Người mẹ bị trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội
Nữ y tá trao nhầm con cho một bà mẹ, để rồi trong suốt 42 năm qua, người mẹ nuôi cô con gái được trao nhầm với câu hỏi luôn đau đáu “vậy con gái đẻ của tôi đang nơi đâu?”
Người mẹ bị trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội
Nữ y tá trao nhầm con cho một bà mẹ, để rồi trong suốt 42 năm qua, người mẹ nuôi cô con gái được trao nhầm với câu hỏi luôn đau đáu “vậy con gái đẻ của tôi đang nơi đâu?”
Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 64 tuổi, trú ở số 75 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cô con gái mà bà Hạnh được nữ y tá trao nhầm 42 năm trước là Tạ Thị Thu Trang, trú ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa. Câu chuyện có lẽ sẽ mãi mãi bị rơi vào dĩ vãng, cho đến khi cách đây ít hôm, bà Hạnh quyết định nhờ cháu ngoại đưa lên mạng xã hội với hi vọng tìm được người con đẻ bao năm thất lạc.
VIDEO: Người mẹ và cô con gái bị y tá trao nhầm suốt 42 năm
|
“Con tôi mang số 33”
Chiều 8.3, chúng tôi có mặt ở căn nhà số 75 Quán Thánh. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh đang ở nước Anh thăm con gái út. Nói chuyện qua internet với chúng tôi, bà khóc nức nở.
“Đó là 14 giờ 30 phút chiều ngày 10.10.1974, tôi trở dạ và sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình, nằm ở ngõ Hàng Bún, phố Phan Huy Ích. Vì tôi ít sữa nên chưa được bế con ngay, phải nửa ngày sau tôi mới được ôm con lần đầu. Các cháu bé đều được đánh một số cùng số với người mẹ. Tôi mang số 33, nhưng khi cô y tá bế con và đưa cho tôi, đó là một đứa trẻ mang số 32 ở chân. Tôi không nhận con và nói ngay với cô y tá, “Không cô ơi, đây không phải là con tôi. Con tôi mang số 33”. Nữ y tá nói chắc là do khi tắm, số 33 bị nhoè nên nhìn giống 32 thôi”, bà Hạnh kể lại.
Bà Hạnh bế con trong thấp thỏm, linh cảm người mẹ nói với bà rằng, đứa con bà đang ở nơi khác. “Tôi nhất định bảo y tá phải tìm lại cho tôi đứa bé có số 33. Nhưng họ nói cả nhà hộ sinh không còn đứa trẻ nào khác, đây là đứa bé cuối cùng. Họ một mực trấn an tôi, là đây chính là con tôi. Tôi bế đứa bé về, nhưng trong tim mình, tôi biết rằng họ đã nhầm rồi”, bà Hạnh buồn bã.
Bà Hạnh khóc và kể với chồng câu chuyện và khẳng định, họ đã trao nhầm con cho vợ chồng bà. 3 ngày sau, vợ chồng bà Hạnh bế em bé (khi đó đã được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang) trở lại nhà hộ sinh quận Ba Đình để nhờ các y bác sĩ tìm lại cho mình đứa trẻ số 33, nhưng không ai tìm được. Hai vợ chồng bà lủi thủi bế con về, chấp nhận một sự nhầm lẫn trớ trêu của số phận.
“Trang càng lớn càng khác tất cả các anh em trong gia đình. Khuôn mặt, tính cách. Đặc biệt, ngay từ hôm tôi bế Trang từ bệnh viện vào nhà, Trang khóc rất lớn. Trang cứ thế khóc rà rã 3 năm trời, đang ăn cũng khóc, đang ngủ cũng khóc”, bà Hạnh kể lại.
Trang mỗi ngày lớn lên, cuộc sống của bà Hạnh cũng chìm trong đau khổ và nước mắt, khi đối diện với sự nghi ngờ của nhà chồng và nhiều người hàng xóm. Họ gièm pha, rằng Trang là kết quả của việc bà Hạnh “ngoại tình”. Bà Hạnh nuốt nước mắt vào trong, tình yêu thương với Trang mỗi ngày nhiều hơn tình yêu bà dành cho 3 người con còn lại trong nhà.
Ngày Trang còn bé, mỗi chiều đứng đợi con trước cổng trường, bà tha thẩn nhìn theo những em bé bà linh cảm sẽ là con gái ruột mình. Năm Trang ngoài 20 tuổi, có lần, bà Hạnh cứ gặng hỏi một cô gái trên phố Quán Thánh, “cháu có sinh ngày 10.10.1974 không, nơi cháu sinh là nhà hộ sinh Ba Đình phải không?”, rồi thấy cô gái lắc đầu, nước mắt bà tuôn rơi.
Chồng bà, ông Tạ Văn Thân luôn khuyên bà quên đi câu chuyện năm xưa, hãy tin rằng đó là con gái của mình, vì cuộc sống đang rất tốt đẹp, cả 4 người con của hai ông bà đều hết mực yêu thương nhau, chúng đều khỏe mạnh, giỏi giang.
“Con gái đẻ của tôi nơi đâu?”
Ông Tạ Văn Thân qua đời 12 năm trước. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh đã bước sang tuổi 64, sức khoẻ của bà yếu đi. Luôn có một nỗi day dứt trong lòng người mẹ, bà Hạnh đã quyết định giấu cả nhà đi giám định ADN củaTrang. Đó là hồi tháng 10.2015.
“Tôi ngồi ngoài cửa phòng chờ lấy kết quả mà thấp thỏm, tôi cầu trời khấn phật rằng Trang là con đẻ của tôi, người nhầm lẫn là tôi. Thế nhưng, cửa phòng mở, tờ giấy cho tôi một kết quả phũ phàng, Trang không phải con tôi. Tôi gục ngã ngay lúc đó”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh oà khóc.
Bà Hạnh quyết định kể sự thật cho Trang vào đúng ngày sinh nhật của chị, ngày 10.10.2015. Bà thương Trang, và thương cho chính đứa con mình đẻ ra, bây giờ con đang nơi đâu? Còn Trang, chị sốc nặng, chị khóc 3 ngày trời, mắt lúc nào cũng sưng mọng nước.
Chiều 8.3, trong một căn phòng rất nhỏ khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, trò chuyện với chúng tôi, chị Trang ôm cô con gái nhỏ 9 tuổi khóc rưng rức: “Ngày nhỏ, tôi bị các bạn trêu, tôi không phải con mẹ, tôi bị đưa nhầm ở bệnh viện, tôi không tin và còn cãi nhau với các bạn. Bố mẹ và các anh chị em trong nhà ai cũng thương yêu tôi nhất nhà, có trong tưởng tượng, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tôi không phải là con ruột của bố mẹ”.
Chị Trang cho hay, suốt 5 tháng qua, nhiều đêm chị tủi thân, nước mắt trào ra. Chị nghĩ, tại sao tất cả mọi người đều biết được nguồn gốc của mình, còn chị, chị là ai? Bố mẹ thật sự của chị đang nơi đâu, còn sống hay đã mất? Chị thương mẹ Hạnh, người đã vì chị mà chịu bao vất vả 42 năm qua. Chị muốn tìm lại bố mẹchị, để tri ân người đã sinh ra chị trên cõi đời này, để biết chị đã đến từ đâu, chứ không phải để bỏ mẹ Hạnh.
“Tôi muốn đi tìm bố mẹ đẻ mình, tìm con đẻ của mẹ Hạnh cho mẹ mà không biết tìm ở đâu, tìm như thế nào, chỉ mong bạn đọc, có ai biết manh mối gì, có thể thông tin cho tôi được hay. Tôi hiểu mẹ đã rất khổ tâm 42 năm qua, tôi may mắn được bố mẹ yêu thương, nuôi dạy nên người. Có được chọn ở kiếp sau, tôi vẫn muốn được làm con của mẹ Hạnh”, chị Trang nức nở.
Mong manh những hi vọng
Suốt 5 tháng qua, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và các con trong gia đình tìm đủ cách để tìm kiếm người nhà thất lạc nhưng vô vọng. Họ đã đến nhà hộ sinh quận Ba Đình (bây giờ chuyển về số 12 Lê Trực) nhưng nhân viên đều nói sổ sách đã thất lạc. Họ đăng tin tìm kiếm người thân trên một số báo, chưa thấy hồi âm.
Chiều 8.3, chị Thị Tạ Thị Thu Vân, con gái lớn của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, sau những thông tin đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua, Công an thành phố Hà Nội đang vào cuộc giúp tìm kiếm những trường hợp có ngày sinh 10.10.1974 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình, Hà Nội 42 năm trước.
“Chúng tôi đang hi vọng, sẽ sớm tìm được cha mẹ đẻ cho Trang và người em gái ruột của tôi. Nhưng, dù kết quả có như thế nào, với tất cả chúng tôi, Trang vẫn là cô em gái mà gia đình luôn yêu thương, hơn 40 năm qua vẫn thế, và bây giờ về sau cũng không đổi khác”, chị Vân xúc động.
|
Thuý Hằng