01/11/2024

Anh chị “đưa em tật nguyền ra tòa” nói mẹ chia không đều

Ông Phạm Văn Truyền và Phạm Văn Luận khẳng định như vậy với phóng viên Tuổi Trẻ khi nói về quyết định kiện hai em trai Phạm Thanh Tùng và Phạm Văn Sơn ra toà.

 

Anh chị “đưa em tật nguyền ra tòa” nói mẹ chia không đều

 

Ông Phạm Văn Truyền và Phạm Văn Luận khẳng định như vậy với phóng viên Tuổi Trẻ khi nói về quyết định kiện hai em trai Phạm Thanh Tùng và Phạm Văn Sơn ra toà.

 

 

 

 

 

Anh chị "đưa em tật nguyền ra tòa" nói mẹ chia không đều
Phạm Thanh Tùng dùng chân kẹp bút ký vào biên bản hoà giải không thành tại phòng thẩm phán sáng 9-4-2016 – Ảnh: N.Triều

Ngày 24-5, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm đến nhà ông Phạm Văn Truyền – nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế với người em tật nguyền Phạm Thanh Tùng sau khi ông và năm anh chị em khác đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành.

Lúc phóng viên đến, ông Phạm Văn Luận cũng đang có mặt tại đây và đang nói chuyện với một luật sư từ TP.HCM xuống.

Bị đuổi ra riêng…

Ông Luận kể rằng chuyện bắt đầu từ khoảng năm 2004. Lúc đó vợ chồng ông Truyền đã ra cất nhà ở riêng tại miếng đất cặp sông Cái Bé được mẹ là bà Hoàng Thị Huệ chia cho.

Bốn chị em gái là Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Đào, Phạm Thị Nguyên, Phạm Thị Liễu đã có gia đình và ra riêng. Ông Luận cùng vợ con, Sơn và Tùng ở chung nhà với bà Huệ.

“Hồi đó tui chạy xe ôm nuôi vợ con. Tui nhớ bữa đó bà già không biết tính toán sao mà biểu tui ra ở riêng cho thằng Sơn cưới vợ. Nghe lời mẹ, tui lên trên ruộng cất cái chòi ở.

Được hơn năm thì vợ chồng tui chia tay, tui quay lại đây tiếp tục chạy xe ôm nuôi con. Sau đó mẹ cắt cho tui miếng đất dưới đường dây điện rồi đuổi tui ra riêng. Con tui lúc đó mới 4 tuổi làm sao vừa ẵm con vừa chạy xe ôm. Tui về nhà ở và bị đuổi hoài” – ông Luận kể.

Theo ông Luận, do ông không chịu ra khỏi nhà nên bà Huệ đã nhờ ban lãnh đạo ấp phân giải. Theo biên bản làm việc, ban lãnh đạo ấp cho rằng bà Huệ có đuổi ai thì đuổi.

Nghe vậy ông đành dắt con ra ở nhờ nhà hàng xóm. Về sau ông đi làm ở Bình Dương thì con ông được chị dâu là vợ ông Truyền đưa về nuôi. Được một thời gian, ông về quê dắt con vô lại nhà cũng bị đuổi ra mấy lần.

“Từ nhỏ tới lớn tui ở đây, là nhà của tui, cớ sao lại đuổi tui? Cha con tui phải sống lang thang, con tui thất học tới bây giờ” – ông Luận nói.

Ông Truyền cũng cho hay trước đó vợ ông làm dâu không vừa lòng bà Huệ nên vợ chồng ông mới san lấp miếng đất cập mé sông mẹ cho để cất nhà ở riêng. Trong thời gian này, ông làm việc cho trại cưa của bà Huệ.

Chúng tôi hỏi có biết nguyên cớ vì sao mà bà Huệ lúc đó lại cho ông Luận ra ở riêng, cả ông Truyền và ông Luận đều trả lời không rõ, chỉ biết bà Huệ nói để cưới vợ cho Sơn. Trong khi đó, ông Sơn kể rằng do ông Luận cờ bạc rồi về nhà đập phá nên bà Huệ mới đuổi ra ở riêng.

“Năm 2011, khi má tui chết, mấy bà chị mới gọi anh Luận về chịu tang và ảnh ở lại luôn. Đến khi xảy ra tranh chấp căng thẳng, tui mới đưa Tùng về ở đậu bên nhà cha mẹ vợ” – ông Sơn kể.

Đòi lại phần của mình

Hỏi nguyên nhân dẫn đến việc anh em ruột phải đưa nhau ra toà, ông Truyền và ông Luận cùng cho rằng do bà Huệ chia tài sản cho các con không đều.

Như căn nhà, ông Truyền và ông Luận cho rằng được xây dựng từ tiền Nhà nước bồi thường diện tích đất dưới đường dây điện, tiền hỗ trợ di dời tính theo nhân khẩu tổng cộng 195 triệu đồng và ngày công của anh em (trừ Tùng) góp nhau làm.

“Tiền của tụi tui, cất nhà lên mà không cho tụi tui ở là quá thiệt thòi” – ông Luận nói.

Riêng về đất, ông Truyền và ông Luận cho rằng năm 1991 không phải Nhà nước cấp riêng cho bà Huệ, mà là cấp theo định suất nhân khẩu của cả gia đình.

Theo đó, tổng diện tích đất biền lá, đất thổ vườn và đất ruộng mà bà Huệ đứng tên 14.060m2 là cấp cho chín nhân khẩu gồm bà và tám người con.

“Định suất mỗi người 1.500m2, nhà chín người là được 13.500m2, nhưng người ta cấp dư thành ra hơn 14.000m2. Hồi đó bằng khoán chỉ ghi tên người đại diện, nếu vợ chồng còn đủ thì họ ghi là “ông, bà”, còn chồng chết thì chỉ ghi cấp cho “bà”.

Cho nên mặc dù giấy tờ má tui đứng tên, nhưng phần của tụi tui mỗi đứa là 1.500m2 trong đó” – ông Truyền giải thích.

Trước đó tại phiên toà sơ thẩm, ông Phạm Văn Điểm – trưởng Phòng tài nguyên và môi trường, đại diện UBND huyện Châu Thành – cho rằng trước năm 1991 UBND huyện Châu Thành cấp đất là cấp cho cá nhân bà Huệ vì lúc đó chồng bà đã chết.

Trên cơ sở đó, năm 1991 bà Huệ mới đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cá nhân bà đứng tên, rồi sau này bà mới tách từng sổ nhỏ chia cho các con.

Riêng bốn thửa đất ruộng tổng diện tích 8.000m2 (nằm cách xa hơn 1km so với các thửa đất thổ vườn và đất biền lá), ông Điểm xác nhận là do tập đoàn sản xuất giao khoán cho hộ gia đình bà Huệ.

Ông Truyền và ông Luận cùng cho rằng chỉ biết việc trước đó bà Huệ cắt đất ra cho sáu người chứ không hề biết việc bà Huệ làm hợp đồng sang tên cho Sơn và Tùng phần đất còn lại, cũng như không biết năm 2009 bà lập di chúc để lại cho Tùng căn nhà.

Sau khi bà Huệ mất, UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà cho Tùng thì hai người anh mới phát hiện.

“Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp là mẹ tui lập di chúc và chuyển quyền sử dụng đất cho nó hơn tụi tui. Tụi tui năm người mà chưa được một nửa, trong khi tụi nó hai người được nguyên phần còn lại” – ông Luận nói.

Ông Truyền và ông Luận cho rằng mặc dù Tùng tật nguyền nhưng đất Nhà nước cấp cho cả gia đình, giờ phải chia làm tám phần, phần ai nấy hưởng.

Ông Truyền còn kể trước khi kiện ra toà, các anh chị em đã ngồi lại thương lượng đề nghị bán hết đất chia cho bốn người chị mỗi người 100 – 200 triệu đồng, còn lại chia đều cho bốn anh em trai. Hoặc phương án khác là chia đều đất cho cả tám người. Tuy nhiên Sơn và Tùng không đồng ý với lý do đã được mẹ cho.

“Hai đứa nó cho thuê đất được 14 triệu đồng, tui nói để cho hai đứa 10 triệu, chia tui với thằng Luận mỗi người 2 triệu nhưng nó không chịu mà còn thách tui đi thưa” – ông Truyền nói.

Khi được hỏi đất đai nhà cửa người mẹ đã phân chia và di chúc như vậy, giờ các anh chị lại kiện đứa em tật nguyền của mình ra toà đòi chia lại, trong lòng có tự thấy áy náy không, ông Truyền và ông Luận cùng khẳng định: “Tụi tui 
chỉ làm đúng thôi, không có gì áy náy hết!”.

Theo Bộ luật dân sự, tài sản thừa kế có hai loại, đó là theo di chúc và theo pháp luật. Nếu là tài sản thừa kế theo di chúc thì người lập di chúc có quyền chia cho người này nhiều hơn, người kia ít hơn, hoặc cho người này mà không cho người kia.

Còn khi người chết không để lại di chúc thì toà sẽ phân chia tài sản đồng đều cho các con.

Sáu anh chị kiện hai em ruột

Vợ chồng ông Phạm Văn Tranh và bà Hoàng Thị Huệ (ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) có với nhau tám người con gồm bốn trai và bốn gái. Năm 1987, ông Tranh bị bệnh qua đời. Bà Huệ cũng đã mất từ năm 2011 sau một cơn bạo bệnh.

Trước khi mất, bà Huệ đã chia đất cho hai người con trai lớn (mỗi người 5m ngang) và bốn người con gái (mỗi người 4m ngang).

Phần còn lại bà sang tên cho con trai út bị nhiễm chất độc da cam là Phạm Thanh Tùng và anh kế Phạm Văn Sơn. Bà cũng di chúc để lại căn nhà cho Tùng.

Tháng 5-2014, hai người anh lớn và bốn chị gái khởi kiện yêu cầu toà huỷ bỏ tờ di chúc của bà Huệ, huỷ bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện đã cấp cho Sơn, Tùng và chia tài sản thành tám phần bằng nhau.

Sau khi hoà giải bất thành, ngày 29-4-2016 TAND huyện Châu Thành đưa ra xét xử sơ thẩm và ngày 6-5-2016 tuyên án bác yêu cầu của nguyên đơn, chỉ chấp nhận chia đều bốn thửa đất ruộng không có trong di chúc.

Ngày 19-5-2016, các anh chị của Sơn, Tùng nộp đơn kháng cáo.

NGUYỄN TRIỀU