CSGT được trưng dụng tài sản: Dễ hiểu sai, làm sai
Theo Bộ Tư pháp, luật không quy định cho cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông có thẩm quyền trưng dụng tài sản. Theo luật sư, CSGT được trưng dụng tài sản sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện.
CSGT được trưng dụng tài sản: Dễ hiểu sai, làm sai
Theo Bộ Tư pháp, luật không quy định cho cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông có thẩm quyền trưng dụng tài sản. Theo luật sư, CSGT được trưng dụng tài sản sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện.
Đội cảnh sát giao thông Q.3, TP.HCM xử phạt người điều khiển xe máy không đảm bảo an toàn giao thông trên đường Hoàng Sa, Q.3 – Ảnh: Tự Trung |
Theo tôi, đây là quyền treo, không thực hiện được vì cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông không có thẩm quyền trưng dụng |
TS LÊ HỒNG SƠN |
Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, có hiệu lực từ ngày 15-2.
Khoản 6, điều 5 của thông tư có quy định: “Cán bộ cảnh sát giao thông có quyền được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi về vấn đề này, TS LÊ HỒNG SƠN, nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, cho biết:
– Cần lưu ý thông tư 01 quy định cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông được “trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Như vậy tức là họ không được trưng dụng một cách vô điều kiện, được trưng dụng tài sản trong trường hợp nào phải theo quy định của pháp luật, tức là phải “kết nối” với các quy định khác mới sử dụng được quyền này.
Theo tôi, đây là quyền treo, không thực hiện được vì cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông không có thẩm quyền trưng dụng.
Đối chiếu với Luật trưng mua, trưng dụng năm 2008 thì người có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng phải là bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh.
Nếu hiểu đầy đủ thông tư này theo nghĩa cảnh sát giao thông được quyền ra quyết định trưng dụng sẽ không phù hợp với Luật trưng mua, trưng dụng. Nếu hiểu cảnh sát giao thông chỉ là người thực thi quyết định trưng dụng thì còn có thể được.
Theo tôi, cần phải hiểu rằng quyền trưng dụng là quyền rất hạn chế của cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông. Anh phải phụ thuộc vào quy định của Luật trưng mua, trưng dụng về thẩm quyền ra quyết định trưng dụng.
Ở đây, anh không có thẩm quyền được ra quyết định trưng dụng, cùng lắm chỉ được quyền thi hành. Tại thông tư, quy định về trình tự, thủ tục trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc, các phương tiện kỹ thuật khác hiện vẫn chưa rõ.
CSGT xử phạt một trường hợp vi phạm luật giao thông – Ảnh: Tự Trung |
* Thưa ông, hiện nay một số người cho rằng theo quy định tại thông tư 01, tôi đang đi trên đường thì cảnh sát giao thông có quyền dừng xe của tôi, nếu tôi quay phim, chụp hình thì họ có quyền thu giữ thiết bị của tôi. Cách hiểu như vậy có đúng không?
– Cách hiểu như vậy là không đúng, tuy nhiên thông tư 01 của Bộ Công an như thế này cũng không rõ, dễ dẫn đến việc người ta hiểu sai, làm sai. Phải hiểu quyền trưng dụng tài sản của dân phải do người có thẩm quyền ra quyết định.
Theo quy định tại điều 15 Luật công an nhân dân năm 2014, cần hiểu theo nghĩa hẹp nhất là đang trong một tình huống khẩn cấp, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông sử dụng ôtô của người dân, xe máy của dân, điện thoại của dân để xử lý tình huống ngay lúc đó chứ không phải trưng dụng theo nghĩa của Luật trưng mua, trưng dụng.
Hiểu theo quy định của Luật công an nhân dân thì quyền trưng dụng của công an rất hẹp, chỉ được trưng dụng tạm thời trong khoảnh khắc, ở thời điểm “nóng”, cấp bách để thực hiện một việc cấp bách và phải trả lại tài sản ngay sau đó, chứ không phải được quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản trong thời gian dài.
Theo tôi, cần có quy định chặt chẽ việc cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản trong tình huống cấp bách, bởi thông tư 01 hiện nay chưa rõ, không biết thời điểm thế nào, điều kiện thế nào, thẩm quyền thế nào thì được sử dụng quyền này.
Nếu chỉ dừng lại ở quy định của thông tư 01 thì nó chỉ là một quy định treo, chưa thực hiện được, nếu cố thực hiện là sai.
Ít nhất phải quy định chi tiết tại văn bản ở tầm nghị định, nếu quy định ở thông tư sẽ không giải quyết được. Nghị định này cần phải quy định rõ thời điểm, điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục để thực hiện quyền này mới nói được cảnh sát giao thông trưng dụng đúng hay không đúng.
Cạnh đó còn cần quy định về vấn đề trách nhiệm của người thi hành, chế tài nếu anh lạm quyền, trưng dụng sai phải chịu trách nhiệm thế nào? Anh sai thì anh phải bồi thường, phải bị kỷ luật ra sao?
* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM): Quy định tạo ra sự tuỳ tiện Luật công an nhân dân quy định việc trưng dụng phải theo quy định của pháp luật. Quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng là phải có văn bản và phải theo trình tự chặt chẽ. Tuy nhiên, thông tư 01 lại không có quy định rõ khiến người ta có thể hiểu rộng là cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng trong tất cả trường hợp. Cách hiểu này trái với Luật trưng mua, trưng dụng và Luật công an nhân dân. Theo tôi, không cần giao thêm quyền cho cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản vì sẽ tạo ra sự bất ổn. Người dân sẽ đặt câu hỏi là anh sợ dân quay phim, chụp hình hay sao mà lại giao cho anh được quyền tịch thu phương tiện của tôi? Xã hội tiên tiến nên tạo cơ sở cho người dân giám sát lực lượng cảnh sát giao thông. Bây giờ nếu cảnh sát giao thông lấy điện thoại của người dân, đó không chỉ là phương tiện nghe nói mà chứa đựng trong đó nhiều thông tin cá nhân, đời tư, tài khoản ngân hàng. Nếu cứ trưng dụng hời hợt thì quyền lợi của người dân sẽ giải quyết thế nào? Rõ ràng quy định này tạo ra sự tùy tiện rất lớn trong lực lượng cảnh sát giao thông, trong khi trình tự thủ tục ra sao chưa thấy ban hành. |