02/11/2024

“An ninh con người” đang bị đe doạ

Châu Á với dân số gần 4 tỉ người đang là nơi mà các thách thức về “an ninh con người” như lương thực, nguồn nước, khí hậu, giáo dục đang được chú ý hiện nay.

 

“An ninh con người” đang bị đe doạ

 

Châu Á với dân số gần 4 tỉ người đang là nơi mà các thách thức về “an ninh con người” như lương thực, nguồn nước, khí hậu, giáo dục đang được chú ý hiện nay. 

 

 

 

 

“An ninh con người” đang bị đe dọa
Các hành động bạo lực, mang tính đơn phương trên biển đang đe doạ kế sinh nhai của người dân. Trong ảnh: Các thuyền viên Việt Nam được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ sau khi tàu của họ vừa bị đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam – Ảnh: Hữu Khá

Đó là cách đặt vấn đề của hội thảo đầu tiên về vấn đề an ninh nhân loại tại châu Á, diễn ra trong hai ngày 5 và 6-5 tại Đài Trung (Đài Loan) do Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế tại châu Á (APISA) phối hợp với các đối tác cùng tổ chức.

Khái niệm “an ninh con người” hay cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm của sự phát triển là một cách tiếp cận mang tính giải pháp cho những xung đột nóng đang xảy ra gần đây.

Đi tìm “trách nhiệm 
bảo vệ”

Giáo sư Peou Sorpong đến từ Đại học Ryerson (Canada) khai mạc hội thảo với việc đề cập hai khái niệm và nguyên tắc trong vấn đề bảo vệ an ninh con người.

Thứ nhất, an ninh con người phải được gắn liền với an ninh của quốc gia. Sự an toàn và phát triển của người dân gắn liền với độc lập chủ quyền và hoà bình của quốc gia đó. Tuy nhiên tại nhiều quốc gia, các nhóm dễ bị tổn thương vẫn đang đối mặt với những đe doạ về an ninh cuộc sống.

Khái niệm đó dẫn đến yếu tố thứ hai cần được thảo luận. Đó là một cách hình dung về “không gian chung toàn cầu” nơi các quốc gia không những chia sẻ với nhau các tài nguyên chung, mà còn là “trách nhiệm bảo vệ”.

Trách nhiệm bảo vệ đầu tiên là các tài nguyên chung như tình trạng không khí, vùng biển hay các dòng sông xuyên biên giới.

Ở khu vực châu Á, tình trạng thiếu vắng một “trách nhiệm” như vậy là nguyên nhân của các căng thẳng kéo dài, cùng với tiềm tàng những khả năng trở thành xung đột ở tầm an ninh quốc gia.

Một thí dụ được đưa ra là mức độ tàn phá hệ sinh thái bao gồm nguồn cá, san hô và các sinh vật biển quanh các đảo ở Biển Đông.

Theo thông số của Trung tâm nghiên cứu nghề cá thuộc Đại học British Columbia (Canada), Biển Đông là một trong những vùng đánh cá dồi dào nhất trên thế giới về sản lượng, chiếm 11% xuất khẩu thủy sản trên thế giới hằng năm.

Đây cũng là xương sống của thương mại hàng hải khu vực và vận tải biển. Đặc biệt là một nguồn quan trọng của đa dạng sinh học đại dương.

Trong phiên thảo luận, các học giả đã nêu lên những thách thức trực tiếp đến vùng biển này bao gồm đánh bắt quá mức, hay các xu thế quân sự hoá các vùng biển.

Đây không những là mối đe doạ an ninh của các quốc gia tranh chấp, mà đang trở thành mối nguy hại về sinh kế với người dân, đe doạ huỷ hoại môi trường sống tại các đảo và quần đảo nối liền với nhau của các quốc gia Đông Nam Á.

Những hành động này ngày càng có xu hướng đơn phương mà chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc và chính sách Biển Đông của nước này.

An ninh lương thực, an ninh môi trường tại Biển Đông không còn là những thảo luận trên giấy mà đã trở thành sự đe doạ trực tiếp của hàng triệu ngư dân đang sinh sống và mưu sinh dựa trên nguồn tài nguyên biển.

Theo giáo sư Peou Sorpong, những đe doạ hữu hình và trực tiếp này là nền tảng để các học giả phát triển khái niệm “trách nhiệm bảo vệ” của các chính phủ quốc gia đối với người dân. Khi an ninh của con người, của nhóm dân bị xâm hại thì đó chính là sự xâm hại an ninh quốc gia.

Phát triển vì ai?

Câu hỏi về phát triển kinh tế đối với an ninh con người cũng là một điểm gây tranh luận. Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá đem đến nguồn lợi cùng những thách thức.

Trong chiến lược hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, phát triển kinh tế chỉ là một trong những yếu tố đóng góp cho sự đảm bảo cuộc sống của người dân.

Những thách thức trực tiếp đến cộng đồng và từng cá nhân như ô nhiễm nguồn nước, môi trường, biến đổi khí hậu, sức khoẻ hay an ninh lương thực thực tế đang đe doạ đến sự phát triển của một quốc gia và nó đang có thể đẩy thành quả phát triển những năm vừa qua trở thành “lâu đài cát”.

Vì vậy, quan trọng nhất là cách tiếp cận với các chiến lược bảo đảm an ninh con người trước những đe doạ này. Câu hỏi đặt ra: Phát triển vì ai và cho ai?

Những dự án xây đập thủy điện trên dòng Mekong chẳng hạn là một thí dụ cho cái giá của phát triển. Hiện tại có hai vấn đề cùng song song một lúc.

Một là các dự án thuỷ điện trên thượng nguồn được Trung Quốc tiến hành một cách riêng lẻ mà chưa có sự tham khảo đối chiếu giữa các quốc gia chịu ảnh hưởng.

Hai là vai trò của các cộng đồng dân cư ven sông hoàn toàn vắng bóng. Tầm quan trọng và ý nghĩa của sông Mekong đối với các cộng đồng dân cư từ các nước tiểu vùng Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia khiến cho an ninh con người tại các khu vực hạ lưu bị đe doạ.

Đối thoại đa phương và hợp tác khu vực là rất cần thiết tại thời điểm hiện tại. Các học giả cũng chia sẻ mối quan tâm đối với bài toán cân bằng giữa phát triển năng lượng thuỷ điện bền vững và đảm bảo an ninh cuộc sống của người dân và môi trường xung quanh hệ thống Mekong.

Trong đó cũng có nhiều cách tiếp cận được đề xuất. Chẳng hạn Odum Ham từ Trung tâm Nghiên cứu Khmer (Campuchia) miêu tả lại quá trình giới trí thức đất nước chùa tháp thảo luận về con đường phát triển của quốc gia thông qua “đại chiến lược” xây dựng các dự án thủy điện khổng lồ.

Quá trình này đang diễn ra với sự tham gia của ngày càng nhiều đối tác: chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đặc biệt là những nhóm dân cư mà sinh kế của họ đang thay đổi (tích cực lẫn tiêu cực) từ các dự án.

Sự tương tác thông qua thảo luận đang là một kênh quan trọng – theo tác giả – sẽ giúp “xì van” các mâu thuẫn tiềm tàng và tạo ra các đồng thuận mới, cả trong lẫn ngoài nước.

Còn điểm tranh luận

Trong quá trình thảo luận về khái niệm và cách tiếp cận về “an ninh con người”, nhiều học giả cho rằng khái niệm này thiếu một định nghĩa chính xác. An ninh con người khác thế nào với các khái niệm trước đó như “phát triển bền vững” hay “an ninh phi truyền thống”?

Xu hướng mà các chính trị gia hay các tổ chức quốc tế sử dụng khái niệm này còn mơ hồ và tùy tiện nên có thể dẫn đến sự mất dần ý nghĩa, hoặc tạo ra một sự mở rộng không có điểm dừng.

Chính sách cần có những ưu tiên. Vì thế, một sự mơ hồ không giúp cho các nhà hoạch định chính sách nhiều chỉ dẫn.

MINH VÕ (Từ Đài Trung)