Đau lòng cảnh con cháu “tự sướng” bên ban thờ người thân rồi đăng Facebook
Hình ảnh con cháu chụp ảnh selfie bên bàn thờ người thân vừa mất rồi đăng facebook khiến nhiều cư dân mạng hết sức ngạc nhiên, bất bình về thái độ dửng dưng, vô tâm vui vẻ một cách khó hiểu của các bạn trẻ.
Đau lòng cảnh con cháu “tự sướng” bên ban thờ người thân rồi đăng Facebook
Để có được những bức ảnh “hót” nhiều người có thể chụp hình selfie mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong đám tang người thân.
Mới đây, một cô gái trẻ sống tại Cà Mau có Facebook viết tắt là “N.V” đã đăng tải lên trang cá nhân những bức ảnh ghi lại cảnh bản thân và những người thân khác trong gia đình đầu đeo khăn tang trắng nhưng vui vẻ hát hò, thản nhiên chụp ảnh “tự sướng” trước linh cữu của người cụ vừa qua đời.
Thậm chí, trong bức ảnh, một số người còn vui vẻ tạo dáng rất “xì tin” bên di ảnh người quá cố. Biện minh cho hành động của mình, chủ nhân đăng các bức hình đó cho rằng “cụ của mình năm nay đã 98 tuổi và mọi người trong gia đình đều chuẩn bị tâm lý trước rồi”.
Hình ảnh con cháu chụp ảnh tự sướng bên ban thờ người thân vừa mất đang gây bức xúc dư luận. Ảnh TL
Hình ảnh con cháu chụp ảnh selfie bên bàn thờ người thân vừa mất rồi đăng facebook khiến nhiều cư dân mạng hết sức ngạc nhiên, bất bình về thái độ dửng dưng, vô tâm vui vẻ một cách khó hiểu của các bạn trẻ.
Đa phần chỉ trích hành động khó chấp nhận trong lúc mất đi người thân thiết. Dù ngay sau đó, chủ nhân của bức ảnh đã gỡ hình xuống nhưng nó vẫn bị phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà gần như nó đang trở thành “trào lưu” khi có rất nhiều bạn, thậm chí là sao Việt cũng thích thú làm việc này.
Trước đó, trường hợp của một nữ sinh chụp hình tự sướng, thậm chí cười đùa làm dáng đủ kiểu ngay bên quan tài người ông mới mất đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận.
Bức ảnh này sau khi được đăng tải trên một diễn đàn với hơn 800.000 thành viên đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cư dân mạng.
Nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến những biểu cảm chu môi, trợn mắt, cười đùa thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra của cô gái đó trong ngày buồn của gia đình.
Chụp ảnh tự sướng khi người thân mất đang trở thành trào lưu
Hay trong đám tang của người bà, danh hài Hiệp Gà cũng đã vô tư chụp ảnh selfie. Nhiều người cảm thấy phản cảm, lạc lõng và chỉ trích với bức hình “tự sướng” của Hiệp Gà.
Khi xem những hình ảnh con cháu “tự sướng” bên bàn thờ người thân mới mất hẳn sẽ có nhiều người đặt dấu hỏi tại sao trong hoàn cảnh tang gia bối rối, người thân mất vẫn nằm đó mà nhiều người lại có thời gian và tâm trí để chụp hình, thậm chí không ngần ngại quay máy “tự sướng” và up lên mạng ngay sau đó.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng, trong đám tang, chỉ cười không cũng khiến nhiều người khó chấp nhận chứ chưa nói đến hành động khác.
“Nghĩa tử là nghĩa tận, từ xưa khi gặp đám tang ngoài đường người ta còn đứng lại ngả mũ rồi đám tang đi qua người ta mới đi tiếp. Ở đây hành vi chụp ảnh tự sướng bên bàn thờ người thân vừa mất hay cạnh quan tài người thân rồi đăng lên Facebook của chính con cháu trong gia đình càng khó chấp nhận, thể hiện nề nếp sống của họ rất kém. Nó cho thấy lỗi về ứng xử, lệch chuẩn về văn hoá, lỗ hổng trong đạo đức. Những người này rất thiếu kỹ năng sống không biết lúc nào cần làm gì và không làm gì nguyên nhân cũng vì họ quá sa vào lối sống ảo, thể hiện cảm xúc không thật”, ông Chất nói.
Theo ông Chất, chụp ảnh “tự sướng” là cách mà nhiều bạn trẻ gần đây sử dụng để thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình. Trên mạng vì thế cũng xuất hiện nhiều hình thức chụp ảnh tự sướng kệch cỡm: “Chúng ta không thể cấm đoán việc chụp hình tự sướng nhưng việc nên đưa ảnh gì, mức độ ra sao để không phạm luật, không phản cảm mới là điều cần nói. Điều này rất cần ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trau dồi thêm kỹ năng sống, có ý thức hơn với cộng đồng và gia đình”.
Thực ra, khi người thân mất cũng không hẳn chúng ta phải khóc lóc vật vã mới thể hiện được đạo hiếu. Đạo Phật và đạo Thiên Chúa không khóc lóc ồn ào trước người hấp hối và trong đám tang sẽ làm người “ra đi” không yên tâm, thanh thản. Cũng vì thế mà nhiều gia đình theo đạo Phật gần đây khi tổ chức đám tang đã không khóc trước người hấp hối, trong đám tang.
Dù vậy, về văn hoá cũng không nên có hành động chụp hình phản cảm, tổ chức ca hát khi nhà có người lâm chung. Nhiều kinh sách nhà Phật khuyên, khi có người “ra đi”, người thân hãy phát tâm hộ niệm cho nhau để cứu độ vãng sanh cực lạc. Các gia đình Phật tử khi có người “ra đi” sẽ niệm danh hiệu Phật để khai thị, hướng dẫn thần thức người đã mất.
Phương Thuận/Báo Gia đình & Xã hội