24/12/2024

Chó nuôi trong chung cư cắn người, xử lý ra sao?

Đã có quy định không được nuôi, thả gia súc, gia cầm trong chung cư nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp, coi việc nuôi chó mèo là chuyện của cá nhân mình, không ảnh hưởng đến ai.

 

Chó nuôi trong chung cư cắn người, xử lý ra sao?

 

Đã có quy định không được nuôi, thả gia súc, gia cầm trong chung cư nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp, coi việc nuôi chó mèo là chuyện của cá nhân mình, không ảnh hưởng đến ai.

 

 

 

 

Chó nuôi trong chung cư cắn người, xử lý ra sao?
Bé N.Q.T. đang được theo dõi điều trị do bị chó nuôi trong chung cư cắn – Ảnh: Sơn Bình

 Và nhiều vụ chó nuôi trong căn hộ chung cư sổng ra ngoài cắn người khiến người dân bức xúc, lo âu…

Sáng 26-5, trong căn hộ 504 lô A chung cư Phan Văn Trị (P.2, Q.5, TP.HCM), bé N.Q.T. (5 tuổi) vẫn còn nằm điều trị vì bị chó tấn công. Trên bắp chân phải của T. hằn vết răng sâu hoắm. Chốc chốc T. lại lên cơn sốt, tinh thần hỗn loạn…

Bị cắn trước cửa nhà

Theo lời kể người nhà bé T., khoảng 18g ngày 22-5 bé T. vừa bước ra cửa liền bị một con chó của căn hộ gần đó lao đến cắn vào chân.

Rất may có người can thiệp kịp thời nên con chó mới chịu buông bé T.. Gia đình đưa bé T. đi chích ngừa trong tình trạng vết thương chảy nhiều máu và sưng tấy. “Những ngày qua lúc nào cháu cũng sợ hãi và không chịu đi ra ngoài” – người thân bé T. chia sẻ.

Theo tìm hiểu, bé T. chưa phải là nạn nhân duy nhất của con chó này. Cách đây một tháng, ông nội của bé T. đang đứng trước cửa căn hộ của mình cũng bị con chó hàng xóm cắn hụt.

Ông đã cảnh báo với ban quản trị chung cư về sự việc trên, đồng thời đề nghị chủ hộ nuôi chó sớm chấp hành quy định, đảm bảo sự an toàn cho mọi người. Trong khi sự việc chưa được tiếp thu, giải quyết thì xảy ra vụ cắn người trên.

Gia đình bé T. làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu hộ nuôi chó mang chó đi kiểm tra xem có mắc bệnh dại không để bác sĩ có hướng điều trị thích hợp cho bé.

Trong đơn, phía gia đình bé T. còn kiến nghị cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp mạnh với hộ nuôi chó, nếu không sớm giải quyết sẽ còn nhiều người, đặc biệt trẻ nhỏ, bị chó tấn công.

Chủ nhân con chó cắn người là bà L.X.H. (54 tuổi). Bà L.XH. nuôi con chó Phú Quốc ngay trong căn hộ của mình đã sáu năm nay. Một người thân của bà L.X.H. sống cạnh đó cũng đang nuôi một con berger to lớn.

Bà H., em ruột bà L.X.H., cho biết không riêng gì người lạ, ngay cả người nhà bà H. đến chơi cũng bị chó cắn. Sáng 25-5, trong lúc bà H. ôm con chó ra để bác sĩ thú y lấy mẫu xét nghiệm cũng bị cắn vào tay chảy máu.

Nhắc nhở là chính

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Mai Trinh, trưởng ban quản trị chung cư Phan Văn Trị, cho biết đã làm việc với chủ hộ nuôi chó về việc bé T. bị chó cắn.

Trước mắt, bà Trinh đã yêu cầu chủ hộ nuôi chó phải sang xin lỗi, thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho bé T. và đền bù toàn bộ chi phí điều trị những ngày qua.

Theo bà Trinh, hiện tại chung cư có hai hộ nuôi chó là hộ bà H. nuôi chó Phú Quốc và hộ người thân của bà H. nuôi chó berger. Ban quản trị chung cư nhiều lần nhắc nhở nhưng hai hộ nói trên vẫn nuôi nhốt chó trong nhà.

Từ vụ bé T. bị cắn, ban quản trị sẽ quyết liệt xử lý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra về sau. Ban quản trị chung cư cũng đã báo cáo vụ việc cho phường xem xét, xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu chủ hộ nuôi chó phải mang chó đi nơi khác.

Chiều 26-5, ông Huỳnh Đắc Nhã, chủ tịch UBND P.2, cho biết đã mời bà H. đến giải quyết vụ việc. Ông đề nghị gia đình bà H. phải xin lỗi, bồi thường tiền thuốc men cho bé T.. Phường cũng yêu cầu chậm nhất đến ngày 30-5 bà H. phải đưa chó ra khỏi chung cư.

“Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh để răn đe, ngăn ngừa tình trạng nuôi thả chó trong chung cư” – ông Nhã nói. Trả lời câu hỏi đã có trường hợp nào bị xử phạt hay chưa, ông Nhã nói trước nay chỉ nhắc nhở người dân chứ chưa từng xử phạt hành chính.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Phát, chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng người nuôi chó phải chấp hành những quy định khi phải đăng ký, tiêm phòng…

Phía chi cục chỉ tổ chức bắt chó thả rông ở ngoài đường, còn về quản lý nhà nước không có quy định phía Chi cục Thú y phải bắt chó nuôi thả trong chung cư.

Việc giám sát, xử lý người nuôi chó trong chung cư là do ban quản trị chung cư đưa ra quy định, quy chế để thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND phường, xã có chức năng xử phạt hành chính 
về lĩnh vực này.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng; phạt tiền 500.000 – 1 triệu đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.

Ngoài ra, người chủ nuôi phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Bộ luật dân sự hiện hành những khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, mức thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Nếu để động vật gây chết người (hoặc nhiều người) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý làm chết người” với mức phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm, đồng thời bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa người bị thiệt hại, cho mai táng, tiền cấp dưỡng…

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Nghiêm cấm chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong chung cư

Theo nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng nêu rõ “nghiêm cấm chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư”.

Nếu chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư có hành vi vi phạm các quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.

SƠN BÌNH