Người bệnh cần được giải thích về bệnh
Khi đi khám bệnh, ai cũng muốn bác sĩ tư vấn, giải thích đầy đủ về bệnh tật của mình, nhưng thực tế không phải lúc nào người bệnh cũng được hài lòng, thậm chí có khi thấy ức chế!
Người bệnh cần được giải thích về bệnh
Khi đi khám bệnh, ai cũng muốn bác sĩ tư vấn, giải thích đầy đủ về bệnh tật của mình, nhưng thực tế không phải lúc nào người bệnh cũng được hài lòng, thậm chí có khi thấy ức chế!
Người dân chờ đợi khám bệnh tại một bệnh viện ở Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tại sao bệnh nhân ít được tư vấn đầy đủ? Chúng tôi thấy có một số lý do:
1. Bệnh nhân sợ thầy thuốc
Chị Nguyễn Thị B, ẵm con trai 3 tuổi bị ho ba ngày nay, thở khò khè đến khám bệnh tại bệnh viện. Bác sĩ khám rồi cho giấy đi làm xét nghiệm máu. Chị B. cầm tờ giấy ra đưa cho chồng, chồng hỏi: “Bị ho tại sao làm xét nghiệm máu, nó đâu có sốt đâu?”. Chị B nói không biết, bác sĩ biểu thử thì thử.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, chị B đưa cho bác sĩ xem và nghe lời dặn của chồng nên hỏi: “Xét nghiệm bé có sao không bác sĩ, tại sao ho mà phải làm xét nghiệm vậy bác sĩ?“. Bác sĩ cười giải thích “phải làm xét nghiệm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng rồi cho thuốc mới chính xác, qua xét nghiệm bé chỉ viêm họng do siêu vi trùng, chị cầm toa thuốc này về cho con uống vài hôm sẽ khỏi”. Chị B vui vẻ ra về và mừng trong bụng “vì gặp được ông bác sĩ mới nhìn thấy tưởng là khó tánh ai dè tử tế”.
Một số người bệnh ít khi hỏi cặn kẽ bệnh tình của mình với bác sĩ vì họ sợ đủ thứ, sợ bác sĩ khó chịu, sợ làm mất thời gian của bác sĩ, họ không dám hỏi bác sĩ, cứ để bác sĩ nói sao nghe vậy, nhiều khi nghe không hiểu cũng gật đầu cho qua, thậm chí khi bác sĩ hỏi người bệnh có ý kiến gì không, người bệnh cũng không biết nói gì! Trong khi đó, bệnh nhân khai càng đầy đủ thì việc chẩn đoán bệnh càng chính xác.
2. Bác sĩ có quá nhiều công việc không đủ thời gian tư vấn cho người bệnh
Một số phòng khám ở bệnh viện bệnh rất đông, nên bác sĩ dù muốn giải thích cho người bệnh cũng không đủ thời gian. Các thầy thuốc chúng tôi khắc phục bằng cách vừa ghi toa, vừa giải thích cho người bệnh.
Và có đôi lúc bác sĩ không thể giải thích thêm cho người bệnh vì lý do rất đặc biệt như lần tôi được chứng kiến về ca chữa bệnh của một đồng nghiệp. Một bệnh nhân bệnh sốt xuất rất nặng, tình trạng của bé mỗi ngày một nặng hơn, nên các bác sĩ quyết định mời bác sĩ có kinh nghiệm tuyến trên về hội chẩn trực tiếp điều trị cho bé.
Gia đình bé rất lo lắng, nhất là người cha của bé, cứ đi đi lại lại trước cửa phòng cấp cứu. Một lúc sau xe rước bác sĩ tuyến trên về tới, ông ấy đi thẳng vào phòng cấp cứu, đến bên giường bệnh nhi khẩn trương khám cho bé hỏi kíp trực một số vấn đề. Người cha bệnh nhân thấp thỏm hé cửa nhìn vào, thấy nhân viên y tế đang hết sức khẩn trương làm việc.
Chừng một giờ sau, ông bác sĩ đó bước ra, người cha bệnh nhi chặn ông lại ở cửa, hỏi con mình có sao không. Vị bác sĩ vừa lau mồ hôi và nói người cha cứ hỏi các bác sĩ ở đây, rồi ông liêu xiêu bước chậm rãi xe chờ sẵn. Người cha của bệnh nhi vừa lo vừa tức trong bụng.
Lát sau, bác sĩ trực mời gia đình của bé vào thông báo bé đã qua cơn nguy hiểm, có thể vài ngày nữa thì ổn định. Không giấu được niềm vui, nhưng cha của bệnh nhi vẫn nói cho bác sĩ trực nghe cái ấm ức trong bụng: “Tui thấy cái ông bác sĩ đó thật là khinh người, tui hỏi mà ông ấy chẳng giải thích gì”.
Bác sĩ trực nhìn ông thông cảm: “Xin anh đừng vội trách bác sĩ ấy làm gì. Ông ấy đang bệnh mà ngày mai ông ấy phải phẫu thuật. Lẽ ra chúng tôi không nên yêu cầu ông bác sĩ ấy xuống, nhưng ông ấy tự nguyện xuống giúp chúng tôi”.
3. Người bệnh cần sự an tâm
Trong khi đó, sự giải thích cặn kẽ của bác sĩ sẽ làm gia đình người bệnh và cả người bệnh thấy an tâm. Giải thích tình trạng sức khỏe cho người bệnh là một nhiệm vụ quan trọng của người thầy thuốc, giúp người bệnh hiểu bệnh của mình và cùng tham gia với thầy thuốc trong quá trình điều trị.
Người bệnh được bác sĩ cho biết các biến chứng và tai biến có thể xảy ra trong quá trình điều trị, người bệnh có quyền quyết định lựa chọn phương pháp điều trị, chấp nhận hay không chấp nhận điều trị, từ đó sẽ giảm các trường hợp khiếu kiện khi xảy ra sự cố y khoa.
Việc giải thích tình trạng sức khoẻ cho người bệnh không những là trách nhiệm của thầy thuốc mà còn là quyền lợi chính đáng của người bệnh.