Vì đất vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra toà…
Trước khi chết, người mẹ di chúc để toàn bộ nhà đất do mình đứng tên cho đứa con trai út bị tật nguyền do chất độc da cam, sau khi đã chia phần cho những người con khác.
Vì đất vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra toà …
Trước khi chết, người mẹ di chúc để toàn bộ nhà đất do mình đứng tên cho đứa con trai út bị tật nguyền do chất độc da cam, sau khi đã chia phần cho những người con khác.
Phạm Thanh Tùng ngồi bệt hầu toà – Ảnh: N.Triều |
Không ngờ sự ưu ái của người mẹ đã đẩy cậu con trai vào vòng kiện tụng mà nguyên đơn chính là sáu anh chị em ruột của mình.
Chiều 6-5-2016, phòng xét xử TAND huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang lặng ngắt, chỉ có giọng đọc đều đều, lần lượt của ba thành viên hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bản án tranh chấp tài sản dài hàng chục trang.
Từ phía HĐXX nhìn xuống, phía nguyên đơn là hai người đàn ông và ba người phụ nữ là chị em ruột, một người khác lấy chồng xa vắng mặt nên uỷ quyền cho một trong hai người anh làm đại diện.
Phía bị đơn là một người đàn ông ngồi trên ghế và một chàng trai tật nguyền ngồi bệt dưới đất, chân tay lúc lắc không yên. Sau lưng họ là khoảng không trống lạnh.
“Nhìn cảnh anh chị lôi đứa em tật nguyền ngồi không vững này ra toà, thử hỏi ba mẹ của anh chị nơi chín suối có vui được không? |
Một vị hội thẩm nhân dân |
Họa vô đơn chí
Chàng trai tật nguyền tên là Phạm Thanh Tùng, sinh năm 1982, bị nhiễm chất độc da cam, mất đi 85% sức khoẻ. Bù lại, từ nhỏ Tùng rất thông minh, được mẹ dạy cho bảng chữ cái, sau đó tự tập viết bằng chân, tự học sử dụng máy tính cũng bằng chân.
Trong lúc chờ toà tuyên án, đôi chân tật nguyền ấy vẫn không ngưng lật giở từng trang quyển sách luật để ngay dưới nền. Vị đại diện viện kiểm sát ghẹo: “Tùng ơi, cuốn luật đó cũ rồi, mua cuốn mới đi!”. Tùng đáp lại bằng nụ cười tít mắt và cái miệng méo xệch.
Ba của Tùng là ông Phạm Văn Tranh bị bệnh mất từ năm 1987, mẹ là bà Hoàng Thị Huệ cũng đã mất từ năm 2011 sau một cơn bạo bệnh.
Bà Huệ có với ông Tranh tất cả tám người con gồm bốn trai và bốn gái, ai cũng lành lặn, chỉ có Tùng là con út lại không may bị nhiễm chất độc da cam, mới lọt lòng đã sống cảnh tật nguyền.
Chồng mất sớm, toàn bộ tài sản do bà Huệ đứng tên. Trước lúc tạ thế, bà Huệ đã cẩn thận cắt đất chia cho mấy người con lành lặn của mình mỗi người con trai 5m ngang, con gái 4m ngang chạy dài hết thửa đất.
Hai người con trai lớn còn được cho trại cưa, xe máy để làm phương tiện kiếm sống. Một thửa đất biền lá ven sông Cái Bé, bà sang tên cho Tùng để sau này Tùng có thể cho thuê lấy tiền sinh nhai.
Riêng miếng đất vườn có căn nhà tường, khu mồ mả, bà viết di chúc để lại cho Tùng và anh trai kế Phạm Văn Sơn với di nguyện Sơn trông coi và đùm bọc đứa em tật nguyền.
Sau khi bà Huệ mất thì hai người anh lớn là ông Phạm Văn Truyền (sinh năm 1969), ông Phạm Văn Luận (sinh năm 1973) bắt đầu tranh chấp, yêu cầu phải huỷ bỏ tờ di chúc của bà Huệ và chia tài sản thành tám phần.
Tùng kể: “Ngày 29 tết 2014, tôi phát hiện trong nhà có một sợi dây điện lạ cắm vô ổ cắm rồi kéo ngang, một đầu để hở, tôi nghi có chuyện chẳng lành vì trước đó anh Luận doạ “mày sẽ chết”, nên nói anh Sơn mời công an xã tới lập biên bản.
Đến mùng 4 tết, anh Sơn đi vắng, anh Luận tới cắt cửa sắt để vào nhà hành hung, tôi sợ quá gọi điện cho anh Sơn mời công an tới, công an cũng có lập biên bản nhưng nói không đủ căn cứ xử lý.
Ngày hôm sau, mùng 5 tết, tôi sợ quá không dám ở nhà, phải lên ở nhờ nhà bên vợ của anh Sơn, sau đó thuê nhà ở cho tới nay”. Hiện căn nhà bà Huệ để lại cho Tùng đã bị ông Luận chiếm giữ.
Tưởng chỉ là chuyện tranh chấp trong nhà, cuối tháng 5-2014, Tùng nhận được thông báo của TAND huyện Châu Thành về việc thụ lý vụ án, đứng đơn kiện tranh chấp tài sản thừa kế là ông Truyền và ông Luận.
Bốn người chị gái là người có liên quan và có yêu cầu độc lập. Riêng người anh Phạm Văn Sơn (sinh năm 1976) cùng đồng bị đơn do được mẹ giao giữ một bản di chúc.
Vì tiền, hết nghĩa anh em!
Trong đơn khởi kiện cũng như tại toà, ông Truyền và ông Luận yêu cầu HĐXX tuyên huỷ di chúc và hợp đồng tặng cho tài sản của bà Huệ cho Tùng vì cho rằng việc bà Huệ phân chia tài sản như vậy là không công bằng.
Hai ông đòi phần nhà đất nay do Sơn, Tùng đứng tên phải được chia làm tám phần. Đồng thời yêu cầu số tiền mà Tùng cho thuê đất mấy năm qua, theo tính toán của ông Truyền và ông Luận là 320 triệu đồng, cũng phải được chia đều cho tám người.
Bốn người chị gái không đòi chia tiền thuê đất mà chỉ đòi chia lại phần đất mà Tùng đã được mẹ cho.
Tại phiên toà mở ngày 29-4-2016, đại diện UBND huyện Châu Thành xác nhận các giấy tờ nhà đất do cá nhân bà Huệ đứng tên, hợp đồng tặng cho đất của bà Huệ là hợp pháp và bản di chúc của bà Huệ lập tại phòng công chứng cũng hợp pháp nên UBND huyện căn cứ vào đó để cấp giấy chứng nhận cho Tùng đứng tên sử dụng.
Do đó, UBND huyện Châu Thành sẽ không thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp cho Sơn và Tùng.
Trả lời vị đại diện viện kiểm sát, ông Luận cùng các chị gái đều thừa nhận đã được mẹ chia đất cho và đều đã đứng tên cá nhân, chỉ riêng ông Truyền chưa sang tên nhưng đã cất nhà ở từ nhiều năm nay. Cả sáu người đều cho rằng việc được mẹ cho đất là hợp pháp, có người đã sang bán, cầm cố.
“Các anh chị một mặt thừa nhận đất mẹ cho mình là hợp pháp, mặt khác lại nói mẹ cho đất em trai mình là không hợp pháp. Các anh chị có thấy vô lý quá không?” – kiểm sát viên Lý Thanh Bình hỏi. Tất cả im lặng!
Hai vị hội thẩm nhân dân không xét hỏi góc độ pháp lý mà chủ yếu phân tích cái tình trong vụ kiện “nồi da xáo thịt” hiếm thấy này.
“Các anh chị đều là ruột thịt một mẹ đẻ ra, giờ chỉ vì đất, vì tiền mà phải ngồi trước toà, thử hỏi khi bước khỏi phòng xử này thì tình nghĩa anh chị em giữa các anh chị có còn không?” – một vị nói.
Vị hội thẩm kia thêm vào: “Là anh, là chị được cha mẹ sinh ra lành lặn đã không nuôi nấng đứa em tật nguyền lại còn kiện tụng ra toà để tranh giành tài sản mẹ cho. Nếu em mình không được cha mẹ chia tài sản thì các anh chị cũng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Nhìn cảnh anh chị lôi đứa em tật nguyền ngồi không vững này ra tòa, thử hỏi ba mẹ của anh chị nơi chín suối có vui được không?”.
Sau một tuần nghị án, HĐXX đã bác yêu cầu của ông Truyền, ông Luận cùng bốn người chị gái và công nhận phần nhà đất mà bà Huệ đã cho và di chúc để lại thuộc quyền sử dụng, sở hữu của hai anh em Sơn và Tùng.
Và do đó, tiền cho thuê đất thuộc quyền sở hữu của Tùng nên không có căn cứ để chia làm tám như yêu cầu của phía nguyên đơn. Riêng bốn thửa đất ruộng tổng diện tích gần 8.000m2 đứng tên bà Huệ nhưng không được nhắc đến trong di chúc, tòa công nhận là tài sản chung của tám anh chị em.
Tuy nhiên, diện tích đất nhỏ không thể tách thửa cho từng người nên toà quyết định giao cho ông Truyền, ông Luận mỗi người quản lý, sử dụng một nửa và phải hoàn trả bằng tiền tương đương 1/8 giá trị cho mỗi người còn lại.
Phiên toà kết thúc khi ngoài trời đang có cơn mưa chuyển mùa. Ông Truyền, ông Luận và ba người chị gái đội mưa ra về. Ông Sơn bế Tùng ra cửa chờ mưa ngớt hạt rồi đỡ em lên xe do vợ cầm lái rời khỏi sân toà.
Gần 2 năm dài mệt mỏi Tùng kể lúc biết các anh chị khởi kiện, anh đã vô cùng hoang mang. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Tùng lên mạng tìm các quy định pháp luật để đọc và chia sẻ câu chuyện cùng quẫn của mình trên Facebook. Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội đã vào tận nơi giúp thu thập hồ sơ và nhận bảo vệ miễn phí cho Tùng. Tuy nhiên, phiên hoà giải đầu tiên vào sáng 16-6-2014 ông không có mặt như đã hẹn. Sau đó, một luật sư từ Đồng Nai cũng đã tư vấn miễn phí và nhận đại diện theo ủy quyền của Tùng. “Hai năm qua, tôi lúc nào cũng sống trong mệt mỏi và lo sợ. Tôi không đi lại được, cần đi vệ sinh anh Sơn cũng phải bồng. Khi xảy ra kiện cáo, người ta không thuê đất nữa, trong khi tôi và anh Sơn phải thuê nhà khác ở vì nhà mẹ cho đã bị anh Luận chiếm. Tôi hi vọng các anh chị nghe tòa phân xử mà tỉnh ra, không kháng cáo để kéo dài thêm thời gian” – Tùng nói. |