Bao giờ mới hết đào đường và tái lập nham nhở?

Nhiều bạn đọc phản ảnh các tuyến đường ở TP.HCM đang bị đào xới khắp nơi do các chủ đầu tư dự án đào lắp công trình ngầm thực hiện.

 TỪ THƯ BẠN ĐỌC

Bao giờ mới hết đào đường và tái lập nham nhở?

 

Nhiều bạn đọc phản ảnh các tuyến đường ở TP.HCM đang bị đào xới khắp nơi do các chủ đầu tư dự án đào lắp công trình ngầm thực hiện. 

 

 

 

 

Bao giờ mới hết đào đường và tái lập nham nhở?
Mặt đường Hai Bà Trưng, P.6, Q.3, TP.HCM bị lún sụt và tù đọng nước do tái lập mặt đường không đúng kỹ thuật. Ảnh chụp ngày 5-6 – Ảnh: Tự Trung

Theo Sở GTVT TP, mỗi năm tại TP.HCM có đến hàng trăm kilômet đường được thi công đào xới để lắp đặt công trình ngầm. Máy cắt đường để lắp đặt công trình ngầm cứ thế mà xẻ hết đường này đến đường khác khiến xe cộ lưu thông khó khăn.

Trong đó, có những tuyến đường mới được đào xới cách đây một vài năm lại tiếp tục bị đào xới. Những lớp nhựa lằn phui cũ, mới đan xen nhau được giặm vá xẻ dọc, xẻ ngang mặt đường như manh áo vá.

Thi công thiếu trách nhiệm

Cụ thể nhất là công trình nâng cấp cầu Kiệu (Q.1, Q.3 – Q.Phú Nhuận) mới hoàn thành cách đây chưa được một năm rưỡi lại bị đơn vị cấp nước cho đào để lắp đặt ống cấp nước.

Ông Nguyễn Văn Thành – đội trưởng đội 3 Thanh tra Sở GTVT TP – tính từ đầu tháng 4-2016 đến nay, đơn vị đã xử phạt 37 đơn vị thi công không hoàn trả đường đúng nguyên trạng trên các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP.

Việc đào những lằn phui đường đã phá vỡ kết cấu nền đường khiến chất lượng đường sụt giảm mà hiện tượng dễ nhìn thấy là mặt đường bị lồi lõm, không còn bằng phẳng như trước.

Đáng lo hơn là việc tái lập mặt đường kém chất lượng như vụ đào đường Hai Bà Trưng (Q.3), đơn vị thi công (Công ty CP Đại Lộc) vừa đào và tái lập mặt đường vào đêm 25-5, đến sáng 26-5 mặt đường xuất hiện “hố tử thần” ngay trên đường có đông đúc xe cộ đi lại.

Không những người đi đường khốn khổ vì mặt đường lồi lõm, lún sụt mà cư dân ở hai bên đường lại càng khổ hơn. Ngày 27-5, chúng tôi ghi nhận trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), người dân phải lui cui xách chổi, xô nước rửa bụi đất xung quanh các lằn phui đào trên vỉa hè. Một số người dân cho biết phải rửa bụi đất để không tràn vào nhà.

Tương tự, nhiều người dân trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) gọi điện đến đường dây nóng phản ảnh họ phải dùng vòi nước rửa sân nhà sau khi đơn vị thi công vừa tái lập mặt đường để bụi đất vương vãi.

Theo những người dân ở đây, điều bức xúc chính là đơn vị thi công thiếu trách nhiệm trong việc làm vệ sinh công trường.

Sẽ không cho đào đường đã ngầm hóa

Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư khi đào đường phải thông báo với các đơn vị khác để thi công cùng một thời điểm.

Đồng thời, sở cũng quy định đối với đường mới làm phải sau năm năm mới cho đào đường, lắp đặt công trình ngầm. Thế nhưng, trên thực tế có những tuyến đường mới được tráng nhựa phẳng phiu chưa đến 2, 3 năm sau đã bị đào lên với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, hầu như không có tuyến đường nào được “yên thân”.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 30 đơn vị làm chủ đầu tư các ngành điện, cấp nước, thoát nước, truyền hình cáp, Internet… có các công trình ngầm. Vì vậy, mỗi đơn vị đều có nhu cầu đào đường riêng.

Theo đó, từng chủ đầu tư đề xuất Sở GTVT danh sách các con đường sẽ đào lắp đặt công trình ngầm. Như vậy, nhu cầu đào đường cứ thế tiếp tục tăng theo từng năm và không ai có thể xác định đến năm nào TP sẽ hết đào đường.

Ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho biết theo quy định, các đơn vị phải phối hợp với nhau khi thi công trên một con đường nhằm tránh đào bới nhiều lần. Tuy nhiên, với những sự cố bắt buộc như bể đường ống cấp nước hoặc cung cấp nước sạch cho các hộ dân thì mới giải quyết cho đào trên những đường đã cấm.

Hằng năm, Sở GTVT đều công bố danh mục đường cấm đào. Trong đó, sở yêu cầu các đơn vị điện lực, viễn thông… phải phối hợp ngay từ đầu khi thi công đào đường. Cũng theo ông Lâm, TP đã ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật làm hào kỹ thuật trên từng tuyến đường đầu tư mới.

Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư bố trí hào kỹ thuật dự phòng cho sự phát triển trong tương lai để không đào đường.

Như vậy, liệu đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng đào đường? Ông Trần Quang Lâm khẳng định đối với các tuyến đường mới đầu tư xây dựng như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… đã bố trí hào kỹ thuật.

Sau này, các đơn vị có công trình ngầm khi nâng cấp phát triển hoặc sửa chữa chỉ cần mở nắp hầm kỹ thuật để xử lý, không cần đào đường nữa. Sở GTVT phấn đấu theo lộ trình từ nay đến năm 2020, các công trình tại những con đường cũ trong các quận nội thành khi được ngầm hoá lâu dài sẽ không còn cho phép đào đường.

Hao tốn ngân sách

Một cán bộ của Sở Tài chính TP.HCM cho rằng sở dĩ không thể chấm dứt được tình trạng đào đường vì các ngành, các cấp đều hoạch định nhu cầu vốn sản xuất cho một năm tài chính. Như vậy, cứ mỗi một năm họ sẽ có nhu cầu thực hiện từng dự án đào đường.

Trong khi các chủ đầu tư dự án là các công ty, doanh nghiệp hưởng lợi nhuận và chia cổ tức từ hiệu quả đầu tư các dự án đào đường lắp đặt công trình ngầm đem lại thì TP phải chi hàng trăm tỉ đồng ngân sách mỗi năm để duy tu mặt đường tái lập kém chất lượng.

NGỌC ẨN ([email protected])