01/11/2024

Mẹ ơi, con đã về! và câu chuyện Stacy Thuý

Không phải là một cái tên quen hoặc từ một nơi chốn “lừng danh” về phim tài liệu lâu nay, “Mẹ ơi, con đã về!” của Lương Minh Đức là một bất ngờ khi đoạt Cánh diều vàng tối 20-4.

 

Mẹ ơi, con đã về! và câu chuyện Stacy Thuý

 

 

Không phải là một cái tên quen hoặc từ một nơi chốn “lừng danh” về phim tài liệu lâu nay, ”Mẹ ơi, con đã về!” của Lương Minh Đức là một bất ngờ khi đoạt Cánh diều vàng tối 20-4.

 

 

 

 

 

Mẹ ơi, con đã về! và câu chuyện Stacy Thúy
Những chia sẻ đẫm nước mắt của Stacy Thúy khi ở Mỹ – Ảnh trích từ phim

Tính từ thời điểm tổng thống Gerald Ford công bố chi 2 triệu USD cho chiến dịch Không vận trẻ em ra khỏi VN năm 1975, đã 40 năm trôi qua. C5A-Galaxy – chiếc máy bay vận tải quân sự đầu tiên của chiến dịch ấy đã rơi ngay sau 12 phút cất cánh, 150 người đã chết, trong đó có 76 trẻ em. Nhưng những đứa trẻ ấy lại bị đưa sang Pattaya và chôn một nấm mộ chung ở nhà thờ St. Nikolaus với lời đề tựa trên ngôi mộ: Chỉ có Chúa mới biết!

40 năm sau, Stacy Thúy Meredith về VN cùng chồng và cô bạn thân Thuý Nguyễn.Mẹ ơi, con đã về! được mở ra như thế…

Không lời bình, không dùng quá nhiều tư liệu để nhắc nhớ quá khứ, bộ phimlà cuộc hành trình được nhân vật chính Stacy Thuý tự kể lại, rằng tại sao cô muốn tìm mẹ mình đến thế. Câu chuyện của một người con đi tìm lại mẹ, tìm lại gia đình và quê hương của mình có vẻ như không phải là một đề tài mới.

Nhưng câu chuyện của Stacy Thuý là một câu chuyện được khai thác đặc biệt. Bởi vì đó là một phần không thể quên của nỗi đau chiến tranh mà Stacy Thuý là nạn nhân từ khi cô còn là một đứa trẻ (bên cạnh là Thuý Nguyễn, cô gái cũng mang trong mình phân nửa dòng máu Việt như Stacy Th, về VN tìm các bà xơ đã chăm sóc mình ở cô nhi viện, nhưng từ chối tìm lại mẹ và gia đình mình).

Được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh tài liệu khá hiện đại, phim cũng tránh được các chi tiết gượng ép rườm rà, chỉ tập trung vào câu chuyện mà nhân vật muốn kể.

Mẹ ơi, con đã về! và câu chuyện Stacy Thúy
Stacy Th trong phim.

Những khuôn hình cận chặt (chủ yếu là gương mặt Stacy Th) được giữ với thời lượng khá dài so với các phim thông thường đã khiến cho việc tập trung khai thác biểu cảm để truyền cảm xúc cho người xem mạnh hơn và ở lại trong họ như một ám ảnh.

Đạo diễn Lương Minh Đức kể rằng cũng như rất nhiều người con lai trong hành trình trở về quê hương tìm kiếm ký ức bị đánh mất, Stacy Th ban đầu đã tỏ ra rất định kiến với VN:

“Khi chúng tôi đề nghị tìm kiếm gia đình cho chị, Stacy đã nói thẳng rằng chị được khuyến cáo không nên tin tưởng truyền thông VN và cho rằng những việc chúng tôi đề nghị có thể vì tiền bạc và hiệu ứng truyền thông. Khi đó chúng tôi không còn cách nào khác là chờ đợi Stacy về rồi tiếp cận chị như một người bạn mới quen… Và hành trình Mẹ ơi, con đã về! bắt đầu từ đấy”.

Không quá nhiều thời gian như các phim tài liệu thông thường vẫn phải chờ đợi, Mẹ ơi, con đã về! hình như may mắn để quá suôn sẻ đi từ điểm đầu đến đích?

– LƯƠNG MINH ĐỨC: Đúng là có không ít điều kỳ lạ. Từ việc tìm ra ngôi mộ chung bên Pattaya mà không mấy người Việt biết đến, rồi chúng tôi kết nối được với Stacy Th và có trong tay những thông tin rất hạn chế của chị. Nhưng chỉ trong sáu ngày thì nhóm tìm kiếm tìm ra gia đình Stacy tại Phụng Hiệp.

Và cảm xúc của Stacy Th trong suốt hành trình ở VN cũng làm chúng tôi bất ngờ, có lẽ vì phần VN trong chị rất lớn, chị không tự xây dựng một hàng rào phòng thủ về cảm xúc để nói chuyện với rất nhiều định kiến, mặc cảm như nhiều người giống chị mà chúng tôi đã gặp.

Để chính chúng tôi lại phải “khuyến cáo” chị rằng dù thông tin, bằng chứng gia đình chị đã khớp, nhưng vẫn có khả năng hồ sơ bị sai sót và phải chờ đến khi có kết quả ADN…

Mẹ ơi, con đã về! và câu chuyện Stacy Thúy
Một trong những cảnh xúc động trong phim

* Các anh đã theo nhân vật và câu chuyện ra sao để giữ được sự khách quan nhất, điều mà nhiều phim tài liệu hay mắc lỗi khi dàn dựng lại hiện thực?

– Đây là bộ phim rất khó quay. Chúng tôi chỉ được sử dụng một máy quay (cùng với một máy quay của Đài CBS, Hoa Kỳ), không được can thiệp vào hành trình của nhân vật và không được phép sắp đặt bất cứ điều gì, mọi cái chỉ được quay một lần.

Chúng tôi đã bị hỏng micro ở một trường đoạn nhưng cũng phải chấp nhận tiết giảm tối đa đoạn quay hỏng âm thanh này trên phim cho dù đây là một trong những cảnh xúc động và có tính thông điệp nhất.

Ban đầu, tôi dự kiến đa tuyến nhân vật để khán giả có thể nhìn thấy bức tranh rộng hơn nhưng sau khi kết thúc hành trình, tôi quyết định chỉ tập trung vào Stacy Thúy…

* Hình như sau phim, anh vẫn rất gắn bó với nhân vật của mình, chị Thúy ra sao và thế nào trong cảm nhận của anh sau khi đã về được quê mẹ?

– Sau cuộc tìm kiếm, Stacy Th và gia đình chị coi chúng tôi như những thành viên trong gia đình. Cảm nhận của tôi là thanh thản.

Dù muộn màng, tiếc nuối, nhưng hành trình của Stacy Th là hành trình lấp đầy những ký ức bị xoá, hành trình của sự giải thoát những ức chế bị kìm nén trong suốt quãng đời sống phận con nuôi đầy sóng gió.

Càng về sau, tôi càng thấy chị không còn mặc cảm bị chối bỏ. Chị đang cố gắng hiểu được văn hoá, lối sống của gia đình mình ở VN và giúp đỡ họ theo cách mà chị cho là hợp lý.

Lương Minh Đức là một đạo diễn tay ngang, bởi anh là nhà báo hoạt động trong lĩnh vực truyền hình (Đài VTC). Mẹ ơi, con đã về! được hoàn thành vào tháng 4-2015, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.

Phim giành giải nhất hạng mục phim tài liệu ở Liên hoan truyền hình toàn quốc, giải đạo diễn xuất sắc cho Lương Minh Đức trước khi giải Cánh diều gọi tên Đức.

Lương Minh Đức cho biết Mẹ ơi, con đã về! sẽ được phát lại vào dịp lễ 30-4 năm nay trên kênh VTC1 và một số kênh truyền hình khác.

CÁT KHUÊ ([email protected])