28/12/2024

Có nên thử lòng người khác?

Rất nhiều ý kiến trái chiều về những đoạn phim thử nghiệm xã hội xuất hiện trên mạng thời gian qua.

 

Có nên thử lòng người khác

 

Rất nhiều ý kiến trái chiều về những đoạn phim thử nghiệm xã hội xuất hiện trên mạng thời gian qua.


Có nên thử lòng người khác? - ảnh 1

Có nên thử lòng người khác? - ảnh 2

Đoạn phim thử lòng cụ già nhặt rác thu hút sự chú ý của dân mạng – Ảnh: chụp từ đoạn phim

Suốt thời gian qua có rất nhiều đoạn phim thử nghiệm xã hội của cả thành viên trong và ngoài nước. Có thể kể như: Đóng giả ăn cướp thử lòng người vô cảm, Giả đau tim thử lòng người vô cảm, Treo tiền trên áo để “đo” lòng tham con người, Thử lòng tốt khi đánh rơi ví 40 lần tại Đà Nẵng, Hội An, Chàng trai thử lòng tốt bác sửa xe… Tất cả đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng. Tuy nhiên, đến thời điểm đoạn phim đánh rơi tiền thử lòng cụ già nhặt rác xuất hiện thì dân mạng mới đặt câu hỏi: Liệu có nên thực hiện những đoạn phim thử nghiệm xã hội như thế? Và vấn đề này thu hút những quan điểm trái chiều.
 

“Muốn truyền tải thông điệp nhân văn”

Đoạn phim đánh rơi tiền thử lòng cụ già nhặt rác được một nhóm bạn trẻ thực hiện. Theo đó, họ giả vờ làm rớt ví trước khu vực một cụ bà nhặt rác mưu sinh. Nhiều ý kiến dự đoán với cuộc sống khó khăn, cụ bà sẽ giữ lấy ví. Tuy nhiên, cụ đã ngồi lại bên đường với hy vọng người làm rơi sẽ quay lại tìm. Nửa tiếng sau không thấy ai quay lại, cụ đã đem ví đến một đồn công an ở H.Tiền Hải (Thái Bình), nhưng không biết cách trình báo. Khi quay ra đường, cụ gặp được chủ nhân chiếc ví và trả lại ví.
Ngay sau khi đăng tải lên mạng xã hội, đoạn phim đã thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận và được dân mạng chia sẻ khắp các diễn đàn. Nhiều thành viên cho rằng: “Thật cảm kích tấm lòng của cụ bà. Dù nghèo về vật chất nhưng cụ giàu ở lòng tốt”. Tương tự, thành viên Quang Anh bình luận: “Không phải ai cũng có hành động như vậy. Chắc hẳn nhiều người khi nhặt được ví rơi sẽ lấy làm của riêng. Nhưng bà là mẫu người “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Thật đáng trân trọng. Câu chuyện của bà làm lan toả những giá trị lương thiện, lòng tốt của con người”.
Rất nhiều ý kiến của dân mạng đã cảm ơn nhóm thực hiện đoạn phim thử nghiệm xã hội này, vì chuyển tải được thông điệp ý nghĩa, đồng thời đề cao phẩm chất của người nghèo và nâng cao giá trị nhận thức của mọi người. Nguyễn Thành Nam (22 tuổi, ở Thái Bình), người thực hiện đoạn phim, cho biết: “Mình làm đoạn phim với mục đích chia sẻ lòng thương người. Mong mọi người nhìn cuộc sống theo chiều hướng tích cực, nhân văn”.
Thành viên Lê Hằng cho rằng cần có nhiều hơn những đoạn phim như vậy. “Bởi những máy quay phim đã được giấu kín, bí mật quay nên sẽ ghi lại những gì chân thực nhất. Qua đó, lột tả và phản ánh chính xác các vấn đề xã hội”, Lê Hằng phân tích. Tương tự, My Trần thì viết: “Những đoạn phim như thế này thật ý nghĩa, vì giúp hiểu hơn cuộc sống hiện tại. Cũng từ đây có thể thay đổi những suy nghĩ chưa đúng, cảm hoá được những điều chưa tốt của người khác, góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”.
 

Coi chừng xúc phạm người khác

Thế nhưng, phần lớn ý kiến đều cho rằng không nên thực hiện những đoạn phim thử nghiệm xã hội. “Như việc “đem” cụ bà nhặt rác để làm thử nghiệm là hoàn toàn sai. Trong đoạn phim, do cụ bà đã trả lại ví nên mọi người ca tụng, tán dương. Thế lỡ như cụ hành động ngược lại, phải chăng mọi người sẽ ùa vào nhận xét bà là người không tốt? Những gì trong phim không thể nào thể hiện đúng cuộc sống”, một thành viên bình luận.
Tương tự, thành viên Hải Lê viết: “Việc thử lòng người khác là điều không nên làm, vì xét về mặt pháp lý, đó là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác”. Hay thành viên Manh Hai Hoang cho rằng: “Thử lòng, nói chung, là một việc làm thiếu tôn trọng người khác, bất kể kết quả như thế nào thì đó cũng là hạ sách”. Rất nhiều ý kiến hy vọng sẽ không còn những đoạn phim thử nghiệm xã hội tương tự xuất hiện trên mạng nữa, bởi không những không đem lại ý nghĩa gì mà còn vô tình xúc phạm người khác.
Chia sẻ với PV Thanh Niên về câu chuyện này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói: “Việc tìm hiểu thực tế xã hội khác với việc đem con người ra làm thí nghiệm. Những đoạn phim thử nghiệm xã hội ấy có thể làm người trong cuộc bị căng thẳng, stress và thậm chí khủng hoảng. Con người cần nhất là sự cân bằng, vì thế đừng đem nhân cách hay phẩm giá con người để thử nghiệm như thế. Chưa kể có những đoạn phim đưa ra các tình huống chưa thật cân nhắc, khiến những người bị quay phim dễ bị tổn thương. Hơn nữa, xét dưới góc độ luật pháp, việc thử nghiệm xã hội như thế là phạm luật, vì nó có phần xúc phạm con người và vi phạm quyền giữ gìn bí mật của cá nhân”.
 

Bình luận:

 

* “Chúng ta có vô số cách để tìm hiểu thực tế xã hội như khảo sát, nghiên cứu… Nhưng đừng bao giờ quay phim như thế”.(Xuân Trang/Facebook)

 

* “Thấy tội những người bị quay phim. Làm như thế không tốt xíu nào”. (Đỗ Quân/Facebook)

 

* “Là trò đùa quái ác chứ không phải là thử nghiệm xã hội gì cả. Không thích những đoạn phim như thế”. (Lan Phuong Tran/Facebook)

 

* “Chỉ là những đoạn phim câu like và câu view chứ không thể thay đổi cuộc sống được”. (Nghĩa Tần/Facebook)

 

Xuân Phương