‘Ôm hận’ vì chung cư cao cấp
Bỏ nhiều tỉ đồng mua căn hộ chung cư cao cấp nhưng nhiều người đang “ôm hận” vì không được bàn giao nhà hoặc được bàn giao nhà nhưng thiếu hầu hết các tiện ích như quảng cáo.
‘Ôm hận’ vì chung cư cao cấp
Khách hàng khốn khổ vì mua chung cư Usilk City – Ảnh: Lê Quân
Bỏ nhiều tỉ đồng mua căn hộ chung cư cao cấp nhưng nhiều người đang “ôm hận” vì không được bàn giao nhà hoặc được bàn giao nhà nhưng thiếu hầu hết các tiện ích như quảng cáo.
Thậm chí, có nơi thiếu cả những hạng mục tối thiểu để đảm bảo cho cuộc sống của cư dân.
Mất tiền, khốn đốn
Phản ánh đến Báo Thanh Niên, ông Đinh Văn Bản, Trưởng ban đại diện lâm thời cư dân dự án Hồ Gươm Plaza ở P.Mỗ Lao, Q.Hà Đông của chủ đầu tư (CĐT) Công ty CP may Hồ Gươm cho biết, dù cư dân đã ở gần kín hơn 1 năm nhưng các hạng mục tiện ích như hồ bơi, sân chơi, vườn hoa, phòng gym… trong quảng cáo ban đầu vẫn chưa được hoàn thiện. Thậm chí, hệ thống phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được kiểm tra nghiệm thu toàn bộ. Theo ông Bản, CĐT gần như bỏ qua các quy định của pháp luật về cấp phép an toàn cháy nổ, chứng nhận chịu lực, hồ sơ hoàn công… Nghiêm trọng hơn là CĐT tự ý tăng thêm 64 căn hộ ngoài số được duyệt thành tổng số căn hộ hiện nay là 563. Khi cư dân yêu cầu đối thoại thì họ viện đủ cớ trốn tránh.
|
Trước sự vô trách nhiệm của CĐT, cư dân đã nhiều lần tổ chức tập trung phản đối thì Công ty CP may Hồ Gươm cắt điện nước, dịch vụ thang máy để gây áp lực lại, đưa mâu thuẫn lên đỉnh điểm, cơ quan chức năng phải đứng ra xử lý. Ông Bản cho biết, UBND Q.Hà Đông đã có báo cáo đầy đủ sự việc lên Sở Xây dựng Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào rõ ràng dù sự việc đã kéo dài hơn nửa năm nay.
Một trong những dự án đình đám và nổi tiếng về độ “rùa” trong tiến độ là Usilk City của Công ty Sông Đà Thăng Long. Dự án này có quy mô 9,2 ha, vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng, nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu thuộc Q.Hà Đông, Hà Nội) với 13 toà nhà cao 27 – 50 tầng gồm 2.700 căn hộ. Khởi công từ quý 3/2008 nhưng đến nay, dự án này trở thành biểu tượng của sự bết bát thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội. Dự kiến của CĐT là các toà CT1-101, CT1-102, CT1-103 sẽ được bàn giao vào tháng 3.2012, các toà còn lại CT1-104, CT2-105, CT3-106, CT3-107, CT4-108 sẽ bàn giao vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, đến tận gần cuối năm 2015, khách hàng mới được bàn giao căn hộ trong tình trạng nhà thô, hạ tầng là con số 0.
Tháng 2 vừa qua, Hà Nội yêu cầu thanh tra toàn diện dự án Usilk City, sau đề xuất của Sở Xây dựng. Sau đó, CĐT tuyên bố đã có “đối tác chiến lược” là Công ty CP đầu tư Hải Phát nhận chuyển nhượng lại 2 toà CT2-105 và CT1-104 để tiếp tục hoàn thiện. Đây cũng là toà nhà duy nhất trong cụm dự án, tính đến thời điểm hiện tại đang triển khai xây dựng. CĐT mới của 2 toà này cam kết sẽ hoàn thiện công trình trong 25 tháng. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất của một số cư dân mua nhà tại đây, công trình hiện nay vẫn chưa thay đổi gì nhiều.
Những người mua nhà ở dự án Tricon Tower (H.Hoài Đức, Hà Nội), Megastar Vĩnh Hưng (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), dự án B5 Cầu Diễn (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội)… còn khốn khổ hơn. Dù bỏ ra hàng tỉ đồng nhưng hy vọng được nhận nhà với hàng trăm khách hàng này là vô vọng do CĐT ôm tiền bỏ trốn hoặc đang bị bắt.
Tại TP.HCM cũng xảy ra một loạt các dự án rơi vào tình trạng tương tự, như dự án Petrovietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) đã gần 5 năm nay chờ CĐT giao nhà trong vô vọng khi phần lớn khách hàng đã đóng hết tiền, có người đã đóng đến 102% giá trị căn hộ. Trong khi tại chung cư cao cấp 584 (Q.Tân Phú, TP.HCM), các cư dân ở đây lại bị CĐT hành cho “lên bờ xuống ruộng”. Chung cư xuống cấp trầm trọng, hệ thống chữa cháy đã tê liệt từ 31.3.2014, thang máy liên tục hư, phần diện tích chung bị CĐT chiếm làm của riêng và xây thêm căn hộ penthouse bán lấy tiền… Mới đây nhất, một thang máy tại chung cư này bị hư đã “nhốt” 16 người trong 30 phút. Rất may sự cố trên không có tổn thất về người. Đây là một trong số rất nhiều lần thang máy của chung cư này bị hư.
Mua nhà phải chọn chủ đầu tư
Theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thời gian qua thị trường BĐS trăm hoa đua nở, công ty nào chỉ cần có miếng đất là “nhảy” ra làm dự án rồi quảng cáo rùm beng, “dụ” khách hàng mua nhà. Để bán được hàng, CĐT tự phong cho mình là dự án cao cấp nhưng lấy hết tiền của khách hàng mà nhà xây mãi không xong. Có dự án giao nhà nhưng tiện ích không có gì, thậm chí không có đủ chỗ để xe ô tô, cư dân phải đem xe đi gửi một nơi xa lắc hoặc phải để xe ở ngoài đường. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều dự án cao cấp mới thấy trước khi chọn mua một dự án nào đó, khách hàng phải xem kỹ sơ yếu lý lịch của CĐT. Xem họ đã từng làm được dự án nào chưa và có dính scandal nào không. Nếu đã làm dự án thì nó hiện nay như thế nào. Chỉ cần thấy CĐT đàng hoàng, có năng lực và có dự án giao nhà đúng như cam kết thì hãy mua”, TS Tín khuyến cáo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đối với khách hàng đi mua nhà thì uy tín của CĐT là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, trước khi quyết định mua nhà tại dự án nào, khách hàng cần đi xem những dự án CĐT đã làm và nghe khách hàng cũ nói về CĐT này. Chắc chắn, nếu CĐT uy tín thì họ sẽ không bán rẻ thương hiệu bằng cách quảng cáo dự án bình dân thành cao cấp. “Nên chọn CĐT uy tín, chọn mặt gửi vàng để không mua phải những căn hộ tại dự án treo đầu dê, bán thịt chó, để tránh tình trạng tiền mất còn bực thì phải mang”, ông Châu khuyến cáo.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho biết ở nhiều nước có nền thị trường BĐS phát triển trước ta cả trăm năm đều quan niệm yếu tố quan trọng nhất là thương hiệu, uy tín của CĐT. Ông Thành khuyên:“Khách hàng trước khi xuống tiền mua nhà thường tìm hiểu rất kỹ về tiềm lực tài chính, các dự án trước của CĐT đó có tiến độ xây dựng, quản lý, vận hành, hậu mãi… ra sao. Còn ở ta, yếu tố trước nhất của người mua ở thực ra vẫn là giá, pháp lý, tiến độ, vị trí. Các yếu tố về kiến trúc, vật liệu xây dựng, nhà thầu, thương hiệu CĐT… xếp sau nên mới dẫn tới tình trạng nhiều dự án mua xong không có nhà hoặc giao nhà nhưng ở không được”. Ông Thành cho rằng, trong bối cảnh mới luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, việc mua bán nhà hình thành trong tương lai đã được đảm bảo an toàn hơn nhưng vẫn cần lưu ý nhất đến các yếu tố uy tín của CĐT, tiến độ dự án, vị trí dự án.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, luật Kinh doanh BĐS 2014 ra đời đã giúp kiểm soát việc mua bán nhà đất, chung cư chặt chẽ hơn. Trong đó, các quy định về dự án hình thành trong tương lai khi bán hàng phải có bảo lãnh của ngân hàng thương mại đủ năng lực; hay dự án trước khi mở bán phải có thông báo đến Sở Xây dựng của địa phương nơi đặt dự án và sở này thẩm tra, nếu đủ điều kiện mới được mở bán. Hiện nay Bộ cũng đang soạn thảo quy định phân hạng nhà chung cư, với những tiêu chí khắt khe. Khi quy định này được ban hành, doanh nghiệp không thể tự tiện “phong” hạng cho mình, từ đó khách hàng cũng có cơ sở để thẩm định, tránh bị lừa. |