26/12/2024

Khi nào CSGT được trưng dụng phương tiện của người dân?

Từ ngày 15.2, Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực, thay thế Thông tư 65 ban hành ngày 30.10.2012.

 

Khi nào CSGT được trưng dụng phương tiện của người dân?

 

 

Từ ngày 15.2, Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực, thay thế Thông tư 65 ban hành ngày 30.10.2012. 

 

 

 

 

CSGT điều tiết giao thông - Ảnh: Thái Sơn

 

 

CSGT điều tiết giao thông – Ảnh: Thái Sơn

 

 

“Sau 2 ngày triển khai Thông tư 01/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an, chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương cũng như người dân, không có bất cứ băn khoăn nào về việc thực hiện các quy định theo thông tư”, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh – Phó cục trưởng Cục CSGT (C67), Bộ Công an, cho biết. Theo ông Dánh, nội dung trong Thông tư 01/2016 chủ yếu là nhắc lại, làm rõ hơn về nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, một trong những nội dung của thông tư gây ra dư luận trái chiều là quyền trưng dụng của CSGT. Theo thông tư này thì CSGT “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển”.
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp – Bộ Công an, cho biết đây là điều khá đặc biệt và phải hiểu, thực hiện theo quy định pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. “Việc trưng dụng vốn rất phức tạp nên không phải tự nhiên trưng dụng mà phải có lệnh hoặc quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an”, ông Quân nói.
Trong khi đó, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cũng cho hay sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư 01/2016, một số ý kiến dư luận cho rằng quy định trưng dụng là vi hiến và có thể xảy ra việc CSGT lạm quyền. “Tuy nhiên sau khi rà soát lại chúng tôi khẳng định các quy định trong thông tư là đúng quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an nhân dân. Đối với quy định về trưng dụng phải thực hiện theo luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Đồng thời, C67 đã có văn bản gửi lực lượng CSGT toàn quốc để nắm rõ và thực hiện”, ông Dánh khẳng định.
Theo tướng Dánh, việc trưng dụng tài sản chỉ xảy ra trong một số trường hợp mang tính cấp bách như bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội nhằm mục đích phục vụ người dân và phải có quyết định của Bộ trưởng Công an. “Ngoài ra, trong một số trường hợp CSGT trong khi tuần tra kiểm soát phát hiện rác thải giữa đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì chúng tôi sẽ nhờ xe chở rác đến đưa đi, hoặc thấy người bị thương có thể nhờ phương tiện trên đường đưa đi cấp cứu… Những trường hợp này được gọi là huy động không phải là trưng dụng quy định trong luật Công an Nhân dân năm 2014 và từ trước đến nay chúng tôi vẫn thực hiện dù rất hy hữu”, ông Dánh cho hay.

CSGT phải nói cảm ơn

Theo khoản 2 điều 15 của Thông tư 01/2016 quy định sau khi lập biên bản vi phạm xong, ngoài việc giao biên bản cho người vi phạm, CSGT phải thông báo các hành vi vi phạm cho những người trên phương tiện biết để chấp hành, giám sát. Với phương tiện chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên, CSGT phải lên khoang chở khách để thông báo. Trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT cũng phải thông báo và nói: “Cám ơn ông (bà/anh/chị…) đã giúp đỡ CSGT làm nhiệm vụ”.

Đề cập đến thẩm quyền trưng dụng của CSGT chỉ được thực hiện khi có quyết định của Bộ trưởng Công an liệu có khả thi hay không khi các tình huống cấp bách có thể phải thực hiện ngay không thể chờ quyết định hành chính, ông Dánh nói: “Chúng ta không nên lo ngại về điều này, bởi trong thời đại thông tin liên lạc hiện đại, những vấn đề cấp bách sẽ luôn được lãnh đạo Bộ Công an cập nhật và quyết định ngay. Các tình huống để trưng dụng thực tế là rất ít khi xảy ra nhưng quy định pháp luật luôn phải chặt chẽ và điều chỉnh mọi tình huống”.

Những trường hợp CSGT được dừng phương tiện kiểm tra:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cục trưởng CSGT hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên.
– Thực hiện kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên.
– Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự… Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
– Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Thái Sơn