Gỡ khó để 90% người Việt có thẻ bảo hiểm
Hôm nay 3-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương, nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến bảo hiểm y tế.
Gỡ khó để 90% người Việt có thẻ bảo hiểm
Hôm nay 3-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương, nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến bảo hiểm y tế.
Người dân xếp hàng thanh toán viện phí bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện K (Hà Nội) – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Là chính sách an sinh xã hội quan trọng, nhưng mới có trên 77% người Việt có bảo hiểm y tế, trên 24% có bảo hiểm xã hội.
Do còn nhiều người không có bảo hiểm, nên mỗi ngày trên báo và mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương không có tiền đóng viện phí, có thể bị trả về hoặc thiếu thuốc men, phương tiện chữa bệnh.
Thủ tục còn làm khó nhau
Cách đây một tháng, chị L.Q.L. ở Thanh Trì, Hà Nội đi làm thủ tục nhận thẻ bảo hiểm y tế cho con trai thứ 2 mới sinh được 1 tháng. Chị L. sống ở Hà Nội 12 năm và đã có thẻ tạm trú diện KT3 ở Hà Nội, quy định hiện hành là được nhận thẻ bảo hiểm y tế dưới 6 tuổi cho con ngay tại Hà Nội.
“Con lớn nhà tôi gần 3 tuổi cũng chưa có thẻ, ban đầu phường nói về y tế xã xác nhận rồi sẽ cấp cho 2 cháu, nhưng khi có giấy xác nhận của trạm y tế xã rồi thì họ lại nói phải về nơi tôi có hộ khẩu thường trú là thành phố Thái Nguyên để xin xác nhận, sau đó quay về xã tôi đang sống ở Thanh Trì thì họ sẽ làm cho. Tôi đã có xác nhận rồi nhưng họ lại nói phải đợi, nên 2 con tôi vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế” – chị L. kể.
Tình cảnh của chị L. là tình cảnh của hàng triệu người dân đang sinh sống ngoài địa phương họ có hộ khẩu thường trú.
Theo quy định hiện hành, những người này sẽ được mua/cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cá nhân và con dưới 6 tuổi tại nơi cư trú, tuy nhiên những đòi hỏi về thủ tục và trở ngại đường sá xa xôi làm không ít người chùn chân.
Trong một cuộc làm việc gần đây về bảo hiểm y tế, chính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đặt câu hỏi: “Người ta mua thẻ bảo hiểm mà lại đòi thủ tục là nghĩa làm sao? Lẽ ra phải chào mời người dân mua thẻ, ở đây lại nghĩ ra thủ tục gây khó cho họ”.
Điểm lại đã và đang có hàng loạt thủ tục hành chính gây khó cho người tham gia bảo hiểm y tế, như yêu cầu người dân trình cả xác nhận ly hôn, thẻ sinh viên… khi đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình; yêu cầu mua thẻ bảo hiểm y tế cho toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu, bất cần biết người trong hộ khẩu ấy đã lập gia đình mới và sống ở nhiều khu vực khác nhau…
Trả lời câu hỏi về hướng tháo gỡ những thủ tục “hành là chính” này, ông Trần Đình Liệu, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết đã tháo gỡ tối đa về thủ tục, nếu người dân gặp vướng mắc hãy báo ngay cho cơ quan bảo hiểm.
Mục tiêu hoàn thành sớm bảo hiểm y tế toàn dân
Ông Phạm Lương Sơn, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết mục tiêu trước đây là đến năm 2020 có 84% người dân tham gia bảo hiểm y tế, hoàn thành bước đầu mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Nhưng hội nghị hôm nay 3-6 sẽ bàn để nâng số người tham gia lên 90-95% dân số vào năm 2020, hoàn thành sớm mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận đang có 4 vướng mắc cản trở mục tiêu này. Quy định hiện hành là ngân sách (T.Ư và địa phương) hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên đến nay còn khoảng 20 tỉnh thành “bất tuân chính sách”, dẫn đến là rất ít người cận nghèo ở 20 tỉnh thành này có cơ hội có thẻ bảo hiểm y tế, trong khi chỉ cần một đợt bệnh, những người suýt soát nghèo này sẽ quay trở lại ngưỡng nghèo.
Ông Sơn cũng lo ngại còn 1,9 triệu người Kinh đang sinh sống ở các xã bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định là được cấp bảo hiểm y tế, nhưng đến nay chính sách này hết thời hạn áp dụng, việc có cấp thẻ bảo hiểm y tế cho họ tiếp hay không vẫn chưa rõ ràng.
“Hiện nay đã gia hạn thẻ tới hết tháng 6-2016 cho 1,9 triệu người này, nhưng sau tháng 6 như thế nào thì chưa rõ” – ông Sơn băn khoăn.
Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện bảo hiểm y tế có duy nhất một hình thức là bảo hiểm cơ bản, muốn mua loại hình bảo hiểm y tế cao hơn theo nhu cầu hay theo loại bệnh lý, người dân đành tìm đến các hãng cung cấp bảo hiểm thương mại. Tại sao không đa dạng hoá gói dịch vụ y tế và mệnh giá bảo hiểm y tế kèm theo cũng rất cần bảo hiểm trả lời!
Theo ông Sơn, cơ quan bảo hiểm đang đề xuất để lại tiền kết dư 2015 (tiền quỹ còn tồn sau khi trừ chi phí khám chữa bệnh năm 2015) cho các địa phương hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo.
Có khoảng 300 tỉ đồng đang được đề xuất để lại cho mục đích này. Nhưng còn 23% dân số, tương đương khoảng 20 triệu người, chưa tin hoặc chưa muốn mua bảo hiểm y tế, rất cần vận động nhóm người này thì mới mong phát triển bảo hiểm y tế bền vững, không nhất nhất trông chờ ngân sách nhà nước như hiện nay.
Điều đó đang chờ cơ quan bảo hiểm tháo gỡ hết các thủ tục “hành là chính” như họ đang hứa hẹn, dù năm 2020 chẳng còn bao xa…
Giám sát bằng tin học Theo Bảo hiểm xã hội VN, chi phí khám chữa bệnh mỗi năm khoảng 50.000 tỉ đồng, tuy nhiên qua thực hiện thông tuyến huyện toàn quốc từ 1-1-2016 và sắp tới là thông tuyến ở nhóm bệnh viện tỉnh sẽ rất khó giám sát chi phí nếu tình trạng công nghệ như hiện nay. Ông Phạm Lương Sơn cho biết một dự án tin học hóa thông qua thuê hạ tầng công nghệ thông tin đang được đề xuất triển khai, dự án trị giá 700 tỉ đồng thực hiện trong 5 năm, tại 14.000 cơ sở y tế. Theo tính toán của chuyên gia cho thấy chi phí thuê hạ tầng cho mỗi cơ sở y tế chỉ 10 triệu đồng/năm, nhưng toàn hệ thống sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng do giám sát ngăn chặn được nguy cơ lạm dụng chi phí khám chữa bệnh, một người đi khám bệnh ở nhiều cơ sở y tế hoặc đến cơ sở y tế khám bệnh nhiều lần nhằm mục tiêu lấy thuốc… |