01/11/2024

Lo bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu thuốc

Ngày 10-6 là hạn chót của “tối hậu thư” do Bảo hiểm xã hội VN ban hành: tạm dừng thanh toán thuốc nếu doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục kê khai và giá thuốc kê khai, kê khai lại (giá kê khai) chưa được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược!

 

Lo bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu thuốc

 

Ngày 10-6 là hạn chót của “tối hậu thư” do Bảo hiểm xã hội VN ban hành: tạm dừng thanh toán thuốc nếu doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục kê khai và giá thuốc kê khai, kê khai lại (giá kê khai) chưa được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược!

 

 

 

 

Lo bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu thuốc
Một số bệnh viện đang chờ Cục Quản lý dược hoàn tất việc đăng tải giá kê khai thuốc trúng thầu vào bệnh viện trước ngày 10-6 để mua thuốc về cấp cho bệnh nhân. Trong ảnh: người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Theo tôi, nên để doanh nghiệp tự kê khai và định giá sản phẩm, nhưng có thêm ràng buộc là phạt thật nặng doanh nghiệp kê khai và bán thuốc giá cao. Khi đó doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong tham gia đấu thầu và cung ứng thuốc

Ông Nguyễn Tá Tỉnh (trưởng ban dược- vật tư y tế, 
Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Chỉ còn vài ngày là quy định này có hiệu lực nhưng những bên liên quan vẫn lúng túng.

Nhiều bệnh viện 
chưa dám mua thuốc

Trưởng khoa dược của một bệnh viện (BV) thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng tại BV có khoảng 400-500 mặt hàng. BV đang rà soát các mặt hàng có giá kê khai công bố trên mạng theo danh sách của Trung tâm mua sắm hàng hoá và tài sản công (thuộc Sở Y tế TP) gửi về. BV chưa có số liệu chính xác vì đang rà soát và lọc ra nhưng đến ngày 8-6 nếu thuốc nào chưa có công bố giá thì BV sẽ không dám sử dụng.

“Nếu tới ngày 10-6 mà Cục Quản lý dược vẫn chưa công bố thì BV không dám mua thuốc về cấp cho bệnh nhân vì không biết BHYT có thanh toán những thuốc này không! BV không thể để bệnh nhân thiếu thuốc nên sẽ kê toa cho bệnh nhân BHYT mua, thay vì được cấp. Còn nếu BV cấp thuốc, sau này không được BHYT thanh toán tiền thì BV lấy tiền đâu trả cho doanh nghiệp cung ứng thuốc. Thật phiền toái cho BV, thiệt thòi cho bệnh nhân, khó khăn cho doanh nghiệp”, trưởng khoa dược này nói.

Trong khi đó, theo BV Chợ Rẫy (TP.HCM), đến cuối tháng 5-2016 BV có khoảng 60 loại thuốc cung ứng cho bệnh nhân BHYT chưa được Cục Quản lý dược công bố giá kê khai, kê khai lại. Theo BV, có thể từ đây đến ngày 10-6 số thuốc chưa công bố giá sẽ giảm do Cục Quản lý dược vẫn đang cập nhật danh sách thuốc kê khai giá lên mạng. Với những thuốc chưa công bố giá kê khai trên mạng, có một số thuốc thiết yếu như kháng sinh, thuốc gây mê.

Xung quanh quy định này của Bảo hiểm xã hội VN, bà Phạm Khánh Phong Lan – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nói hằng tháng sở y tế các địa phương đều báo cáo các thuốc đã kê khai, kê khai lại giá cho Cục Quản lý dược và doanh nghiệp cũng tự lập bảng kê khai giá thuốc gửi về Cục Quản lý dược.

Việc chậm công bố lên mạng các thuốc đã kê khai giá là lỗi của quản lý nhà nước, là chuyện giữa Bảo hiểm xã hội và Cục Quản lý dược, không thể để ảnh hưởng đến người bệnh, cơ sở y tế cũng như doanh nghiệp cung ứng thuốc.

Cục Quản lý dược: chỉ còn vài chục mặt hàng chưa công bố giá?

Ông Nguyễn Tất Đạt – phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế – cho biết tính đến ngày 1-4, thời điểm Bảo hiểm xã hội VN dự định ngừng thanh toán với các thuốc trúng thầu vào BV nhưng chưa có giá kê khai trên mạng của Cục Quản lý dược, đã có tới 500 thuốc thuộc diện này.

Sau khi bảo hiểm dời thời hạn tạm ngừng thanh toán sang ngày 10-6, Cục Quản lý dược đã “ưu tiên” xem xét giá kê khai nhóm các thuốc đã trúng thầu. Tới nay chỉ còn vài chục mặt hàng chưa được công bố 
giá trên mạng.

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện BV Bạch Mai cho biết BV này đang có 210 thuốc thuộc diện trục trặc, chưa có giá kê khai và BV không dám đặt mua. Trong số này, có tới 87 thuốc thuộc diện không có thuốc thay thế, nếu ngày 10-6 tới Cục Quản lý dược chưa hoàn tất xem xét giá kê khai của doanh nghiệp và công bố trên mạng như yêu cầu của Bảo hiểm xã hội, BV sẽ thiếu thuốc.

Dù thời hạn ấy chưa đến nhưng những trục trặc trong quy trình về giá khiến Bạch Mai phải đi… vay một loại thuốc điều trị bệnh tim. Thuốc cho ghép thận cũng đang đứt hàng.

“BV lớn mà thiếu thuốc cũng giống như nhà có khách lại bảo khách ngồi đợi, vay được gạo mới mời ăn, không thì phải mời khách đi nhà khác” – vị đại 
diện này chia sẻ.

Theo Cục Quản lý dược, hiện cục đã yêu cầu doanh nghiệp rà soát hết trong các thuốc đã trúng thầu nhưng chưa có giá kê khai, kê khai lại, báo cho Cục Quản lý dược để kịp thời xem xét, tránh gián đoạn việc cung ứng thuốc cho BV.

“Hiện rải rác vẫn có các thuốc được kê khai giá mới hoặc kê khai lại gửi về cục, nhưng với thuốc đã trúng thầu thì chúng tôi cam kết làm xong trước 10-6” – 
ông Đạt nói.

Ngày 31-3, Bảo hiểm xã hội VN có văn bản hướng dẫn thanh toán thuốc BHYT theo giá kê khai (Tuổi Trẻ ngày 31-3 đã phản ánh).

Văn bản nói rõ sau hai tháng từ ngày sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp không hoàn thiện thủ tục kê khai và giá thuốc kê khai, kê khai lại được công bố trên trang web của Cục Quản lý dược thì cơ quan bảo hiểm xã hội tạm dừng thanh toán chi phí thuốc cho đến khi giá thuốc kê khai, kê khai lại được công bố theo quy định.

Có hay không tiêu cực trong việc đưa giá thuốc lên mạng?

Theo quy định, doanh nghiệp được quyền tự định giá thuốc và việc mua bán sẽ sàng lọc, chọn mặt hàng giá phù hợp nhất thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, đã có thêm một “barie” khi giá thuốc phải được Cục Quản lý dược xem xét và công bố trên website của cục mới là đủ điều kiện được Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí cho bệnh viện.

Vì sự “độc quyền” này nên có những ý kiến cho rằng có tiêu cực trong việc xem xét giá thuốc và công bố giá trên website. Chúng tôi đặt câu hỏi này với ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược. Ông Cường nói:

– Chúng tôi vừa rà soát quy trình của các phòng, trong đó có khu vực quản lý giá thuốc. Sau khi phát hiện các bất hợp lý sẽ mời bên thứ 3 là thanh tra cục, thanh tra Bộ Y tế vào cuộc. Nếu có tiêu cực, chúng tôi khẳng định là sẽ xử lý nghiêm.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng quy định đã cho phép doanh nghiệp tự định giá và sàng lọc qua đấu thầu, vì sao các ông lại nắm cả khâu tiền kiểm về giá thuốc và việc xem xét giá kê khai nhiều khi rất chậm trễ, gây khó khăn cho doanh nghiệp?

– Có nhiều lý do dẫn đến việc đưa giá lên website bị chậm, có khi do doanh nghiệp đưa giá cao quá và bị yêu cầu giảm, nhưng khi giảm rồi vẫn cao vì cùng hoạt chất và công nghệ ấy mà giá kê khai cao vọt lên là không được. Cũng có khi việc chậm đưa giá có lỗi của người phụ trách việc này. Năm 2015 đã có cán bộ bị cho thôi việc vì cố tình chậm trễ đưa giá thuốc lên website.

Về quyền tự định giá thì luật tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, nhưng cần sự quản lý của cơ quan nhà nước. Nguyên tắc là đưa giá lên cần sự kiểm tra của cơ quan nhà nước, nếu trước khi công bố giá trên website mà thấy bất hợp lý thì yêu cầu điều chỉnh đến mức phù hợp rồi mới công bố.

Thị trường thuốc có trên 20.000 loại, hậu kiểm không bằng tiền kiểm. Nên kiểm tra trước khi đưa lên. Lần này bị chậm trễ một phần do trước đây bảo hiểm không yêu cầu xuất toán nếu chưa có giá kê khai trên website của cục, giờ bảo hiểm yêu cầu nên doanh nghiệp ùn ùn gửi lên bị ùn ứ, nhưng chúng tôi đang tích cực hoàn tất đúng thời hạn bảo hiểm yêu cầu.

L.ANH thực hiện

LÊ THANH HÀ – LAN ANH ([email protected])