Thói quen vô hiệu hoá nguyên tắc “suy đoán vô tội”
“Từ vụ quán cà phê Xin Chào đến ông chủ “chòi vịt” bị truy tố, hay chuyện bà Ánh Ngọc bị bắt tạm giam tại Đồng Nai đã cho thấy hệ thống chính quyền ở cơ sở đang có vấn đề”.
Thói quen vô hiệu hoá nguyên tắc “suy đoán vô tội”
“Từ vụ quán cà phê Xin Chào đến ông chủ “chòi vịt” bị truy tố, hay chuyện bà Ánh Ngọc bị bắt tạm giam tại Đồng Nai đã cho thấy hệ thống chính quyền ở cơ sở đang có vấn đề”.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: Quang Định |
“Người ta thấy nổi lên thói quen sử dụng nhục hình để sớm có lời thú tội và kết thúc vụ án, vô hiệu hóa nguyên tắc “suy đoán vô tội” |
Luật sư Trương Trọng Nghĩa |
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội) mở đầu như vậy trong cuộc trò chuyện Gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ.
Ông Nghĩa nói tiếp: “Một cán bộ, công chức ở cấp quận với cán bộ công chức ở cấp bộ, yêu cầu đạo đức công vụ và khối lượng công việc thì giống nhau. Nhưng một sinh viên ra trường ở Hà Nội xin vào làm nhân viên của một vụ ở một bộ nào đó với một người tốt nghiệp đại học xin vào một UBND quận, về quyền lợi và vị thế thì rõ ràng ở cấp bộ nhiều hơn ở cấp quận, trong khi nhu cầu thì giống nhau như nuôi con cái đi học, cha mẹ nghèo cần chăm sóc, rồi chi phí nhà ở, xe cộ. Nhưng ở cấp bộ mức lương cao hơn, kinh phí rót cho bộ nhiều hơn nên điều kiện sống và làm việc thoải mái hơn, chưa kể cơ hội để họ kiếm thêm thu nhập dựa vào vị thế cũng hơn cấp cơ sở.
Cán bộ, công chức ở cấp cơ sở đang gặp nhiều khó khăn về điều kiện sống và làm việc, từ đó dễ nảy sinh nhiều vấn đề.
Ví dụ nhà xây trái phép, lấn chiếm lòng lề đường, rồi phá rừng, hút cát lậu, nhìn thấy đầu tiên là cán bộ phường, xã chứ ai, nhưng có khi đó lại là nguồn thu nhập thêm của những cán bộ đạo đức kém. Rồi nhiều hành vi nhũng nhiễu, trái pháp luật khác cũng có nguyên nhân ấy”.
Trợ giúp về đào tạo, tăng thu nhập
* Các vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy từ chính quyền đến lực lượng thi hành công vụ (công an, viện kiểm sát…) cấp cơ sở có dấu hiệu coi thường dân, xử lý các vụ việc liên quan đến dân theo kiểu trấn áp, nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
– Nếu Nhà nước là một cơ thể thì chính quyền trung ương là đầu não, chính quyền cơ sở như tay với chân. Trong quản lý nhà nước thì tay chân quan trọng không kém đầu óc. Quan trọng như vậy nhưng hiện nay đang bất cập: thực tế cho thấy tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ chưa phù hợp.
Ví dụ: nhận vào làm nhưng không đủ năng lực hoặc điều động về không phù hợp nguyện vọng, sở trường của họ. Chưa kể quản lý cán bộ lỏng lẻo, có sai phạm thì xử lý không kiên quyết. Không chỉ cấp phường xã, cấp quận huyện cũng có vấn đề tương tự.
* Vậy phải thay đổi như thế nào?
– Để có chính quyền cơ sở mạnh cần làm hai điều, cấp trên cần giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc những sai phạm, nhưng có một điều cần thiết không kém là chúng ta phải có sự quan tâm về mặt đào tạo, bố trí con người phù hợp với sở trường, nguyện vọng và chăm lo cả về thu nhập, chính sách đãi ngộ.
Một số sự việc xảy ra vừa qua cho thấy phải tăng cường cả hai công việc này. Bởi chủ trương, đường lối, chính sách dù có sáng suốt, hợp lý nhưng không thể triển khai nhanh, thực hiện đúng và đủ nếu bộ máy chính quyền cơ sở hoạt động không hiệu quả.
Phải làm sao cho cán bộ cấp cơ sở có thể tự hào là một cán bộ, công chức làm việc tốt và được đãi ngộ tốt, không cần chạy vạy hoặc kiếm thêm thu nhập bằng cách nhũng nhiễu dân hay làm những việc không trong sáng khác.
Những trang báo Tuổi Trẻ phản ánh vụ việc chủ quán Xin Chào và vụ chị Ngọc bị bắt oan |
Đạo đức công vụ “có vấn đề”
* Nhưng cũng có một thực tế khác là có những người thi hành công vụ không nghèo. Ở đây họ lạm quyền vì một mục đích khác, vì lợi ích của chính họ?
– Tình trạng lạm quyền ở nước ta, qua một số sai phạm vừa qua ở cấp chính quyền cơ sở và trong lực lượng công an, theo tôi, trước hết là vấn đề phẩm chất cán bộ và đạo đức công vụ. Trong một số vụ án oan sai như tôi đã phản ảnh tại diễn đàn Quốc hội, người ta thấy nổi lên thói quen sử dụng nhục hình để sớm có lời thú tội và kết thúc vụ án, vô hiệu hoá nguyên tắc “suy đoán vô tội”.
Trong đó, một số cán bộ có tình trạng bàng quan, vô cảm với số phận, lợi ích người dân, thậm chí nhục mạ, vô lễ với họ, kể cả với người lớn tuổi, mà không hiểu rằng chi phí công vụ của họ, lương tháng và lương hưu của họ từ tiền thuế của người dân mà ra.
Ở đây, phẩm chất cán bộ và đạo đức công vụ có vấn đề chứ không phải vì thu nhập thấp hay đời sống khó khăn.
* Chấn chỉnh như thế nào khi nó liên quan đến vấn đề năng lực, phẩm chất, đạo đức chứ không phải chỉ là nghiệp vụ, thu nhập, lương bổng…, thưa ông?
– Thật ra đấy là vấn nạn chung mà nghị quyết của Đảng đã nêu: sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.
Vụ quán Xin Chào hay vụ bà Ngọc khiến chúng ta bức xúc, nhưng có những vụ việc khác, hành vi khác tác hại nghiêm trọng hơn mà chúng ta chưa nhìn thấy thì như thế nào? Cho nên để chấn chỉnh, theo tôi, có hai công việc phải làm.
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước phải tăng cường chấn chỉnh đạo đức công vụ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các sai phạm về phẩm chất, đạo đức công vụ.
Thứ hai, như tôi đã nói, vẫn là quan tâm, chăm lo đối với cán bộ cấp cơ sở, làm sao để người làm việc ở cấp cơ sở thấy hài lòng với công việc, thu nhập, chính sách đãi ngộ, từ đó toàn tâm toàn sức thực thi công vụ.
Bốn kênh giám sát
* Cơ chế giám sát, kiểm tra của chúng ta không thiếu, nhưng tại sao bất cứ sự việc nào xảy ra cũng cho thấy không có sự giám sát, kiểm tra đầy đủ của cơ quan chức năng?
– Đúng là có vấn đề đó, bộ máy chúng ta đầy đủ các bộ phận giám sát, kiểm tra từ trên xuống dưới, nhưng lâu nay hình như chúng ta quan tâm nhiều hơn đến an ninh chính trị.
Việc giám sát, kiểm tra những sai phạm về đời sống dân sinh, quan hệ dân sự chưa được quan tâm đúng mức, hay viện dẫn lý do khách quan như thiếu biên chế, kinh phí.
Trong khi đó những sai phạm trong công vụ lại tác hại nhiều mặt, ngoài thiệt hại vật chất cho người dân, cho xã hội, còn làm thương tổn, xói mòn sự tin cậy của nhân dân đối với Nhà nước.
Theo tôi, để khắc phục tình trạng này cần phải phát huy tinh thần chủ động và tính tích cực xã hội của người dân, giúp họ có nhiều kênh khác nhau để bảo vệ quyền tự do, dân chủ của mình. Hiện nay, pháp luật hiện hành đã cung cấp cho người dân một số kênh như vậy.
* Đó là những kênh nào, thưa ông?
- Thứ nhất là kênh khiếu nại, tố cáo theo Luật khiếu nại, tố cáo. Kênh này rất cần thiết, nhưng vừa qua không ít việc xử lý chậm, kéo dài nên người dân không hài lòng và không tin tưởng.
Thứ hai là kênh tố tụng, chủ yếu tố tụng hành chính. Kiện hành chính để huỷ bỏ quyết định, hành vi sai. Kênh này cũng mất nhiều thời gian trong khi dân bức xúc cần giải quyết ngay.
Người dân còn có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường theo Luật bồi thường nhà nước, nhưng kênh này cũng rất nhiêu khê, phía bị đơn là cơ quan, cán bộ nhà nước không tích cực hợp tác nên tác dụng còn hạn chế.
Thứ ba là kênh đại biểu dân cử. Là người tái ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi muốn nói kỹ hơn về kênh này.
Với Hiến pháp và pháp luật được sửa đổi vừa qua, kênh đại biểu dân cử có vai trò rất quan trọng và có thể phát huy tốt hơn trong thời gian tới. Hiện nay kênh này hoạt động không đồng đều, nhiều khi còn hình thức.
Đại biểu dân cử không chỉ đơn thuần chuyển đơn nữa vì đang tồn tại tình trạng đại biểu chuyển đơn nhưng không được trả lời đầy đủ, thậm chí không trả lời. Cho nên những đại biểu dân cử phải nâng cao trách nhiệm hơn để người dân được sử dụng kênh thứ ba này thường xuyên và đa dạng hơn.
Kênh thứ tư cực kỳ quan trọng là báo chí. Không chỉ đại biểu dân cử, mà báo chí vừa qua đã là chỗ dựa tin cậy của người dân.
Qua thực tiễn năm năm làm đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng đại biểu dân cử phải gắn với báo chí nhiều hơn, phối hợp chặt hơn, nhất là khi có những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu trì hoãn, bưng bít, nhận “chìm xuồng” thì báo chí cần hợp tác với đại biểu dân cử để tìm kiếm và phản ánh sự thật, thúc đẩy giải quyết, xử lý đúng pháp luật, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Vụ cá chết ở Vũng Áng, vụ lấp sông Đồng Nai, vụ quán Xin Chào… tại sao người dân không chạy đến đại biểu dân cử và cũng không nghe đại biểu dân cử của địa phương đó nói gì, mà chỉ có báo chí phản ánh? Nhiều vụ phạm pháp, oan khuất gây thiệt hại cho người dân được phát hiện và khắc phục có công của báo chí.
Kiểm soát quyền lực “Rất tiếc vừa qua có những vụ việc rất nóng, gây bức xúc cho cử tri cả nước và chính địa phương đó, nhưng đại biểu dân cử ở đó lại im tiếng. Ngoài ra có những vụ việc mà đông đảo nhân dân trong nước, kể cả ở hải ngoại, đều bức xúc, Quốc hội phải chủ động có nghị quyết của mình hoặc phải tiến hành kiểm tra, giám sát mang tính độc lập mà luật pháp cho phép, không nên chỉ chờ hay khoán cho hành pháp, tư pháp và chỉ dựa vào báo cáo của hai nhánh này. Đây cũng là thực hiện “kiểm soát quyền lực” theo nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013. Theo tôi, Quốc hội tới đây phải có nghị quyết chấn chỉnh tình trạng này” – luật sư Trương Trọng Nghĩa. |