25/12/2024

Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại người đổ xăng

Trong năm 2015, ít nhất hơn 3.500 tỉ đồng thu sai “chui” vào túi doanh nghiệp xăng dầu. Số tiền này cần phải được thu hồi trả lại người tiêu dùng.

 Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại người đổ xăng

 Số tiền thu sai từ xăng cần đưa vào quỹ bình ổn để trả lại người đổ xăng - Ảnh: D.Đ.M

Số tiền thu sai từ xăng cần đưa vào quỹ bình ổn để trả lại người đổ xăng – Ảnh: D.Đ.M

Trong năm 2015, ít nhất hơn 3.500 tỉ đồng thu sai “chui” vào túi doanh nghiệp xăng dầu. Số tiền này cần phải được thu hồi trả lại người tiêu dùng.

Theo cam kết hội nhập ASEAN, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ các nước ASEAN chỉ chịu 0 – 5% thuế. Song khi tính giá xăng bán ra thị trường, liên bộ Công thương – Tài chính năm qua vẫn giữ nguyên cách tính thuế cũ là từ 10 – 20%. Với cách tính này, trong năm 2015 ít nhất hơn 3.500 tỉ đồng chênh lệch “chui” vào túi doanh nghiệp.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015, số tiền phải hoàn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN) xăng lên trên 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền hoàn thuế này được xác định là từ túi người dân. Bởi tính từ tháng 5.2015, các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN và Hàn Quốc được áp mức thuế chỉ từ 5 – 10%. Tuy nhiên, theo Thông tư 78 của liên bộ Công thương – Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế xuất nhập khẩu 20% đối với xăng và 10% đối với dầu, chênh lệch lần lượt 5 – 10% giữa thuế đầu vào và đầu ra, tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng. Số tiền này được các DN xăng dầu hưởng suốt từ tháng 5.2015 đến nay.

Không được “đánh bùn sang ao”

 
 

Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại người đổ xăng - ảnh 1

Áp thuế sai có nhiều nguyên nhân, một là do tắc trách, quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng; hai là vì mục tiêu của nhóm lợi ích. Chỉ có hai nguyên nhân này mà thôi. Nhưng cho dù sai ở đâu cũng cần phải phải được điều tra làm rõ. Gây hậu quả thì phải bị xử lý nghiêm, có biện pháp chế tài, chứ không thể sai rồi rút kinh nghiệm…

Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại người đổ xăng - ảnh 2

 

TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế

 

Ngay sau khi sự việc được phát hiện, hầu hết ý kiến đều thống nhất phải trả số tiền đó về cho người tiêu dùng. Nhưng trả bằng cách nào lại đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, lấy lại tiền trả cho người mua, trả bằng cách giảm tiếp giá xăng hoặc để DN đầu mối giữ đến khi xăng tăng giá thì DN không được tăng giá bán…

Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, không thể lấy tiền trả lại cho những người đã mua hàng vì việc xác định rất khó do có hàng triệu người mua, nên xử lý bằng cách này là không khả thi. Mặc dù vậy ông Long khẳng định, phải truy thu và khả năng truy thu là được. “Ai làm sai thì phải có trách nhiệm thu hồi. Việc áp thuế xăng dầu rõ ràng đã sai. Vậy thì lỗi của ai? Bộ Công thương đổ cho Bộ Tài chính, vì chức năng quản lý nhà nước về giá là của Bộ Tài chính. Nhưng Bộ Công thương không đọc kỹ Nghị định 83 đã quy định rất rõ giao cho Bộ Công thương chủ trì, nên đổ lỗi cho Bộ Tài chính là không đúng. Còn Bộ Tài chính nói phải có độ trễ cũng không đúng nốt. Vì khi đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do đã tính toán rất kỹ, thời điểm thực thi các hiệp định có thời gian, lộ trình cụ thể. Giờ các bên đừng đổ lỗi cho nhau nữa, phải bàn biện pháp xử lý”, ông Long phân tích.

PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) cũng cho rằng, việc trả lại tiền thu sai của người dân là điều tất yếu, chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, sẽ là rất khó nếu bảo đưa tiền đó trả lại cho dân. Đưa thế nào, bằng cách nào, chẳng nhẽ thu lại để vào ngân sách nhà nước? Vậy thì không được, bởi hiện chúng ta chưa có cơ sở pháp lý cho việc thu lại này. Hơn nữa đây là tiền của người dân nên cách nào thì cũng phải trả lại cho người dân.

Trước những ý kiến cho rằng nên để DN giữ lại khoản chênh lệch này, không thu hồi lại, TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thương mại phản đối vì như vậy chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”. Kể cả với phương án bổ sung vào ngân sách nhà nước theo ông Xuân cũng không hợp lý. “Dù ngân sách có khó khăn mấy chăng nữa cũng không được. Thu sai thì phải trả, chứ đưa vào ngân sách sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin”, ông Xuân nhấn mạnh.

Tắc trách hay lợi ích nhóm ?

 
 

Ngay sau khi phát hiện ra sự cố, ngày 18.3 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%, dầu diesel chỉ giảm từ 10% xuống 7%, dầu hỏa giảm từ 13% xuống 7%. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, những sửa đổi này vẫn chưa đúng mức giảm đã được cam kết giữa VN và ASEAN. Cụ thể, năm 2015 thuế nhập khẩu dầu từ các nước ASEAN vào VN xuống 5%, từ 1.1.2016 là 0%. DN nhập khẩu dầu không mất thuế, nhưng đến tay người tiêu dùng theo quy định mới này vẫn phải đóng 7%. Chưa hết, từ đầu năm nay, thuế nhập xăng từ Hàn Quốc cũng về 10%, trong khi thuế tính giá cơ sở vẫn giữ nguyên 20%.

 

Mới đây, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ, đề nghị nhà nước cần đưa khoản tiền chênh lệch mà DN được hưởng suốt thời gian qua vào quỹ bình ổn để sử dụng khi giá xăng dầu tăng cao. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của hầu hết các chuyên gia, người dân về tính khả thi và hợp lý trong việc thực hiện.

Theo TS Ngô Trí Long, việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai, người mua là đối tượng chịu thiệt nhất nên phải trả lại cho họ. Các DN xăng dầu có lợi nhuận từ việc áp thuế sai này đã nộp thuế thu nhập DN vào ngân sách nhà nước, vậy ngân sách phải hoàn lại. Các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng phải trả lại. “Tôi cho rằng, đưa khoản tiền này về quỹ bình ổn là chuẩn xác nhất. Thực tế, trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có rủi ro nên mới lập quỹ bình ổn. Lâu nay quỹ này lấy tiền trước của người tiêu dùng, một người mua 1 lít xăng phải ứng trước 300 đồng, có thời kỳ là 500 đồng. Cho nên, việc đưa số tiền chênh lệch do thu sai vào quỹ bình ổn để tạo nguồn cho quỹ, khi tình hình giá thế giới biến động mạnh sẽ dùng tiền đó xả ra tránh việc tăng giá lên người tiêu dùng”.

PGS-TS Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng: “Liên bộ đã nhận sai rồi, cũng đã trình Chính phủ duyệt phương án tính thuế mới. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, bởi phương án tính giá mới phục vụ cho chuyện tương lai, còn chuyện quá khứ làm sai nên tìm cách khắc phục mới hợp lòng dân. Cụ thể, để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý cần đưa ra quyết định thu hồi tiền hoàn thuế sai này. Việc thu hồi tiền chi trả sai nếu có cơ sở vẫn thuyết phục, rồi đưa số tiền đó vào quỹ bình ổn để sử dụng sau này. Về lâu dài, liên bộ cần rà soát hết các văn bản quy phạm liên quan đến điều hành giá xăng dầu, thấy có những quy định nào đã lỗi thời, lạc hậu không phù hợp với tình hình thương mại tự do mà VN đã ký kết với các nước, đặc biệt với những quốc gia VN đang nhập khẩu xăng dầu. Qua đó, đưa ra những đề xuất thay đổi phù hợp”.

Ông Ngô Trí Long bổ sung: Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ quy định rất rõ, Bộ Công thương chủ trì điều hành, phối hợp với Bộ Tài chính nhưng khi không có sự thống nhất thì Bộ Công thương quyết định. Nếu vượt quá thẩm quyền sẽ trình Chính phủ. Tất cả đã rõ vì vậy không thể đổ lỗi cho nhau được. “Áp thuế sai có nhiều nguyên nhân, một là do tắc trách, quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng; hai là vì mục tiêu của nhóm lợi ích. Chỉ có hai nguyên nhân này mà thôi. Nhưng cho dù sai ở đâu cũng cần phải được điều tra làm rõ. Gây hậu quả thì phải bị xử lý nghiêm, có biện pháp chế tài, chứ không thể sai rồi rút kinh nghiệm, phải có biện pháp chế tài”, ông Long nói.