24/01/2025

Quy trình khám bệnh mới: chờ mỏi mòn!

Những ngày qua, bệnh nhân đến khám tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM liên tục phản ảnh tình trạng xếp hàng chờ khi BV sử dụng phần mềm mã vạch quản lý khám, chữa bệnh mới.

 

Quy trình khám bệnh mới: chờ mỏi mòn!

 

 

 

Những ngày qua, bệnh nhân đến khám tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM liên tục phản ảnh tình trạng xếp hàng chờ khi BV sử dụng phần mềm mã vạch quản lý khám, chữa bệnh mới.

 

 

 

 

Quy trình khám bệnh mới: chờ mỏi mòn!
Trong những ngày đầu áp dụng phần mềm mã vạch mới, bệnh nhân tới khám tại BV Nguyễn Tri Phương (Q.5) phải chờ đợi lâu vì nhân viên, bác sĩ thao tác chưa quen – Ảnh: Tiến Long

 

 

Từ ngày 1-3, một số BV trên địa bàn TP.HCM bắt đầu sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh mới.

Thay vì đến nộp sổ lấy số như trước đây, bệnh nhân đến khám theo quy trình mới ngay từ đầu sẽ được quét mã vạch bảo hiểm y tế, sau đó chuyển sang khâu phân phòng khám theo bệnh của bệnh nhân. Đi khám tại các phòng, khoa xong, bệnh nhân mới mang toa thuốc quay lại đóng toàn bộ tiền và lãnh thuốc.

Tất cả các khâu đều nhập dữ liệu quản lý bằng hệ thống mạng nội bộ. Thông tin của bệnh nhân cũng được lưu lại cho những lần khám sau.

Tuy nhiên, ngay ngày đầu sử dụng, bệnh nhân đến khám phải ngồi chờ nhân viên, bác sĩ nhập dữ liệu dẫn đến tình trạng chậm trễ.

Gấp đôi thời gian 
bình thường

Anh P.X.H. (29 tuổi, H.Bình Chánh) đến khám dịch vụ tại khoa tiết niệu BV Nguyễn Tri Phương (Q.5) ngay ngày đầu BV áp dụng quy trình khám bệnh mới.

Đến từ lúc 7g nhưng mãi đến 11g anh mới hoàn thành các khâu quét thẻ, nhập thông tin chỉ định phòng khám. Giờ nghỉ trưa, anh H. phải ở lại BV chờ đến chiều vào khám tiếp. Phải đến 15g anh mới được khám xong.

Anh cho biết từ khi làm thủ tục cho đến nhập dữ liệu tại các phòng khám, bác sĩ đều thao tác rất chậm. Có phòng khám máy bị nghẽn, anh phải chờ gần cả tiếng. “Không biết phần mềm nhanh sao mà đi khám mất gấp đôi thời gian ngày thường” – anh H. nói.

Tình trạng chậm tương tự cũng xảy ra tại các BV áp dụng phần mềm khám, chữa bệnh mới. Ngày 2-3, tại BV Q.10, nhiều bệnh nhân phải đứng chờ nhân viên, bác sĩ nhập dữ liệu vào hệ thống. Anh T.V.H. (Q.10, TP.HCM) đưa mẹ đi khám từ sáng sớm nhưng đến hết giờ trưa mới khám xong. Nhiều người lớn tuổi đến khám cũng phải ngồi chờ lâu như mẹ anh.

Anh H. cho biết mọi lần nếu 6g anh đưa mẹ đến lấy số thì 9g đã khám xong. Trong khi lần này khám quy trình mới, riêng thời gian ngồi chờ nhập dữ liệu đã mất cả ba tiếng. Khi khám, bác sĩ ra toa thuốc điện tử không kịp còn phải kê toa thuốc tay cho mẹ anh.

“Người già yếu mà phải ngồi chờ mấy tiếng mới được khám nên ai cũng than” – anh H. cho hay.

Khi quen giao diện 
sẽ khám nhanh hơn!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Võ Đức Chiến – giám đốc BV Nguyễn Tri Phương – thừa nhận có tình trạng chậm trễ khi áp dụng phần mềm khám, chữa bệnh mới.

Theo bác sĩ Chiến, tình trạng chậm là do phần mềm ứng dụng lần đầu nên nhân viên, bác sĩ chưa quen giao diện. Mặt khác, so với phần mềm cũ, phần mềm mới nhập thêm nhiều thông tin hơn. BV cũng đã trực tiếp xin lỗi bệnh nhân.

Để khắc phục, theo bác sĩ Chiến, BV phải huy động thêm người từ các khoa, phòng xuống hỗ trợ. Buổi trưa yêu cầu tất cả bác sĩ, nhân viên làm thông tầm để xử lý dữ liệu của bệnh nhân.

“BV cũng lo lắng khi sử dụng phần mềm mới, khoảng một tuần ổn định sẽ cố gắng thao tác nhanh hơn cho bệnh nhân” – bác sĩ Chiến chia sẻ.

Còn bác sĩ Lê Thanh Tùng, phó giám đốc BV Q.10, cho biết phần mềm cũ không còn đáp ứng yêu cầu khám bảo hiểm y tế. Trước khi áp dụng phần mềm mới, các bác sĩ và nhân viên đã có ba tháng tập huấn sử dụng. BV cũng huy động số lượng nhân viên tiếp đón bệnh nhân trong những ngày đầu sử dụng phần mềm lên gấp 3 lần so với ngày thường.

Tuy vậy, do thao tác chưa quen, nhập dữ liệu chậm dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi lâu. BV hi vọng 10 ngày nữa mọi việc sẽ vào guồng, nhân viên và bác sĩ sử dụng tốt hơn phần mềm, phục vụ nhanh cho bệnh nhân tới khám.

Cũng theo bác sĩ Tùng, nếu muốn khám nhanh bệnh nhân phải hỗ trợ BV bằng việc chủ động chọn lựa khám theo hẹn. Khi đó sẽ giảm được bệnh nhân, tránh tình trạng lúc đông nghẹt, lúc vắng hoe.

“Việc thay mới phần mềm là bắt buộc phải làm. Dù mới đầu chậm nhưng sau này quen sẽ rất thuận lợi và nhanh cho bệnh nhân khi tới khám tại BV” – bác sĩ Tùng nói.

Bà Nguyễn Thị Liễu (trưởng phòng tài chính kế toán Sở Y tế TP.HCM):

Giám sát chi phí khám chữa bệnh, lạm dụng BHYT

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa công tác quản lý khám chữa bệnh và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện chuẩn hoá công tác này bằng phần mềm mã hoá thống nhất các dữ liệu nhập vào, xuất ra khi thanh toán chi phí BHYT.

Theo đó, các dữ liệu khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh sau khi xuất ra để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội là phải theo mã hoá chung, dữ liệu nhập vào chép ra phải theo đúng quy định của từng mục để quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT thống nhất trong địa phương và cả nước. Ví dụ như mã thẻ BHYT, tên bệnh nhân, mã bệnh, sử dụng vật tư tiêu hao, thuốc gì, bao nhiêu thuốc…

Việc quản lý này nhằm mục đích để coi thực tế BV sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao có hợp lý không, người bệnh có lạm dụng đi khám thông tuyến BHYT không…

Tại TP.HCM, có một số BV đã thực hiện phần mềm mã hoá dữ liệu thống nhất theo quy định của Bộ Y tế, một số BV cũng có phần mềm nhưng chưa làm được thì từ ngày 1-3 phải điều chỉnh phần mềm để khi đổ dữ liệu ra thanh toán phải có đầu ra đúng chuẩn.

Do những ngày đầu mới thực hiện, một số BV lúng túng, chưa quen nên có chậm khi nhập dữ liệu (như bệnh gì phải theo mã nào, nhân viên thanh toán cũng phải nhập vào máy tính sử dụng thuốc gì, dùng mã nào chọn…).

Tuy nhiên, khi đã quen các thao tác sẽ nhanh hơn, sắp tới bệnh nhân sẽ được khám chữa bệnh nhanh hơn, khám xong ra thanh toán một lần. Cơ quan quản lý khám chữa bệnh cũng giám sát được chi phí khám chữa bệnh, giám sát được việc lạm dụng BHYT…

L.TH.H. ghi

Gặp trục trặc do thẻ bị nhoè, bảo quản không tốt

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM – cho biết BV đã áp dụng phần mềm mã vạch mới từ đầu năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều thẻ bảo hiểm y tế không quét được nên đã tạm ngưng sử dụng sáu tháng nay.

Nguyên nhân là nhiều thẻ bảo quản không tốt, bị mờ nhòe hoặc ép thẻ không quét được, nhân viên phải nhập bằng tay dẫn đến chậm trễ.

Trước mắt, để thuận tiện cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh, BV này tự chế ra một mã vạch bằng chất liệu decal dán hồ sơ (mã vạch không trùng với mã bảo hiểm y tế). Bệnh nhân làm thủ tục khám, thanh toán chỉ cần đưa mã này ra sẽ được làm thủ tục nhanh.

Về lâu dài, BV cũng đã hoàn chỉnh hệ thống phần mềm, dự kiến cuối tháng 3 sẽ sử dụng lại. Để sử dụng phần mềm tốt cũng cần có thẻ mới tốt hơn chứ như nhiều thẻ cũ quét không được, nhập tay rất chậm.

T.LONG

TIẾN LONG ([email protected])