24/12/2024

Khủng hoảng nhân đạo trên vùng biển Đông Nam Á

Lực lượng chức năng Malaysia những ngày qua đã ngăn chặn hai tàu chở di dân không cho vào bờ.

 

Khủng hoảng nhân đạo trên vùng biển Đông Nam Á

 

Lực lượng chức năng Malaysia những ngày qua đã ngăn chặn hai tàu chở di dân không cho vào bờ. 

 

 

 

 

Khủng hoảng nhân đạo trên vùng biển Đông Nam Á
Trẻ em được cho là người Rohingya trong một trại tạm cư ở Lhoksukon, tỉnh Aceh (Indonesia) ngày 12-5 – Ảnh: Reuters

Hơn 800 người nhập cư trên đó đã trôi nổi ngoài khơi cả tuần lễ ở vùng biển Andaman trong tình trạng vô cùng nguy khốn

Theo báo New York Daily, hơn 800 di dân người Rohingya Hồi giáo thiểu số ở Myanmar và người Bangladesh đang bị bỏ mặc trên hai chiếc tàu cá lênh đênh ngoài biển. Nhà chức trách Malaysia cũng đồng thời tuyên bố nước này phải tỏ thái độ dứt khoát về tình trạng nhập cư.

Trước đó Indonesia và Thái Lan cũng tỏ rõ lập trường không dung túng các trường hợp nhập cư bất hợp pháp, bất chấp kêu gọi của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cùng các tổ chức nhân quyền khác trước tình trạng nguy nan của di dân.

Lo sợ bị bắt, những ngày qua các thuyền trưởng đã bỏ trốn, bỏ mặc tàu chở di dân vượt biên trôi nổi trên eo biển Malacca và những vùng biển lân cận trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống. Khoảng 1.600 di dân đã được cứu sống, nhưng ước tính vẫn còn 6.000 người đang kẹt lại trên biển.

Đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng nghiêm trọng, đòi hỏi phải có cách ứng phó tức thì
Ông MATTHEW SMITH (giám đốc điều hành tổ chức nhân quyền Fortify Rights)

Giọt nước tràn ly

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Wan Junaidi, hôm 13-5, lực lượng chức năng nước này phát hiện khoảng 500 di dân trên một thuyền ngoài khơi bang Penang. Tất cả họ đã được chu cấp nhu yếu phẩm và yêu cầu tiếp tục hành trình mà không được vào bờ. Ba ngày trước đó, hơn 1.000 người tị nạn đã cập bến tại đảo Langkawi của Malaysia gần đó.

Ông Wan Junaidi nói: “Mọi người muốn gì ở chúng tôi nữa đây? Chúng tôi đã luôn tử tế với những người xâm phạm vào lãnh hải của mình. Chúng tôi đã cư xử nhân đạo với họ nhưng họ không thể tràn vào bờ biển của chúng tôi như thế được. Chúng tôi phải gửi tới họ thông điệp rằng họ không được chào đón ở đây”.

Đêm thứ năm (14-5), tiếp tục một tàu khác chở 300 người nhập cư bị ngăn cản vào bờ ở gần đảo Langkawi. Nguồn tin này từ hai quan chức Malaysia giấu tên cho biết.

Trên thực tế, nhiều năm qua các nước trong khu vực Đông Nam Á không muốn đả động tới thực trạng 1,3 triệu người Rohingya của Myanmar tìm cách vượt biên trên biển. Theo UNHCR, trong ba năm qua, hơn 120.000 người Rohingya đã dùng tàu vượt biên sang nước khác.

Tuy nhiên không có chính phủ nào ở Đông Nam Á sẵn sàng dung chứa họ. Bởi lẽ tất cả đều lo ngại  nếu linh hoạt tiếp nhận một nhóm người, rất có thể sẽ dẫn tới tình trạng các di dân nhóm này ào ạt nhập cư vào nước họ.

Họp khẩn về khủng hoảng

Trước diễn biến đang lên tới mức báo động của sự việc, Thái Lan cho biết ngày 29-5 tới sẽ tổ chức cuộc họp khu vực khẩn cấp tại thủ đô Bangkok để giải quyết vấn đề được cho là “sự gia tăng chưa từng thấy” về lượng người nhập cư. Dự kiến sẽ có đại diện 15 nước và đại diện của Mỹ, Úc tham gia.

Cũng trong tuần này, nhà cầm quyền Thái Lan nhắc lại quan điểm của họ về vấn đề di dân trên biển. Theo đó, Thái Lan sẽ áp dụng chính sách chỉ trợ giúp các thuyền nhân đi vào lãnh hải của họ nhu yếu phẩm và sau đó để “họ đi đường họ” chứ không được phép cập bờ biển Thái.

Lực lượng chức năng Indonesia ngày 10-5 cũng đã chặn một tàu chở 600 di dân Rohingya và sau đó yêu cầu họ tiếp tục hành trình, không được vào bờ. Tuy nhiên ngày 13-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết hành động đó không phải là chính sách “xua đuổi” của Indonesia, con tàu đó đang trên hành trình tới Malaysia và chỉ vô tình lạc vào hải phận nước họ.

Ông Matthew Smith, giám đốc điều hành tổ chức nhân quyền Fortify Rights, kêu gọi: “Sinh mạng họ đang rất mong manh.

Chính phủ các nước trong khu vực cần hành động kiên quyết để cứu giúp và bảo vệ những di dân và nạn nhân thoát khỏi tay bọn buôn người chứ không phải là đẩy họ trở lại hành trình trên biển”.

Không chỉ tăng thêm về số người qua các năm, các tàu thuyền chở di dân Rohingya tại vịnh Bengal trong những năm qua còn quá tải thêm bởi những di dân Bangladesh muốn chạy trốn đói nghèo ở quê nhà.

Trong số những người đó, điểm dừng đầu tiên của họ gần đây là Thái Lan. Tại đó, người nhập cư bị giữ lại trong các trại tị nạn, chờ người nhà gửi tiền chuộc mới có thể đi tiếp. Do các biện pháp siết chặt an ninh của Thái Lan về hoạt động này mà gần đây bọn buôn người và tổ chức đưa người vượt biên trái phép đã có thủ đoạn mới.

Chúng không đưa họ lên bờ ngay mà cứ để họ chờ đợi vạ vật ngay trên thuyền ngoài khơi. Sau khi nhận được tiền từ thân nhân họ, bọn chúng sẽ dùng thuyền nhỏ chở dần từng nhóm người vào bờ.

Tuy nhiên khi bị lực lượng chức năng truy quét quá gắt gao, không dễ chuyên chở nữa thì chúng biến mất, bỏ mặc di dân đói khát trên biển trong nhiều tuần.

Malaysia là nước chưa ký tham gia các công ước quốc tế về người tị nạn. Theo UNHCR, hiện quốc gia này đang có hơn 150.000 người tị nạn lưu trú, phần lớn trong đó là di dân từ Myanmar. Hơn 45.000 người trong số này là người Rohingya.

D. KIM THOA