27/12/2024

Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an: Cơ quan tố tụng vào cuộc

Chủ quán cà phê Xin Chào tại địa chỉ C12/26 KP.3, TT.Tân Túc, H.Bình Chánh bị công an và Viện KSND H.Bình Chánh khởi tố, truy tố về tội “kinh doanh trái phép” vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh 5 ngày và chưa kịp bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

 
Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an: Cơ quan tố tụng vào cuộc
 




Ông Tấn tiếp tục trình bày vụ việc với PV các báo đài - Ảnh: Phan Thương

Ông Tấn tiếp tục trình bày vụ việc với PV các báo đài – Ảnh: Phan Thương


 Hôm nay, Công an TP.HCM họp báo
Hôm qua 20.4, cơ quan tố tụng cấp trên và các cơ quan hữu quan đã có động thái chỉ đạo, yêu cầu xử lý đúng, nhanh vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn (49 tuổi, ngụ Q.Bình Tân), chủ quán cà phê Xin Chào tại địa chỉ C12/26 KP.3, TT.Tân Túc, H.Bình Chánh bị công an và Viện KSND H.Bình Chánh khởi tố, truy tố về tội “kinh doanh trái phép” vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh 5 ngày và chưa kịp bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Làm việc với Báo Thanh Niên, Chánh văn phòng Viện KSND TP Trần Kiến Xương cho biết phòng nghiệp vụ đã nhận được hồ sơ kiểm sát do Viện KSND H.Bình Chánh chuyển lên và hiện các kiểm sát viên đang nghiên cứu, thẩm định. “Viện KSND TP sẽ thông tin kết quả thẩm định sớm nhất”, ông Xương nhấn mạnh.
Còn thẩm phán Trần Hữu Ngôn, chủ tọa phiên tòa vụ án “kinh doanh trái phép” liên quan đến ông Tấn cũng cho biết theo lịch, vụ án vẫn được đưa ra xét xử vào ngày 28.4, HĐXX sẽ xét xử độc lập, công khai dựa trên quy định của pháp luật.
Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương cũng khẳng định lãnh đạo TAND TP sẽ không can thiệp về mặt nội dung vụ án, HĐXX của TAND H.Bình Chánh sẽ xét xử độc lập và chịu trách nhiệm với bản án mình tuyên.
Phải chăng công an đã “gài” người dân?
Đó là quan điểm các chuyên gia pháp luật khi tiếp xúc với Thanh Niên.
Theo điều 159 bộ luật Hình sự, cấu thành cơ bản của tội “kinh doanh trái phép” là kinh doanh không đăng ký, kinh doanh không đúng nội dung đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có. Các cơ quan tố tụng cho rằng ông Tấn tái phạm hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP (tức không có giấy phép riêng) theo quy định đối với ngành nghề kinh doanh ông đã đăng ký nên buộc xử lý hình sự.
Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: “Theo Nghị định 178/2013 thì biên bản xử phạt hành chính phải do trưởng công an huyện lập, tuy nhiên cả 2 biên bản xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của ông Tấn đều do các cán bộ kiểm tra lập là không đúng. Từ một văn bản quy phạm pháp luật sai về hình thức dẫn đến quyết định xử phạt hành chính (XPHC) không có giá trị pháp lý, tuy nhiên Công an H.Bình Chánh dùng quyết định XPHC thiếu giá trị pháp lý để khởi tố vụ án, khởi tố bị can là sai; đồng thời, Viện KSND H.Bình Chánh càng sai hơn khi phê chuẩn, ký quyết định ban hành cáo trạng”.
Về nội dung XPHC, luật sư Hà Hải tiếp tục phân tích: “Quyết định XPHC lần 1, ông Tấn bị xử phạt 5 hành vi, trong đó có 2 hành vi: hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Phải hiểu rằng, muốn có giấy phép riêng thì phải có giấy phép bố, tức giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước. Nay Công an H.Bình Chánh đã xử phạt về hành vi không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì không có cơ sở nào để xử phạt về hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP; với quyết định XPHC lần thứ 2, coi như Công an H.Bình Chánh xử phạt đúng nhưng từ việc sai trong nội dung quyết định XPHC lần 2, dẫn đến cộng dồn, tái phạm về hành vi không có giấy phép riêng để xử lý hình sự là sai”.
Theo luật sư Hà Hải, việc Công an H.Bình Chánh cố tình bắt lỗi khiến bạn đọc có quyền nghi ngờ phải chăng đang “gài” ông Tấn.
Đồng tình với quan điểm này, một thẩm phán TAND tối cao cho rằng qua hồ sơ vụ việc, có vẻ như Công an H.Bình Chánh đang lợi dụng quy định của pháp luật để “gài” người dân. Nhưng, vị thẩm phán này cũng khuyên không nên bình luận gì vội về việc quy trách nhiệm đối với những người tiến hành tố tụng, bởi vụ án hiện đã được chuyển qua TAND H.Bình Chánh. Hãy chờ cơ quan này đưa ra xét xử, từ đó có những bình luận khách quan.
Mức độ vi phạm không khẩn cấp
Một cán bộ thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực VSATTP của TP.HCM bày tỏ không đồng tình với quá trình kiểm tra và xử lý của Công an H.Bình Chánh.
Vị này cho rằng: Việc ông Tấn đưa quán cà phê vào kinh doanh trong lúc đang chờ được cấp giấy chứng nhận kinh doanh là sai. Tuy nhiên, ông Tấn đã thực hiện bổ sung những sai sót – đi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và đã đóng phạt đầy đủ – là hành vi tích cực. Ngoài ra, việc kinh doanh thực phẩm (phở, hủ tiếu…) trong quán cà phê của ông Tấn, mức độ vi phạm về VSATTP nếu có là không lớn, không nghiêm trọng, không khẩn cấp như những cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh những thực phẩm bẩn như thịt thối, sử dụng chất cấm nguy hại…
Và, thực tế, quán của ông Tấn cũng chưa gây ra hậu quả – ngộ độc hay chết người. Đó là yếu tố để đoàn kiểm tra xem xét giảm nhẹ nếu có xử lý vi phạm hành chính ông Tấn, chứ không phải nâng mức xử lý nặng hơn.
“Ngoài ra, nếu công an đi kiểm tra lần đầu phát hiện cơ sở có những vi phạm, thiếu sót về VSATTP thì cần thông báo cho cơ quan quản lý VSATTP địa phương biết để nơi này hướng dẫn, chấn chỉnh cơ sở cho đúng phạm vi chuyên môn”, vị này nói.
Thanh Tùng

Liên quan đến vụ việc trên, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã có chỉ đạo Giám đốc Công an, Viện trưởng Viện KSND TP khẩn trương xác minh làm rõ. UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo Công an TP kiểm tra; từ đó đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao (khu vực phía nam) cũng cho biết đã tiếp nhận được đơn thư tố cáo của ông Tấn (cho rằng cơ quan tố tụng cùng những người tiến hành tố tụng đã gây hàm oan cho ông) và đang tiến hành xác minh, làm rõ.
Trong một diễn biến khác, Công an TP cho biết hôm nay (21.4) sẽ tổ chức họp báo để thông tin nội dung cụ thể. (Đ.Huy – Đ.Phú)

Phan Thương