24/01/2025

Đề án bác sĩ gia đình: Ở đâu cũng kêu “còn khó…”

Người dân chưa tin tưởng, chưa phân biệt rõ giữa bác sĩ gia đình (BSGĐ) và khám bệnh tư, trang thiết bị chưa đầy đủ, chưa liên thông trong việc khám và điều trị bệnh, thiếu nhân lực BSGĐ, bảo hiểm chưa chi trả…

 

Đề án bác sĩ gia đình: Ở đâu cũng kêu “còn khó…”

 

 

Người dân chưa tin tưởng, chưa phân biệt rõ giữa bác sĩ gia đình (BSGĐ) và khám bệnh tư, trang thiết bị chưa đầy đủ, chưa liên thông trong việc khám và điều trị bệnh, thiếu nhân lực BSGĐ, bảo hiểm chưa chi trả…

 

 

 

 

Đề án bác sĩ gia đình: Ở đâu cũng kêu “còn khó...”
Bác sĩ Phan Chung Thuý Luynh (trái) và điều dưỡng Trần Thanh Thảo Trầm khám cho người dân tại phòng khám y học gia đình Bệnh viện Q.2, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

Đó là những khó khăn mà cán bộ, bác sĩ ngành y tại sáu địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang, Khánh Hoà khi tham gia đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ”, triển khai từ năm 2013.

Người dân chưa 
quan tâm, tin tưởng

Theo bác sĩ Nguyễn Tá Dũng – Trung tâm BSGĐ Hà Nội, năm 2015 đã có hơn 15.000 lượt người khám bệnh, bao gồm cả những người khám ở trung tâm và những bệnh nhân tại nhà, chưa kể số lượng người khám định kỳ ở các cơ quan, công sở…

Tuy nhiên nỗi niềm lớn nhất đối với các BSGĐ hiện nay là nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về đội ngũ BSGĐ, hoặc đánh đồng BSGĐ với những bác sĩ khám tư tại nhà, bác sĩ “trôi nổi”…

Trong khi đó, theo Sở Y tế TP.HCM, người dân không đến với phòng khám BSGĐ của trạm y tế phường xã vì chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại đây. Ngoài ra, người dân đã quen với việc khám chữa bệnh miễn phí tại trạm nên không muốn chi trả theo giá dịch vụ.

Trong hai năm từ 2013-2015, 136 trạm y tế phường xã trong TP có thành lập phòng khám BSGĐ nhưng mới khám được 56.668 lượt khám.

Tại Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thuý – phó trưởng phòng tổ chức Sở Y tế Cần Thơ – nhận định hoạt động của phòng khám BSGĐ gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn xa lạ về hình thức hoạt động mô hình này, cho rằng BSGĐ chỉ đơn giản là đến nhà thăm khám bệnh nhân.

Hiện “chưa có kênh tuyên truyền để người dân thật sự tin tưởng và tìm đến hệ thống chăm sóc sức khoẻ gia đình tại các phòng khám này” – bác sĩ Thuý nói.

Cùng ý kiến này, bác sĩ Cao Khả Anh, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Hoà (Khánh Hoà) và trực tiếp phụ trách chuyên môn hoạt động BSGĐ, nhận định: “Mô hình BSGĐ đã được thực hiện thí điểm thì thực tế cũng không có gì khác nhiều hơn so với hoạt động của các trạm y tế xã”.

Chưa có sự liên thông

Bác sĩ Nguyễn Vũ, phụ trách chuyên môn phòng khám BSGĐ Phú Thanh kiêm trạm trưởng trạm y tế xã Phú Thanh (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), nói mô hình BSGĐ có những thuận lợi rất lớn bởi bác sĩ nắm rõ tình trạng sức khoẻ cũng như tiền sử bệnh lý của từng cá nhân, hộ gia đình, từ đó có những liệu pháp điều trị phù hợp, kịp thời, đỡ tốn kém.

Tuy nhiên, hiện phòng khám BSGĐ đang lồng ghép với trạm y tế nên còn có sự chồng chéo; bác sĩ trưởng trạm kiêm luôn phụ trách BSGĐ do đó khối lượng công việc quá lớn, trong khi thiếu 
kinh phí hoạt động.

Cũng vậy, dù cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế tại y tế cơ sở nhưng ông Nguyễn Nam Hùng, giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên – Huế, cho biết hiện tại chưa thực hiện được hồ sơ bệnh án điện tử, nên mối liên hệ chia sẻ dữ liệu giữa phòng khám BSGĐ với các cơ sở y tế khác, đặc biệt là với y tế tuyến trên, về diễn tiến bệnh lý của người bệnh không được cập nhật tốt.

Các phòng khám BSGĐ tư nhân còn mang tính tự phát, rất khó xác định kinh phí khi đến khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại nhà.

Tại TP.HCM, ông Đinh Thanh Hưng – giám đốc Bệnh viện Q.Tân Phú – cho biết muốn phát triển, nhân rộng mô hình BSGĐ, ngành y tế nên tính đến sự liên thông giữa các tuyến cho người dân theo mô hình BSGĐ chứ hiện nay chưa có sự liên thông nào.

Người dân mắc bệnh được trạm y tế phường chuyển lên bệnh viện quận, bệnh viện quận không biết thông tin sức khoẻ trước đó của người bệnh này, hoặc khi cần chuyển người bệnh lên tuyến trên cũng không có một đầu mối để chuyển.

Bác sĩ Cao Khả Anh thừa nhận từ thực tế: “Nói thật là làm cũng chưa được đồng bộ. Trong số bốn trạm y tế xã có thực hiện mô hình BSGĐ, có nơi BSGĐ của trạm suốt hai năm không gửi, không chuyển đi điều trị được bệnh nhân nào.

Trong đó có thêm lý do bệnh nhân vẫn quen với tâm lý muốn “vượt tuyến, vượt trạm để điều trị”, khi được BSGĐ chuyển lên tuyến trên để điều trị, khỏi bệnh rồi thì họ về nhà luôn chứ chẳng quay lại trạm để gặp lại BSGĐ trao đổi, thông tin gì về sức khoẻ, bệnh tình cho bác sĩ tiếp tục theo dõi”.

Và hàng loạt 
khó khăn khác

Thiếu nhân lực BSGĐ là việc được nhắc đến đầu tiên. Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực chuyên môn về y học gia đình, chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại.

Có nhiều phòng khám đa khoa có BSGĐ nhưng BSGĐ còn kiêm nhiệm nên chưa tập trung thực hiện đầy đủ các nguyên lý và nhiệm vụ của BSGĐ trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Cũng vậy, tại Cần Thơ, trong giai đoạn thí điểm, “nhân lực ít chưa đảm bảo, kiến thức y học gia đình còn hạn chế, chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn thành lập phòng khám” – bác sĩ Thúy nói.

Vì vậy Bộ Y tế cần có cơ chế ưu tiên đào tạo và tuyển dụng BSGĐ, y sĩ, điều dưỡng y học gia đình; đào tạo BSGĐ ngay ở bậc đại học; bổ sung tín chỉ y học gia đình trong chương trình đào tạo y sĩ, điều dưỡng.

Tại TP.HCM, địa phương được đánh giá có những kết quả khích lệ nhưng theo Sở Y tế TP.HCM, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình này. Trạm y tế P.11, Q.Bình Thạnh đã triển khai mô hình BSGĐ từ năm 2014 nhưng đến nay mới lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hai người dân.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, trưởng trạm y tế P.11, cho biết hai người dân này cũng không thường xuyên đến trạm do nhân lực của trạm chưa được chuẩn bị tốt.

“Các bác sĩ, nhân viên y tế của trạm khi thực hiện mô hình BSGĐ chỉ là làm thêm việc chứ thu nhập vẫn giữ nguyên như trước nên thật sự chưa khuyến khích được anh em trong trạm” – bà Nguyệt chia sẻ.

Theo bà Nguyệt, để phát triển tốt mô hình này cần phải có chính sách đãi ngộ cho các bác sĩ về trạm y tế phường, xã làm việc. Mỗi trạm y tế cần có ít nhất hai bác sĩ có chuyên môn về y học gia đình chỉ chuyên ngồi khám, tư vấn, theo dõi sức khoẻ cho người dân.

Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa 1 y học gia đình Trương Ngọc Đại – trạm y tế P.11, Q.Bình Thạnh – cho rằng nếu Bộ Y tế chỉ triển khai thêm mô hình BSGĐ cho các trạm y tế phường, xã mà không tính toán xem bác sĩ ở đây sẽ làm việc đó như thế nào, chỉ đơn thuần là giao thêm việc thì đối với bác sĩ thực hiện như thêm một gánh nặng.

Bác sĩ ở trạm y tế phường, xã đã phải gánh thêm nhiều công việc mà mức lương luôn giữ nguyên thì không thể khuyến khích được bác sĩ làm việc tốt được. Người nào dù làm công việc gì cũng phải có thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

BS CKI Nguyễn Tri Phương – trưởng Trạm y tế xã Ninh Lộc (Ninh Hoà, Khánh Hoà), đã được đào tạo về y học gia đình và trực tiếp phụ trách, thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ ở xã – cho biết: “Hoạt động BSGĐ ở Trạm y tế Ninh Lộc chỉ mới ở dạng lồng ghép thôi. Chủ yếu vẫn sử dụng thiết bị của trạm y tế, đến cái máy vi tính để theo dõi, quản lý hồ sơ bệnh nhân cũng phải xài chung”.

Do đó, việc BSGĐ ở trạm y tế theo dõi sức khoẻ, thăm khám tại nhà cho bệnh nhân đến nay dường như chưa làm được, trừ những trường hợp bệnh tình đặc biệt hoặc với những người già neo đơn ở địa phương. Trong khi đó, thói quen của người bệnh thì rất khó thay đổi.

“Khi bị bệnh họ cứ đến khám để được cấp thuốc, điều trị được cho họ là xong. Có rất nhiều người bệnh tới trạm y tế chẳng cần biết BSGĐ là gì” – BS Phương nói.

P.S.NGÂN


Q.LIÊN – L.ANH – N.LINH – P.S.NGÂN – T.DƯƠNG – M.TRƯỜNG – T.LUỸ