25/12/2024

Sống cùng con trong thời đại số

Chuyện này tưởng như đơn giản nhưng lại khiến rất nhiều phụ huynh đau đầu.

 

Sống cùng con trong thời đại số

 

 

Chuyện này tưởng như đơn giản nhưng lại khiến rất nhiều phụ huynh đau đầu.

 

  

 

 

 

Sống cùng con trong thời đại số
Ông Lê Đức Trung – một phụ huynh – chia sẻ kinh nghiệm cùng các phụ huynh khác trong hội thảo – Ảnh: Thanh Hùng

Cũng bởi thế mà hội thảo chỉ trong khuôn khổ cấp trường về việc này, tổ chức vào ngày 23-4 đã thu hút khá nhiều phụ huynh tham gia.

Những chuyện giật mình

Cô Bùi Trà My – giáo viên môn truyền thông và văn hóa của Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, đơn vị tổ chức hội thảo – mở đầu chương trình bằng một câu hỏi dành cho phụ huynh: “Thay cho việc hỏi nhau “có khoẻ không?”, phụ huynh có biết các bạn trẻ hỏi câu gì đầu tiên khi đến quán cà phê không?”.

Để trả lời câu hỏi trên, cô Trà My đọc bài của một học sinh lớp 8 trong giờ học kỹ năng, liên quan đến vấn đề “tiêu tốn thời gian cho máy móc”. Trong đó có đoạn viết: “Khi bước vào quán cà phê để gặp bạn bè, mọi người sẽ không hỏi nhau “có khỏe không?”, mà câu đầu tiên sẽ là “Cho hỏi pass (mật khẩu) wifi ở đây như thế nào?”!”.

Đoạn “trần tình” của em học sinh nọ khiến nhiều phụ huynh bàn luận sôi nổi, vì câu chuyện đó quá quen thuộc với họ. Một phụ huynh chia sẻ: “Con tôi suốt ngày đeo tai nghe, nên bố mẹ nói gì không biết. Nếu bảo con nhấc tai nghe ra, đương nhiên nó sẽ phản đối. Muốn con trẻ tạm rời xa máy móc để “sống với đời thực”, bây giờ bố mẹ không chỉ nêu gương mà còn phải kỳ công làm nhiều việc thì mới lôi được con theo mình”.

Một câu chuyện khác cũng được mang đến hội thảo. “Đó là ngày 8-3, tôi chứng kiến có ba mẹ con vào quán cà phê. Đứa con gái 20 tuổi kiểm tra điện thoại, thằng em trai cũng mở điện thoại của mình. Bà mẹ ngồi giữa cũng mở điện thoại xem tin nhắn. Nhưng chỉ sau đó ít phút bà mẹ cất máy, hết nhìn con trai rồi lại nhìn con gái, không biết phải nói gì. Cuối cùng, chị đành ngả người về phía con gái xem con chat trên điện thoại. Lập tức cô con gái ngẩng lên nói: Sao mẹ lại xem điện thoại của con?”.

Cô Trà My kết luận: máy móc đã khiến mỗi người trong một gia đình từ bỏ thói quen “mặt đối mặt”. Sống bên cạnh nhau nhưng mỗi người đều chỉ hướng vào thế giới ảo của riêng mình. Dần dần mỗi người sẽ thấy cô đơn, xa lạ và không thể thấu cảm được nhau.

Cô Phương Hoài Nga, một cán bộ tư vấn tâm lý học đường, chia sẻ: “Có ông bố thường xuyên bận rộn, ít thời gian dành cho con. Mỗi khi về nhà chỉ thấy con cắm mặt vào máy tính. Bố nhắc con hạn chế máy tính, con không nghe. Bố bực quá cũng chỉ biết quát: “Tao nói mày không nghe, tao đập máy bây giờ”. Lập tức đứa trẻ đứng lên, đập luôn máy trước mặt bố. Mọi thứ thế là chấm dứt!”.

Theo cô Phương Hoài Nga, việc con trẻ nghiện sống với máy móc, với thế giới ảo, lỗi đầu là của người lớn. Nhiều phụ huynh trẻ trải qua môi trường sống kỹ thuật số, nên mặc nhiên coi việc cho con trẻ tiếp xúc với máy móc từ sớm là bình thường.

Rất nhiều ông bố, bà mẹ trẻ đi chơi, đi ăn với con, nhưng tái diễn cảnh mỗi người cầm một điện thoại thông minh để chat, để chơi mà không nghĩ đến việc phải nói chuyện với con cái, phải cùng nhau làm gì đó chung. Đây là hình ảnh phổ biến hiện nay của các gia đình ở nơi công cộng, có thể nhìn thấy bất cứ nơi đâu.

“Điều quan trọng là phụ huynh dành cho mình một chút thời gian để ngẫm nghĩ, để thấy những điều đáng lo ngại và thấy rằng cần thay đổi. Vì nếu muốn, chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp. Và cha mẹ luôn là yếu tố số 1 trong việc tác động tích cực tới con cái” – cô Phương Hoài Nga đúc kết.

Cần một sự thay thế 
khi “cai nghiện”

“Dành cho con mỗi ngày tối thiểu năm phút”, “cùng nấu ăn, cùng ăn cơm, cùng trò chuyện”… đó là những giải pháp mà một số bậc phụ huynh đưa ra trong bối cảnh “sống cùng con trong thời đại số”.

Một phụ huynh có con đang học THCS tâm sự: “Tôi đã nghĩ ra cách để con cách ly máy móc trong vài giờ, bằng cách giục con sang hàng xóm chơi khi đi học chiều về. Nhưng ngay lập tức tôi phát hiện giải pháp này không ổn, khi hàng xóm nhà tôi giờ đó nhiều người cũng sa đà vào thiết bị điện tử.

Tôi bèn bàn với hàng xóm, vài gia đình thống nhất với nhau để cho bọn trẻ được gặp gỡ, đi chơi với nhau bên ngoài. Nhưng ngay sau giờ “cách ly” trở về nhà, việc đầu tiên là chúng lao vào máy tính.

Cuối cùng, tôi phải thay đổi chính mình. Khi các con về nhà, vợ chồng tôi quyết tâm “nói không” với thiết bị điện tử mà chia nhau trò chuyện, cùng làm gì đó với các con”.

Một phụ huynh khác chia sẻ: “Cách tốt nhất để kéo con ra khỏi thiết bị điện tử là để chúng cùng tham gia công việc gia đình. Thường vào buổi chiều, tôi giao cho các con cùng bố mẹ mỗi người một việc, nấu nướng dọn dẹp, cùng ăn tối, với điều kiện “cả nhà nói không với tivi và điện thoại”.

Đó là khoảng thời gian duy nhất cả nhà tôi nói chuyện, quan tâm đến nhau, giao tiếp mà không phải thông qua máy móc hoặc bị gián đoạn bởi máy móc”.

Tuy nhiên tại hội thảo, không ít phụ huynh bày tỏ sự lúng túng. Một ông bố băn khoăn: “Tôi đang sử dụng một phần mềm để kiểm soát việc con truy cập mạng Internet, nhưng tôi đang không biết khi nào thì nên nói thật với con chuyện này. Còn nếu không nói thì sao? Liệu khi con tôi biết chuyện, cháu có còn tin tưởng bố nữa không? Khi cháu lớn và biết cách “phá rào” mà bố đặt ra 
thì phải làm gì?”.

Một bà mẹ khác cũng thừa nhận đã kiểm tra lịch sử truy cập Internet của con để biết con sử dụng mạng vào việc gì, biết mật khẩu Facebook của con để kiểm tra xem con nói chuyện gì, với ai trên đó. Nhưng chính bà mẹ cũng hoang mang khi không biết mình làm có đúng không.

Trao đổi về băn khoăn này, ông Lê Đức Trung cho rằng: “Không nên xâm phạm quyền riêng tư của con, mà thay vào đó nên cùng con tìm hiểu về Internet, sự quan trọng trong bảo mật thông tin, tạo bầu không khí gần gũi để con chia sẻ, từ đó rút ra cách ứng xử cần thiết với thế giới ảo”.

Dạy con cách sử dụng công nghệ tích cực

Vốn là dân kỹ thuật, cho các con tiếp cận với công nghệ thông tin sớm, nhưng ông Lê Đức Trung đã cố gắng cùng vợ và các con tạo nên một “êkip”, khi cùng nhau tận dụng được chính công nghệ vào những việc tích cực cho gia đình.

“Không thể gạt bỏ những thứ độc hại đang đầy rẫy ngoài xã hội, thì cách duy nhất là bơm thật nhiều những thứ bổ ích vào con trẻ để “pha loãng” sự độc hại” – ông Trung ví von một cách hài hước.

“Con trai tôi rất thích lắp ráp. Cháu lên mạng tìm hiểu về việc này. Nhưng tôi đã tư vấn cho cháu không chỉ lướt mạng xem cho biết mà thử thực hành bằng những miếng xốp, miếng nhựa bên ngoài để tạo nên một sản phẩm. Thời gian thực hành đó cháu đã có thể “sống với đời thực” và tôi có thể chia sẻ được sự say mê của cháu” – ông Trung kể.

VĨNH HÀ ([email protected])