Tàu hải cảnh Trung Quốc “phá hết, cướp hết!”
Vừa trở về từ chuyến biển “ám ảnh” khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc vây áp, cướp phá ở vùng biển Hoàng Sa, các thành viên tàu cá QNa-91939 đều chua xót và phẫn nộ: họ quá tàn nhẫn!
Tàu hải cảnh Trung Quốc “phá hết, cướp hết!”
“Tay họ cầm roi điện, dùi cui trông rất hung tợn. Họ lùa anh em trong tàu đến trước mũi tàu (…). Đi tới mũi tàu chậm, một người bị họ xô té. Họ lấy hết lương thực trên tàu không chừa lại gì…”.
Lưới đánh cá trên tàu bị tàu hải cảnh Trung Quốc cắt nát tương – Ảnh: LÊ TRUNG |
Vừa trở về từ chuyến biển “ám ảnh” khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc vây áp, cướp phá ở vùng biển Hoàng Sa, các thành viên tàu cá QNa-91939 đều chua xót và phẫn nộ: họ quá tàn nhẫn!
Rạng sáng 8-3, tàu cá của ngư dân Võ Quang Thái (trú thôn 1, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã cập cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang). Các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, kiểm kê thiệt hại ban đầu trên tàu cá gặp nạn.
Phá ngư cụ, cướp hải sản
Trước đó, lúc 12g30 ngày 6-3, tàu cá QNa-91.939 của ông Võ Quang Thái (trú thôn 1, xã Tam Quang) làm chủ hành nghề lưới vây với 10 thuyền viên trên tàu, đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 cập mạn, khống chế.
Mười một người trên tàu hải cảnh Trung Quốc tràn qua tàu ông Thái lấy đi lương thực, thực phẩm, gần 1 tấn cá bắt được, dầu, lấy và phá sạch ngư lưới cụ, phá luôn 2 thúng chai thả xuống biển.
Ông Thái kể anh em trên tàu đang chuẩn bị đánh bắt thì bị hai chiếc tàu Trung Quốc vây áp. Một chiếc tàu hải cảnh mang số hiệu 46101 áp sát, thả một chiếc xuồng máy cùng 11 người áp sát, leo lên tàu ông.
“Trên tay họ cầm roi điện, dùi cui trông rất hung tợn. Họ lùa anh em trong tàu đến trước mũi tàu, một người nói tiếng Việt Nam bảo ”chúng tôi là tàu cảnh sát biển Trung Quốc, đề nghị tàu của các anh không qua lại vùng biển này, vùng biển này là của Trung Quốc” – ông Thái kể.
Tàu Trung Quốc bảo bốn người ở lại canh giữ, còn bảy người đi xuống khoang tàu lấy hết gần 1 tấn cá tàu ông Thái bắt được. Sau đó, những người này còn leo lên khoang tàu cắt rách lưới, phá ngư cụ, đâm thủng các thúng chai vứt xuống biển, phá hỏng máy Icom, thu giữ bộ đàm để tàu không liên lạc được với đất liền.
“Họ còn lập biên bản bằng chữ Trung Quốc bảo tôi ký, lấy một tờ giấy viết tàu tôi phải quay trở vào đất liền. Nếu chạy ra nữa sẽ đâm chìm. Sau đó họ chụp ảnh, quay phim lại và lấy sạch toàn bộ lương thực, thực phẩm trên tàu rồi bỏ đi” – ông Thái kể thêm.
Tất cả hải sản đánh bắt được đều bị tàu Trung Quốc cướp hết – Ảnh: LÊ TRUNG |
Thuyền viên Lê Duy Tài (52 tuổi), kể lại: “Họ hung hãn lắm, họ có vũ khí trên tay nên anh em bọn tui không dám chống cự lại. Do đi tới mũi tàu chậm, một người trong chúng tôi bị họ xô té bị thương. Họ lấy hết thực phẩm, lương thực trên tàu không chừa lại gì, anh em phải nhịn đói hơn một ngày”.
Tiền đâu ra biển lại?
Theo đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, qua thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy tàu của ông Võ Quang Thái bị hư hỏng 17 tay lưới, 1 bộ đàm, máy dò, máy icom, thúng câu và toàn bộ hải sản đánh bắt được, lương thực bị cướp với tổng thiệt hại gần 290 triệu đồng.
Trung tá Dương Công Long – đồn phó đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà – cho biết sau khi nhận thông tin báo về, đồn đã hướng dẫn tàu ông Thái cập bến an toàn. Sau đó kiểm tra, xác minh có đúng là tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân không.
“Sau khi xác minh đúng là những gì ngư dân trình báo vì có nhiều tàu khác bị tấn công chứ không riêng tàu mình. Chúng tôi đã vận động ngư dân khắc phục hư hỏng, tiếp tục ra khơi bám biển, vận động các cấp hỗ trợ” – trung tá Long cho biết.
Chính quyền địa phương thăm hỏi, hỗ trợ ban đầu cho tàu cá bị nạn - Ảnh: LÊ TRUNG |
Ngồi trên khoang tàu sau chuyến đi biển ám ảnh của tàu chồng, bà Đặng Thị Mỹ Nhân (vợ thuyền trưởng Thái), mắt đỏ hoe. Chị đã khóc từ hai ngày trước, khi nhận tin tàu chồng bị tàu Trung Quốc cướp phá.
“Ở nhà cứ lo, khóc, ngủ không được, nhưng chồng vẫn động viên là còn người là còn của. Biết là vậy nhưng tất cả tài sản đã đổ hết vào con tàu. Sổ đỏ, giấy tờ đất nhà cũng đem đi cầm cố vay ngân hàng, giờ không biết xoay xở tiền ở đâu để khắc phục cho tàu ra biển được. Bọn chúng thật tàn nhẫn” – bà rơm rớm nước mắt nói.
Còn ông Thái cho biết sau khi khắc phục tàu, ông sẽ cùng với các thuyền viên ra khơi lại.
Hiện chính quyền địa phương xã Tam Quang, huyện Núi Thành và Hội nghề cá Quảng Nam đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ban đầu cho tàu cá của ông Thái.
Ông Nguyễn Tin – bí thư Đảng uỷ xã Tam Quang – cho biết chính quyền địa phương đã động viên, thăm hỏi ngư dân. Ngoài ra sẽ kiểm kê tình hình thiệt hại, báo cáo cấp trên và cơ quan chức năng tìm giải pháp hỗ trợ cho ngư dân.
Huy động 4 tàu cá tìm kiếm 5 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm ở Hoàng Sa Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 19g ngày 8-3 bốn tàu cá của Khánh Hoà đã tới hiện trường tìm kiếm 5 ngư dân của tàu cá KH 96640TS bị một chưa rõ nguồn gốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa vào trưa 8-3. Trước đó vào 9g40 ngày 8-3, tại vị trí cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 41 hải lý, tàu cá KH 96640 TS của Khánh Hoà cùng 5 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm. Thuyền trưởng đã đề nghị cứu nạn khẩn cấp trước khi cùng 4 thuyền viên rời tàu sang thuyền thúng, thả trôi trên biển. Sau khi nhận thông tin, Uỷ ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Khánh Hoà, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN chỉ đạo các cơ quan chức năng phát thông báo hàng hải, đồng thời huy động các tàu cá cùng Tổ đội, các tàu đang hoạt động gần khu vực đến cứu nạn các ngư dân tàu cá trên. Đến 13g35, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Khánh Hoà báo cáo đã huy động được 4 tàu cá địa phương đến cứu nạn, có mặt ở hiện trường lúc 19g ngày 8-3. Trước đó, lúc 15g ngày 8-3 Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo và đề nghị cứu nạn các ngư dân trên tàu cá KH 96640TS VN bị nạn. CHUNG THUỶ – T.PHÙNG |