Chinh mất, bà Huỳnh Thị Mai (61 tuổi, vợ ông Chinh) tiếp tục làm đơn xin giải oan và yêu cầu giải quyết các chế độ chính sách cho chồng.

“Từ đó tới nay, tôi chỉ nhận được văn bản đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long khiến gia đình tôi rất mệt mỏi, tuyệt vọng” – bà Mai nói.

Ngày 14-8-2013, Viện KSND tối cao có công văn phúc đáp Viện KSND tỉnh Trà Vinh (thỉnh thị xin hướng dẫn giải quyết đơn yêu cầu bồi thường của bà Mai) cho rằng sau khi tách tỉnh, vụ án trên do Công an và Viện KSND tỉnh Vĩnh Long thụ lý.

Do đó, thẩm quyền giải quyết đơn của bà Mai thuộc Viện KSND tỉnh Vĩnh Long.

Bà Mai liên hệ với Viện KSND tỉnh Vĩnh Long đề nghị bồi thường oan sai cho chồng nhưng tiếp tục bị từ chối vì “từ khi được tạm tha đến khi ông Chinh chết, ông không có đơn khiếu nại kêu oan”.

Ngoài ra, Viện KSND tỉnh Vĩnh Long viện dẫn điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho rằng việc yêu cầu bồi thường cho ông Chinh đã hết thời hiệu giải quyết.

Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm “kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật”.

Trong khi đó, ông Chinh mang thân phận bị can 29 năm đến chết nhưng chưa có một cơ quan thẩm quyền nào ra văn bản “xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật” để từ đó cho rằng hết hiệu lực giải quyết là trái với quy định pháp luật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đắc Chiến, viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Trong quá trình điều tra anh phải có ý kiến để chứng minh mình vô tội nên cũng có phần lỗi của anh Chinh. Phải chi ảnh có ý kiến thì dễ cho tụi tui lắm” (!?).

Trả lời câu hỏi nếu không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Chinh, tại sao Viện KSND Cửu Long và nay là Vĩnh Long không đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, ông Chiến cho biết hồ sơ bị thất lạc bởi nhiều lý do như chia tách tỉnh, cán bộ thay đổi…

Ông Chiến hứa sẽ sớm kiểm tra, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và Viện KSND tối cao về việc xem xét bồi thường cho gia đình ông Chinh.

Ông Hồ Văn Ân, nguyên viện trưởng Viện KSND tỉnh Cửu Long, xác nhận chữ ký trong lệnh tạm tha ông Chinh là do ông ký, nhưng không nhớ rõ chi tiết vụ việc.

Ông Ân khẳng định việc ông Chinh bị tạm giam hơn 5 năm là quá dài. Lẽ ra sau khi có lệnh tạm tha thì cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra trong một thời gian nhất định. Nếu không tìm ra thủ phạm phải đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông Chinh.

Phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bồi thường oan sai

Theo Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam để điều tra tối đa là 12 tháng. Khi đã hết thời gian gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Trong khi đó ông Chinh bị tạm giam hơn 5 năm mà không có kết luận điều tra, không có quyết định đình chỉ điều tra là vi phạm pháp luật. Đến nay, Viện KSND tỉnh Cửu Long (nay là Viện KSND tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) chưa ban hành một quyết định giải quyết vụ án thì ông Chinh vẫn còn là bị can.

Trong vụ việc này, Viện KSND tỉnh Vĩnh Long phải ban hành quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và thực hiện các bước bồi thường oan sai, phục hồi quyền, lợi ích hợp pháp đến ngày ông Chinh chết.

Luật sư PHẠM MINH TRÍ (Đoàn luật sư tỉnh Trà Vinh)

Bi kịch một gia đình

Bà Huỳnh Thị Mai kể khi chồng trở về địa phương, với “thân phận bị can” vẫn phải mang, không nơi đâu nhận ông vào làm việc. Bà Mai mượn cái đục, cây cưa về cho chồng tự học nghề mộc.

“Từ lúc trở về, không đêm nào ổng ngon giấc, điếu thuốc cứ lập loè trong góc tối. Ổng tâm sự nhiều lần muốn chết, nhưng vì vợ con còn thơ dại nên không đành” – bà Mai nghẹn ngào.

Anh Nguyễn Hải Đăng, con trai lớn ông Chinh, kể nhiều lần cha đóng đinh trúng tay, cưa gỗ đứt tận xương mà cưa hoài. Anh gọi thì ông giật mình, ngoảnh mặt đi, miệng lẩm bẩm: “Sao đến giờ còn chưa trả tự do?”.

Chồng mất, bà Mai ngã bệnh, chạy chữa khắp nơi. Anh Đăng lập gia đình ra riêng, quanh năm đi làm mướn. Em kế anh Đăng lấy chồng sinh con, sống cùng bà Mai. Hai em Nguyễn Hải Long, Nguyễn Thị Hồng Em tuổi đời đôi mươi phải xa quê mưu sinh…

SƠN BÌNH ([email protected])