23/01/2025

Tết “tự do” đầu tiên của con

Một người mẹ quyết định năm nay cho con mình tự do ăn tết và hi vọng con mình sẽ trưởng thành hơn từ chính cái tết “tự do” đầu tiên này. Một người mẹ lại lo lắng khi con mình không muốn về quê ăn tết, vì sự nuông chiều của mình dành cho con.

 

Tết “tự do” đầu tiên của con

 

 

Một người mẹ quyết định năm nay cho con mình tự do ăn tết và hi vọng con mình sẽ trưởng thành hơn từ chính cái tết “tự do” đầu tiên này. Một người mẹ lại lo lắng khi con mình không muốn về quê ăn tết, vì sự nuông chiều của mình dành cho con.

 

 

 

 

 

 

Tết “tự do” đầu tiên của con
Con muốn được khám phá, điều mà bấy lâu nay tôi không cho phép con, không mở cửa cho con đi với trăm nghìn lý do của người mẹ yêu con mù quáng. Tôi đã nhận ra rằng o bế con trong vòng kiểm soát của mình chỉ khiến con trở nên non dại hơn mà thôi

Khi con trai ngỏ ý muốn tết này được tự do đúng nghĩa, được khám phá chứ không phải “một bước theo chân mẹ” như mọi năm, tôi không khỏi bất ngờ…

Quen cảm giác bấy lâu nay con luôn phụ thuộc bố mẹ từ chuyện học, chuyện ăn, chuyện đi chơi, thế nên khi con bày tỏ quan điểm của mình về việc muốn được chơi tết mà không phụ thuộc bố mẹ, ít nhiều tôi cũng có chút phân vân.

Bao nhiêu năm nay, hầu như tết nào con cũng tự giác ngồi vào bàn học mà không cần mẹ nhắc nhở. Đồng nghiệp, họ hàng đến chúc tết, thấy con trai tôi chăm chỉ ai cũng khen. Tôi từng tự hào về điều đó.

Nhưng nay con đã giúp tôi có cái nhìn khác hơn về chuyện học, chuyện chơi của con, rằng không phải cứ sát cánh bên con mọi lúc mọi nơi mới là tốt. Nếu không cho con khoảng thở, tự do bay nhảy, con sẽ mãi là đứa trẻ chỉ biết vâng lời nhưng không lớn lên được.

Con muốn được đập con heo đất tiết kiệm của mình để mua sắm tết theo ý con chứ không phải theo ý mẹ như mọi năm nữa. Con còn muốn tự tay chọn những món quà nho nhỏ để đến “tết thầy cô” chứ không phải phong bì của mẹ. Con bảo không muốn để bố mẹ nhúng tay vào mối quan hệ thầy cô của con nữa.

Thú thật, tôi đã quen gò bó con từng đường đi nước bước. Cho đến cách ăn mặc của con như thế nào cũng đều trong tầm kiểm soát của mẹ.

Học cấp III rồi nhưng con trai vẫn phải lẽo đẽo theo ba mẹ đi chúc tết họ hàng, anh em nhưng chỉ ngồi một góc, ai hỏi gì thì trả lời nấy. Con cứ bé nhỏ như vậy khiến có lúc tôi cũng lo “con có lớn nhưng chẳng có khôn”.

Mọi năm, tôi rất sợ mỗi khi con có ý định tham gia các cuộc đi chơi, du xuân cùng lớp với đủ các lý do. Tất nhiên nếu tôi không đồng ý, con chỉ biết cam chịu. Nhưng năm nay, khi con nói: “Con không còn nhỏ nữa nên tết năm nay ba mẹ hãy cho con được làm những gì con thích”, vì con chưa từng rời xa vòng tay ba mẹ cho nên tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Tuy nhiên, khi con trình bày kế hoạch một cách rõ ràng, tôi yên tâm hơn đôi phần. Bởi con còn nói: “Con lên lớp 12 rồi mà mẹ vẫn muốn con lẽo đẽo đi chúc tết cùng để nhận lì xì như một đứa trẻ thì thật kỳ cục và khó coi lắm ạ”. Ngẫm nghĩ lời con nói cũng đúng. Nhớ lại mấy năm trước, con tỏ ra ngại ngùng, xấu hổ khi vẫn được mừng tuổi dù đã lớn tướng.

Tôi biết con đang muốn được tự khẳng định mình, muốn được tự lập, muốn được hưởng một cái tết đúng nghĩa chứ không phải gò bó theo ý mẹ.

Con bảo: “Tuổi trẻ muốn được khám phá, có thể sẽ không an toàn bằng bên ba mẹ nhưng chúng con sẽ trưởng thành hơn nên mẹ hãy cho con cơ hội. Con không muốn mẹ quản lý con mãi, mẹ có biết mỗi khi bạn bè gọi điện đến rủ, con lại phải nhìn mẹ, xin mẹ, năn nỉ mẹ để đi chơi hay không? Mẹ có biết con đã chán kiểu kỳ kèo thời gian của mẹ lắm rồi không? Bạn bè bảo con chẳng thể ra khỏi nhà nếu không nhận được cái gật đầu của mẹ…”.

Nhưng tết năm nay sẽ khác, tôi sẽ cho con được tự do khám phá, sẽ không còn phải cặm cụi bên bàn học trong những ngày nghỉ tết nữa. Tôi biết khi không có ba mẹ bên cạnh, có những cái con sẽ lúng túng nhưng chắc chắn con sẽ trưởng thành hơn từ chính cái tết “tự do” đầu tiên này của con!

Làm sao khi con không muốn về quê ăn tết?

Trong khi vợ chồng tôi thu xếp, chuẩn bị hành lý để về quê nội ăn tết thì con trai vẫn thờ ơ. Khi tôi nhắc thì con trả lời lạnh lùng: “Ba mẹ và em cứ về đi, tết năm nay con phải đi chơi với bạn bè rồi, con không về quê đâu”.

Nghĩ lại, đây không phải lần đầu con từ chối việc về quê ăn tết. Cũng tại tôi lâu nay quá đề cao chuyện học hành của con nên giờ con mới trở nên vô tâm như vậy. Mỗi khi nhà có việc, tôi không bao giờ kéo con vào làm cùng.

Mọi năm về quê vào dịp lễ tết, tôi thường cho con được tự do ở lại, khi thì đi du lịch, khi thì đi chơi, có năm thì con ở lại ôn thi học kỳ. Vậy nên dần dần con không có thói quen quan tâm đến người thân, không có hứng thú về quê, thường thì bị bắt buộc con mới chịu về cho có mặt.

Có lần ông nội bệnh, trong khi cả nhà cuống lên về quê, con vẫn thản nhiên cầm điện thoại lướt Facebook. Nhìn thái độ dửng dưng của con trai mà tôi thấy mình thất bại thảm hại vì đã giáo dục con chưa đến nơi đến chốn.

Tôi luôn đặt lên vai con nghĩa vụ phải học thật giỏi, còn mọi việc đã có bố mẹ lo. Ngay cả việc phải biết quan tâm đến người thân của mình, nhất là những lúc ốm đau, tôi cũng quên dạy con. Thất vọng vì sự vô tâm của con thì ít, mà tôi thấy thất vọng vì cách giáo dục con đầy sai sót của mình thì nhiều.

Nhìn thái độ miễn cưỡng, hậm hực của con khi buộc phải về quê ăn tết cùng bố mẹ và em, tôi thấy lỗi này phần lớn là do tôi. Học lớp 11 rồi nhưng con trai chưa từng biết mua cho mẹ tô cháo khi mẹ bệnh, chưa từng cùng mẹ dọn dẹp chén đũa khi nhà có khách, cũng chưa từng biết nói lời hỏi thăm mỗi khi ông bà đau ốm… Tất cả là do đâu?

Con từ chối về quê chỉ là một chuyện nhỏ. Sự vô tâm, hững hờ của con mới là vấn đề mà chính bậc phụ huynh như tôi phải nhìn nhận lại. Tôi ngộ ra rằng nhốt con bên đống sách vở, với những buổi học thêm chỉ tạo ra một đứa con học giỏi nhưng chưa hun đúc nên một đứa con ngoan, biết yêu thương, biết cho đi và nhận lại.

Giờ tôi phải làm sao khi con không muốn về quê ăn tết?

L.N.


NGUYỄN THỊ HẢI PHINH