27/12/2024

Tình yêu làm nên kỳ tích

Vừa làm bếp ông vừa dạy vợ nói. Những khi bà phát âm sai hoặc dính chữ, ông nói rồi bà nói lại… Xen vào đó, ông pha trò nhiều câu khiến bà bật cười sảng khoái.

 

Tình yêu làm nên kỳ tích

 

Vừa làm bếp ông vừa dạy vợ nói. Những khi bà phát âm sai hoặc dính chữ, ông nói rồi bà nói lại… Xen vào đó, ông pha trò nhiều câu khiến bà bật cười sảng khoái. 

 

 

 

 

 

Tình yêu làm nên kỳ tích
Vợ chồng ông Đức gắn bó như hình với bóng – Ảnh: Minh Tâm

Nhìn thần thái tươi vui của bà không ai nghĩ bà đã vượt qua cơn ác mộng dài của 10 năm bệnh tật…

Trong căn nhà ở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Hữu Đức (65 tuổi) đang cùng vợ là bà Lý Thị Loan (55 tuổi) chuẩn bị cơm trưa. Ông thoăn thoắt khứa từng khúc cá đến cắt từng lát khóm, đậu bắp. Riêng phần bà chỉ lặt rau mà thôi.

Vừa làm ông vừa nói với vợ: “Cá hú”. Bà bập bẹ: “Cá hú”. Ông tiếp: “Khóm”, bà lại nói theo: “Khóm”. Rồi ông nói câu dài: “Hôm nay chúng ta ăn món canh chua cá hú…”, bà cố lặp lại bằng giọng ngọng nghịu y như đứa trẻ mới tập nói…

Hiếm có người đàn ông như ảnh, bỏ cả sự nghiệp, gần 10 năm một lòng chăm sóc vợ như mẹ chăm sóc con. Hiếm có người phụ nữ nào có ý chí mạnh mẽ như chị khi đối mặt với căn bệnh u não ác tính. Nhưng tình yêu đã làm nên kỳ tích

Bà HÌNH THỊ ÁNH THOA (phó giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long)

Thử thách bất ngờ

Ông bà vốn là huấn luyện viên thể dục thể hình, cùng giảng dạy ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long. Số học viên theo học lớp của ông bà rất đông. Bóng họ lúc nào cũng song đôi hạnh phúc trên sàn tập. Rồi khi đứa con gái duy nhất lập gia đình và định cư nước ngoài, căn nhà chỉ còn lại ông bà, nhưng lúc nào cũng chộn rộn ấm êm theo điệu nhạc đầy sôi động thể hình…

Thử thách bất ngờ ập xuống khi vào một đêm giữa năm 2007, bà đang ngủ bỗng nhiên bị động kinh, mắt trợn ngược, miệng méo… Ông cấp tốc đưa bà đi bệnh viện tận Sài Gòn.

Bác sĩ chẩn đoán bà bị u não ác tính. Căn bệnh khiến chân tay bà rất yếu gần như bị liệt, đi đứng không được, mặt cũng liệt một bên, không phát ngôn được, không nhớ quá khứ, gặp người quen không nhận ra…

Xót cho vợ, ông đau đớn hơn khi thấy bà bị trầm cảm nặng, ngày nào cũng khóc. Những điều trước đây ông chưa hề thấy ở vợ bao giờ.

Thương vợ, ông quyết định bỏ việc và dồn hết tài sản hai vợ chồng có được để đưa bà ra nước ngoài chữa trị. Nhưng bệnh không thuyên giảm. Ông đưa vợ về nước và đến điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Đồng thời ông nghĩ ra “giáo án” riêng để giúp vợ lấy lại bước đi, giọng nói…

Hồi phục

Ông cho bà tập những động tác nhẹ như xoay đều những viên bi trong lòng bàn tay để giúp các ngón tay cử động, tập vận động tay để giảm xơ cứng, giúp máu huyết lưu thông, điều tiết cảm xúc, phòng chống stress. Rồi ông tập cho bà đi lại bằng cách dìu bà vịn tường bước từng bước. Mỗi chiều ông chở bà ra quảng trường thành phố Vĩnh Long dạo bộ, tập vịn tay vào lan can để đi. Rồi ông bấm huyệt, xoa bóp cho bà.

Đến khi bà có thể đi được một mình dù hơi xiêu vẹo, có thể cầm nắm những vật nhẹ như muỗng đũa tự ăn cơm, điều tiết được cảm xúc và phục hồi dần trí nhớ nhận ra người quen, ông cho bà tập một mình.

Theo đó, cứ 5g30 sáng, bà tập vận động tay, bấm huyệt, yoga. Đến 6g30, tập thẩm mỹ vận động toàn thân. 5g chiều, ông chở bà ra công viên để cùng bà đi bộ hoặc tập những vận động khác, chuyện trò cùng nhiều người. Những khoảng thời gian còn lại, ông đan xen giữa sinh hoạt, giải trí và tập luyện.

Ông tâm sự: “Căng nhất là lấy lại giọng nói bởi căn bệnh đã khiến bà hầu như không nói được. Nếu có nói thì chỉ nói được vài từ nhưng chữ này dính chữ kia, ngọng nghịu, đơn đớt khiến người đối thoại không nghe được. Chỉ có chồng mới hiểu ý vợ muốn nói gì”.

Ông tập vợ nói từng chữ, chẳng hạn khi ông đi chợ mua đồ, ông bảo vợ nói “đi chợ… mua đồ về nấu ăn…”, kiên nhẫn nghe cho đến khi bà nói xong. Vợ kiên trì làm theo “giáo án” tập nói của chồng. Hầu như cả hai tập mọi lúc mọi nơi, chẳng hạn khi nhặt rau, vợ bập bẹ: “Rau”. Chồng chỉnh sửa cho đến khi nào vợ phát âm hết câu rõ ràng nghe được mới thôi.

Mỗi chiều khi ra công viên dạo, ông nhờ những người bạn tập ở quảng trường hỏi chuyện bà bằng những câu hỏi sao cho bà có thể trả lời ngắn kiểu “có” hoặc “không”. Ông còn nghĩ cách giúp vợ vận động lưỡi nhiều sẽ bớt cứng bằng cách tải những bài hát cả hai thích và cho bà vừa nghe vừa hát theo. Nhờ cách “hát nhép” này mà giọng bà “mềm” lại, ít “cứng” hơn, câu chữ cũng rõ ràng hơn…

Ông xem ẩm thực là kênh rất quan trọng trong việc chữa bệnh cho vợ bằng cách xem sách báo, rồi học thêm cách nấu những món ăn, thức uống ngon bổ cho vợ. Gần 10 năm dài chăm sóc vợ như thế. Tình yêu sâu đậm của ông làm nên điều kỳ tích: vợ ông khôi phục sức khoẻ, đi đứng nhanh nhẹn. Nhìn bà đâu ai biết rằng bà từng trải qua cơn bạo bệnh.

Ông Lê Hoàng Bắc, bác sĩ khoa ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết chị Loan bị bệnh u não ác tính. Bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan chức năng khiến miệng méo, phát ngôn không được, tay chân yếu liệt, hạn chế sự vận động cá nhân… Vì vậy, ngoài việc điều trị chuyên môn, còn đòi hỏi nỗ lực của người bệnh và thân nhân người bệnh rất lớn.

Ở đây ông Đức chăm sóc vợ rất công phu. Còn chị Loan ý chí cũng rất mãnh liệt. Cả hai rất cố gắng tập phục hồi, từ vận động đến tập cách nói để tới nay chị phục hồi như vậy chính là kết quả của một sự kỳ công…

“Bác sĩ” tinh thần của vợ

Để tạo lạc quan cho vợ, ông mở đài có hài kịch cho bà nghe, đưa vợ đến gặp những người lạc quan, hài hước giàu nghị lực. Khi bà luyện tập, ông thường trêu đùa khiến bà bật cười sảng khoái hoặc động viên vợ: “Chúng ta là huấn luyện viên nên ráng nghe em, rồi sẽ vượt qua thôi”.

Tinh thần lạc quan theo đó cũng tăng lên rất nhiều. Ông không bao giờ đưa bà đến chỗ buồn hay gặp những ai có tính bi quan bởi ông sợ tác động xấu đến tâm lý của bà…

MINH TÂM