23/01/2025

Lắm chiêu moi tiền của phòng khám Trung Quốc

Với vẻ ngoài khang trang, tiếp đón niềm nở, quảng cáo ngọt ngào…, nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tại TP.HCM dẫn dắt bệnh nhân sa vào bẫy.

 

Lắm chiêu moi tiền của phòng khám Trung Quốc

Với vẻ ngoài khang trang, tiếp đón niềm nở, quảng cáo ngọt ngào…, nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tại TP.HCM dẫn dắt bệnh nhân sa vào bẫy. 

 

Lắm chiêu moi tiền của phòng khám Trung Quốc
Bác sĩ người Trung Quốc (thứ ba từ phải) tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân tại phòng khám đa khoa Hồng Bàng (877-879 Hồng Bàng, P.9, Q.6, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa

Các phóng viên Tuổi Trẻ đã vào vai người bệnh thâm nhập các phòng khám này tìm hiểu cách moi tiền như thế nào.

Ngày 20-3, tôi vào vai bệnh nhân đến khám trĩ tại phòng khám đa khoa Thế Giới (646-648 Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM). Bác sĩ khám cho chúng tôi được giới thiệu tên Vương, người Đài Loan.

Dùng hình ảnh bệnh tật để doạ

Khi tôi nói khó chịu ở vùng hậu môn, ông Vương khám và bảo không bị trĩ ngoại, chuyển tôi lên phòng nội soi. Khác hẳn bề ngoài sang trọng của phòng khám, phòng nội soi chỉ có một chiếc giường và máy nội soi thô sơ.

Ông Vương tiêm thuốc tê, nội soi và nói bị trĩ nội phải cắt bỏ. Nhân viên phụ việc cho tôi xem hình ảnh chụp nội soi hậu môn.

Nghi ngờ hình ảnh giả mạo, tôi yêu cầu xem toàn bộ hình ảnh đã nội soi thì nhân viên này lúng túng nói không biết file vừa chụp lưu ở đâu. Nhân viên này cho làm lại lần nữa để tôi tin tưởng.

Theo nhân viên này, để cắt trĩ nội thì sử dụng máy đại lực thần giảm đau, cầm máu rất tốt giá 8,8 triệu đồng hoặc cắt bằng thiết bị điện li từ giá 6,8 triệu. Tôi nói giá cao quá, ông Vương bảo trĩ nội rất khó xử lý, phải dùng thiết bị mới nhập của Đức, các bệnh viện và phòng khám khác không có.

Thấy tôi chần chừ, ông Vương và nhân viên phụ việc liên tục cho tôi xem những hình ảnh nội soi hậu môn rất ghê rợn rồi nói về những biến chứng nghe bủn rủn cả chân tay.

Vẫn chưa thuyết phục được tôi, ông Vương dùng panh kẹp một miếng bông dính máu đưa lên cho tôi nhìn và doạ thẳng: “Bệnh viêm rất nặng, dịch viêm tiết ra nhiều. Phần trĩ bên trong lớn như thế rồi mà anh không làm thì càng ngày nó càng lớn hơn. Để lâu nó nổi lên rồi mọc ra bên ngoài, khi đó phải xử lý cả bên trong và bên ngoài sẽ khó và chi phí đắt hơn”.

Tôi nói muốn được uống thuốc thì được nghe phiên dịch lời ông Vương bảo: “Uống thuốc không có tác dụng, trĩ nhất định phải cắt bỏ đi”.

Khi đưa tôi trở về phòng khám ban đầu, một nhân viên nữ tiếp tục doạ: “Nếu bị trĩ nội không điều trị, càng ngày càng lở loét nhiều dẫn đến ung thư. Tới lúc đó chi phí phẫu thuật hết mười mấy, hai chục triệu đồng”.

 

Tôi nói thiếu tiền thì nhân viên này hỏi thiếu bao nhiêu để nói chuyện với viện trưởng cho nợ, rồi điện thoại nói một tràng tiếng Trung Quốc với ai đó và nói viện trưởng đồng ý cho nợ 3 triệu đồng.

Lắm chiêu moi tiền của phòng khám Trung Quốc
Người dân ngồi chờ khám bệnh tại phòng khám đa khoa Thế Giới (646-648 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5, TP.HCM) – Ảnh: Duyên Phan

“Được cải thiện hết”!

Trước đó ngày 13-3, trong vai bệnh nhân bị yếu sinh lý, tôi đến phòng khám đa khoa Elizabeth (87-89 Thành Thái, Q.10). Phòng khám nằm ngay mặt tiền đường, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, có máy lạnh mát rượi.

Vừa bước vào, chúng tôi đã được một nhân viên nữ niềm nở chạy ra đón. Chỉ năm phút sau, một nhân viên khác đến đưa tôi lên phòng khám tiết niệu ở tầng 2. Bác sĩ tên Gang được người phiên dịch giới thiệu là người Đài Loan khám cho tôi.

Trong khi ông Gang chưa nói gì thì người phiên dịch hỏi tôi vài câu qua loa rồi giải thích bệnh của tôi do tâm lý hoặc sinh lý. Sau đó tôi phải đóng 1,3 triệu đồng để xét nghiệm.

Nửa giờ sau có kết quả xét nghiệm. Ông Gang nhìn kết quả và chỉ nói một câu bằng tiếng Trung Quốc nhưng người phiên dịch “xổ” luôn một tràng rằng tình trạng xuất tinh sớm của tôi do bao quy đầu quá dài, vi khuẩn tích tụ lâu ngày dẫn đến viêm niệu đạo, ảnh hưởng tới tuyến tiền liệt, giảm ham muốn, nặng hơn là liệt dương nên phải điều trị sớm…

Thấy tôi tỏ vẻ chưa hiểu, người phiên dịch nói tiếp: “Niệu đạo dài tích tụ vi khuẩn phải điều trị trước rồi mới điều trị bằng thuốc. Dần dần xuất tinh sớm sẽ cải thiện…”.

Tôi hỏi cải thiện thế nào, người phiên dịch này nói: “Bác sĩ sẽ phẫu thuật rồi điều trị thuốc và xem tình trạng thế nào, nhưng đa số đều được cải thiện hết, anh yên tâm!”.

Để thuyết phục tôi phẫu thuật, người phiên dịch này liên tục yêu cầu tôi chọn phương án phẫu thuật cắt bao quy đầu, luôn né trả lời tôi về phương pháp cũng như chi phí điều trị tiếp theo mà cứ luôn miệng nói về đủ thứ biến chứng để tôi lo lắng, bỏ tiền ra phẫu thuật, đồng thời còn đưa các hình ảnh về bao quy đầu bình thường và bị dài để tiếp tục hù doạ.

Dù không bị bệnh nhưng nhìn những hình ảnh bộ phận sinh dục lở loét, tôi cũng thấy hoang mang, rợn người.

Chỉ phòng khám mới có thuốc

Cũng với bệnh yếu sinh lý, ngày 16-3 tôi đến phòng khám đa khoa Hồng Bàng (877-879 Hồng Bàng, Q.6) khám bệnh. Người khám cho chúng tôi cũng được người phiên dịch giới thiệu là bác sĩ người Đài Loan tên Lâm.

Sau khi khám qua quýt, ông Lâm kết luận tôi bị dài bao quy đầu phải cắt bỏ, sau đó mới uống thuốc cải thiện chức năng sinh lý.

Thấy chúng tôi ngơ ngác, người phiên dịch giải thích về các biến chứng của bệnh rồi nói như hù doạ: “Quy đầu dài ảnh hưởng chức năng sinh lý, dần dần gây viêm nhiễm tuyến tiền liệt”.

Khi chúng tôi xin được uống thuốc, ông Lâm bảo phải xét nghiệm máu, nước tiểu, soi tuyến tiền liệt, niệu đạo xem có bị viêm nhiễm mới biết bệnh để kê đơn.

Sau khi có kết quả, ông Lâm cho chúng tôi đơn thuốc uống hơn 200.000 đồng/ngày.

 

Người phiên dịch giải thích thuốc đắt là do loại thuốc đặc trị về chức năng sinh lý, các bệnh viện và nhà thuốc ngoài không có. Uống hết, bệnh nhân phải đến phòng khám lấy tiếp.

“Thuốc tự bào chế”

Trưa 29-3, trong vai người mắc bệnh viêm xoang, tôi đến phòng khám đông y Cộng Hòa (495 Cộng Hoà, Q.Tân Bình) khám bệnh. Một bác sĩ nói tiếng Trung Quốc tên Dương qua người phiên dịch nói tôi mắc bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài bệnh sẽ hết. Uống thuốc tây chỉ mang tính chất cầm, giảm đau, giảm viêm, khi không uống thuốc nữa sẽ tái đi tái lại.

Dù bác sĩ không nói gì nữa, nhưng người phiên dịch vẫn nói bệnh của tôi thường phải điều trị trong hai tháng. Sau khi uống thuốc một tháng bệnh sẽ giảm 50-80%. Hết thuốc, quay lại tái khám lấy thuốc uống tiếp một tháng sẽ điều trị dứt điểm. Nếu sợ tốn tiền và ngưng thuốc sẽ tái lại. Tiền thuốc điều trị một ngày là 400.000 đồng. Hai tháng 24 triệu đồng.

Thấy tôi nói giá thuốc mắc quá thì người phiên dịch thuyết phục: “Chữa hết bệnh này 200 triệu đồng cũng nên chữa. Tôi nói thiệt chị cứ đi khắp nơi, không bao giờ hết được bệnh này.

Thuốc ở đây là thuốc sắc và thuốc viên. Thuốc viên là bác sĩ này tự bào chế, bao nhiêu loại cỏ cây thiên nhiên nấu thành một viên thuốc. Ai cũng thắc mắc nó mắc nhưng vì đây là thuốc tự bào chế, chuyên để đối phó với bệnh của chị.

Nếu chị không điều trị thì sau này phải mổ, cạo mủ gớm lắm, tiền còn mất nhiều hơn, còn bị thẹo nữa”.

THUỲ DƯƠNG