01/11/2024

Xử lý tai nạn giao thông, cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề quy định có thể hiểu cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn dân thường trong việc giải quyết tai nạn giao thông.

  

Xử lý tai nạn giao thông, cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn

 

 

 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề quy định có thể hiểu cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn dân thường trong việc giải quyết tai nạn giao thông. 

 

 

 

 

Xử lý tai nạn giao thông, cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn
Đội cảnh sát giao thông Q.3, TP.HCM xử phạt người điều khiển xe máy không đảm bảo an toàn giao thông trên đường Hoàng Sa, Q.3 – Ảnh: Tự Trung

Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông để lấy ý kiến nhân dân. 

Theo dự thảo này, một trong những nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ là bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện.

Theo dự thảo, trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ trốn, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy thì cảnh sát giao thông thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc 
yêu cầu.

Dự thảo cũng dành một điều quy định về tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tiếp tục lưu thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện lưu thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp đó đến nơi theo yêu cầu của cán bộ đó.

Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện thì làm các thủ tục và yêu cầu xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đây không phải là lần đầu tiên có quy định về tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Năm 2007, tại quyết định số 18/2007/QĐ-BCA ban hành quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Bộ Công an đã có nội dung này, trong đó có dành một điều quy định về “tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước” với nội dung tương tự dự thảo nêu trên.

Năm 2013, tại thông tư (số 06/2013/TT-BCA) quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt của cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cũng dành một điều quy định về “trường hợp vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”, trong đó có các nội dung về “giải quyết cho đi” tương tự dự thảo nêu trên.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua thì dự thảo thông tư sẽ có hiệu lực trong năm 2016.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, quy định như vậy có thể hiểu cán bộ cao cấp được ưu tiên hơn dân thường trong việc giải quyết tai nạn giao thông.

“Điều này không đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật về hình sự là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tôi cho rằng nếu thông tư của một bộ mà tạo ra sự phân biệt đối xử như vậy sẽ gây dư luận không tốt. Tại sao trong cùng một trường hợp, ví dụ như một cán bộ cao cấp lái xe ẩu, sử dụng chất kích thích gây tai nạn nghiêm trọng mà lại cho đi, trong khi một người lái xe không phải cán bộ cao cấp gây tai nạn như vậy thậm chí có thể bị khởi tố, bị tạm giữ?” – bà Khánh đặt vấn đề.

LÊ KIÊN – V.V.THÀNH