Túp lều hạnh phúc của người thợ sửa xe
Khi số phận sắp đặt, hai mảnh đời khó nhọc đã gặp nhau và kết duyên tại vỉa hè định mệnh – nơi tạm cư của họ bây giờ.
Túp lều hạnh phúc của người thợ sửa xe
Khi số phận sắp đặt, hai mảnh đời khó nhọc đã gặp nhau và kết duyên tại vỉa hè định mệnh – nơi tạm cư của họ bây giờ.
Vợ chồng anh Hà Văn Hồng và chị Âu Thị Mận phụ giúp nhau mưu sinh với nghề sửa chữa xe hơn 20 năm nay trên đường Phan Văn Hớn, Q.12, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung |
“Tôi làm ở ngay cái vỉa hè này đến nay là gần 20 năm rồi. Đây vừa là tiệm, vừa là nhà của tôi. Chính từ chỗ này, tôi đã quen và cưới được người phụ nữ của đời mình đấy |
Anh Hà Văn Hồng |
Tôi đến đường Phan Văn Hớn (Q.12, TP.HCM) trong cái nắng tháng 4 cháy da, tìm gặp anh Hà Văn Hồng (39 tuổi).
Trước mắt tôi là một túp lều rộng chừng 3m, sâu 1,5m nằm ngay trên vỉa hè, được lợp bằng giấy cactông và mảnh bạt. Đó là nơi anh Hồng và chị Âu Thị Mận (36 tuổi, người dân tộc Cao Lan) đã gặp gỡ, yêu nhau và nên vợ nên chồng.
Tình yêu vỉa hè
Trong túp lều có hai tấm ván kê làm chỗ ngủ, cái bếp gas nhỏ và chiếc xe đẩy đựng đồ nghề của anh Hồng. Căn lều nhỏ không điện, không nước, tài sản đáng giá nhất trong đó có lẽ là tiếng cười đùa hồn nhiên của đứa bé con của hai người.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Bình, anh Hồng không may bị di chứng chất độc da cam, từ nhỏ đã liệt một chân trái. Gia đình khó khăn, bố mẹ làm thuê bữa đói bữa no, khi học tới lớp 5 anh phải nghỉ học.
Năm 13 tuổi, anh quyết định bỏ xứ đi tìm hướng lập nghiệp. Anh lên Đắk Lắk xin đi làm rẫy thuê cho một người quen. Thấy anh tật nguyền, không có công việc ổn định, người hàng xóm khuyên anh nên xuống Sài Gòn học một cái nghề để tự nuôi thân.
Ngày đến Sài Gòn, chưa đầy 15 tuổi, với 4 triệu đồng dành dụm được, anh xin vào học nghề ở tiệm sửa xe Hồng Phát. Sau gần bốn năm học và làm thuê, anh ra nghề và bắt đầu làm riêng. “Tôi làm ở ngay cái vỉa hè này đến nay là gần 20 năm rồi. Đây vừa là tiệm, vừa là nhà của tôi. Chính từ chỗ này, tôi đã quen và cưới được người phụ nữ của đời mình đấy” – anh cười, mắt trìu mến nhìn vợ.
Anh kể: “Lần đầu tiên gặp nhau là lúc cô ấy mang xe đến nhờ vá, khuôn mặt dễ thương, giọng nói nhỏ nhẹ của cổ làm tôi ấn tượng. Sau một hồi hỏi thăm nhau, cô ấy hỏi “anh sống ở đây à”. Tôi gật đầu, cứ ngỡ là hỏi chuyện vu vơ vậy thôi, không ngờ cái duyên nó tới lúc nào không hay”.
Kể từ hôm đó, ngày nào đi làm ngang qua chỗ anh, chị Mận cũng ghé vào bơm xe, tăng sên, sửa lại cái thắng. Hôm nào đi may về sớm, chị lại mang cho anh ổ bánh mì, cái bánh ngọt, chai nước. Thấy mỗi ngày, người đàn ông khuyết tật cứ một mình lủi thủi trong túp lều ở vỉa hè, lê đôi nạng lộc cộc đi xin từng thùng nước về nấu cơm, chị Mận động lòng. Chị Mận là công nhân may mặc, cũng lưu lạc một thân một mình vào Sài Gòn từ năm 16 tuổi.
Chị Mận bẽn lẽn cười: “Mình cũng xa quê, gia đình nghèo nên từ nhỏ mình cũng không được học nhiều, cũng ra đời bươn chải như ảnh. Hai đứa chung hoàn cảnh tha hương nên mình hiểu, ảnh đã tật nguyền mà còn một thân một mình nữa, nhìn tội lắm. Mình hay ghé qua nói chuyện, rồi thương ảnh lúc nào không hay”.
Thế rồi, họ bắt đầu hẹn hò, đi chơi chung. Trên chiếc xe đạp cũ của mình, chị Mận chở anh rong ruổi khắp Sài Gòn, ổ bánh mì bẻ đôi cũng đủ làm cả hai thấy hạnh phúc. Qua một năm hẹn hò, không hoa hồng, quà cáp, chỉ có những bữa cơm bụi, anh Hồng đã ngỏ lời muốn thành chồng vợ, chị nhẹ nhàng gật đầu đồng ý.
Ngày chị Mận đưa anh về Tuyên Quang ra mắt gia đình, nhìn đôi chân khập khiễng bên nạng gỗ của anh, ai cũng phản đối. Hàng xóm xì xào, bàn tán “đã lấy chồng xa, lại còn tật nguyền…”. Mặc cho mọi người bàn ra tán vào, chị kiên nhẫn giãi bày nỗi lòng cho bố mẹ hiểu, rằng anh tuy tật nguyền nhưng có chí làm ăn, thương anh thì sau này có sướng khổ gì chị cũng chịu được.
Không cản được con, bố mẹ chị gật đầu đồng ý. Lúc vào lại Sài Gòn, anh chị không đủ tiền nên cũng chẳng dám nghĩ tới đám cưới. May sao, các đoàn thể của phường đã vận động mọi người đóng góp vài triệu, giúp anh chị tổ chức được một đám cưới nhỏ nhưng vui vẻ, đầm ấm.
Hạnh phúc trong gian khó
Ngày chị về sống chung trong chiếc lều ở vỉa hè, ai tới vá xe, anh cũng khoe mình mới cưới vợ, anh cười nhiều và pha trò nhiều hơn, bữa cơm đầy bụi đường trở nên vui hơn khi có hai người cùng ăn.
Nhắc lại những ngày đầu về làm vợ anh, chị Mận chia sẻ: “Bữa đầu tiên mình về ở, khi vợ chồng đang ngủ thì dân phòng tới, mình phải vội vàng thu gom đồ đạc mang vô hẻm giấu. Suốt mấy tháng như vậy, họ thấy gia cảnh vợ chồng khó khăn nên họ cũng không dẹp đuổi nữa”.
Còn anh Hồng nói vui, ở đây gần đường nên bị trộm hoài, đồ nghề cứ bị mất. “Còn vào mùa mưa thì thôi, vợ chồng cứ ướt như chuột lột ấy chứ, nhưng cứ nhìn nhau mà cười bù” – anh Hồng nở nụ cười hạnh phúc, như chẳng hề có khó khăn gì.
Chồng vá xe, vợ bán nước, thu nhập chỉ đủ để họ mua miếng rau, ký gạo mưu sinh qua ngày. Khi anh bận trông con, chị thay anh bơm, vá xe cho khách. Ngược lại, khi chị đi chợ, nấu cơm, anh cũng vừa bán nước thay vợ vừa trông con. “Chúng tôi chia sẻ với nhau mọi việc” – anh Hồng nói.
Hiện anh chị sống cùng bé trai thứ hai gần 3 tuổi và gửi con trai đầu về cho bà nội cháu trông. Nhìn đứa con nhỏ đang chơi đùa ngoài vỉa hè, tôi bất chợt hỏi vợ chồng anh Hồng về những ước mơ.
Ánh mắt rạng ngời, anh nói: “Chúng nó lớn là tôi sẽ cho đi học liền, cực khổ gì cũng phải cho đi học để tương lai tụi nó sáng sủa, không nghèo khó, ít chữ như vợ chồng tôi. Rồi tôi sẽ kiếm tiền thuê cho mấy mẹ con một cái phòng để có chỗ ra vào, có điện, có nước mà dùng, rồi còn lo tiền để vợ chồng về thăm nhà nữa chứ, gần 10 năm rồi còn gì”.
Còn chị Mận khẽ đặt tay lên vai chồng, cười hiền hậu: “Với em, như thế này là hạnh phúc và đầy đủ quá rồi, em không dám mong gì thêm nữa”.
Vợ chồng anh chị Hồng – Mận dường như đã tìm được niềm hạnh phúc thật sự. Nó chẳng phải ở nơi nào đó xa xôi mà ở ngay trong cảnh khó nghèo này, trong sự sẻ chia hằng ngày, bên tiếng cười của trẻ con hay bên mâm cơm đạm bạc mỗi trưa, mỗi tối.