23/01/2025

Nuôi con thời hội nhập

Ngày càng nhiều ông bố, bà mẹ trẻ tìm hiểu và áp dụng những phương pháp chăm sóc, nuôi dạy con cái từ nước ngoài kết hợp với kinh nghiệm truyền thống hiệu quả và linh hoạt.

 

Nuôi con thời hội nhập

 

Ngày càng nhiều ông bố, bà mẹ trẻ tìm hiểu và áp dụng những phương pháp chăm sóc, nuôi dạy con cái từ nước ngoài kết hợp với kinh nghiệm truyền thống hiệu quả và linh hoạt.

 

 

 

 

Gia đình Hà Châu với những hoạt động du lịch, sinh hoạt... kết hợp giữa phương pháp giáo dục nước ngoài và VN - Ảnh: Louis wu

 

Gia đình Hà Châu với những hoạt động du lịch, sinh hoạt… kết hợp giữa phương pháp giáo dục nước ngoài và VN – Ảnh: Louis wu

 

 

Học các kiểu nhưng không theo nguyên mẫu nào !
“Ước mơ” của không ít người trẻ lần đầu làm mẹ trong xã hội ngày nay là làm sao vừa chăm sóc con nhỏ vừa có thời gian riêng tư cho bản thân. Nếu chỉ nghe nói, nhiều người sẽ nghĩ rằng nuôi con kiểu “ngoại” chắc sẽ nhàn hạ.
Phương Mai, giảng viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, khi sinh con đầu lòng cũng mua đủ sách tham khảo nuôi dạy con kiểu Nhật, Mỹ, Pháp… Nhưng khi áp dụng, cô nhận ra rằng đời thật sự không như… sách. “Có nhiều lý do khiến ba mẹ khó áp dụng phương pháp nước ngoài như kỹ năng của chính mình, áp lực ông bà, môi trường xung quanh, điều kiện vật chất, nhà cửa… Nên cuối cùng mình không đi theo một phương pháp cụ thể nào cả, mỗi thứ học tập một ít rồi áp dụng sao cho phù hợp với con mình. Chỉ có mẹ là hiểu con mình nhất và không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào”, Mai nói.
Ngoài đọc sách, Mai cũng chia sẻ rằng mình cũng thường tham gia một số hội nhóm nghiêm túc trên mạng để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Dù con của Mai luôn được nhiều người khen vì phát triển rất tốt thế nhưng Mai bộc bạch cô cũng đã từng thất bại trong khá nhiều phương pháp nước ngoài. “Mình thấy nguồn tham khảo nhiều vô kể, cách thức cũng khác nhau, nhưng tựu trung cũng có một số mục đích cơ bản như dạy con tự ăn, tự ngủ, tự lập, tự bảo vệ mình. Làm thử rồi mới thấy không phải cách nào cũng áp dụng được, như mình từng đầu hàng với CIO (Cry It Out – một cách để em bé khóc sau đó tự ngủ của Mỹ) vì không đủ cứng rắn và giờ… lãnh đủ chuyện ngủ mà con vẫn… dính chặt mẹ”, Mai tâm sự.
Còn Hà Châu, chuyên viên một công ty bất động sản ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), luôn được nhiều người trên “phây” ngưỡng mộ với một gia đình như trong mơ. Ở tuổi 30, với dáng vẻ rất trẻ trung, cô còn là mẹ của 2 bé trai, một bé gái xinh xắn. Với Châu, chuyện nuôi con theo phương pháp tân tiến không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng quá trình này lại giúp vợ chồng cô trưởng thành lên rất nhiều. Không như tâm lý mà nhiều ba mẹ, ông bà hay mắc phải là bao nhiêu tiếng phải uống một cữ sữa, ngày phải ăn mấy lần, tháng phải lên bao nhiêu ký…, Châu luôn cố gắng lắng nghe, theo dõi nhu cầu của con, kết hợp với hoàn cảnh ở VN. “Ví dụ như với ăn dặm kiểu Nhật, mình thấy thực đơn rất nhiều món, nhưng mẹ nào đi làm bận sẽ không thể theo được. Vậy là mình vẫn nấu những món cơm gia đình bình thường, nêm nếm lại vừa phải cho con ăn chung. Vì dù gì cũng là người Việt nên phải tập cho con ăn quen món Việt để hoà nhập sau này khi lớn”, Châu nói.
Mẹ ở đâu cũng thức mờ mắt vì con
Không chỉ Mai và Châu, rất nhiều mẹ trẻ đều đồng tình rằng chuyện áp dụng những phương pháp nước ngoài hoàn toàn không dễ dàng ở VN.
Kim Dung, định cư tại Anh, cho biết ban đầu cô cũng lầm tưởng như vậy. “Tình cờ, tôi vào các diễn đàn về sức khoẻ của nước ngoài tham khảo thì thấy các bà mẹ nước ngoài bình luận: nào là thức mờ mắt, con sao không ăn uống, con bệnh, con ốm…? Thế là mới thở phào rằng họ cũng… cực như mình chứ không ngoại lệ, chỉ là khổ trước, sướng sau. Sau này cùng chồng sinh sống ở đây càng thấy rõ hơn nữa”, Dung nói. “Mình thấy dạy kiểu Tây kiểu ta gì cũng có cái hay riêng. Nhưng cái người nước ngoài chú trọng, theo mình đó là để trẻ tự do phát triển. Ra công viên, nhiều khi các mẹ nước ngoài luôn để con chơi, nghịch cùng bạn, chỉ dõi theo chứ không sợ té, sợ dơ như ở mình. Đó là sự tôn trọng dành cho trẻ, từ đó con sẽ tự tin hơn”, Dung cho biết.
Yêu thương cũng nên đúng cách
Theo Phương Mai, thật ra nuôi con kiểu người Việt truyền thống vẫn có những ưu điểm như gần gũi, tình cảm. Dù bận rộn nhưng Mai vẫn dành thời gian để tự may quần áo cho con, tham khảo các trang D.I.Y (tự tay làm những vật dụng) để làm đồ chơi cho con từ vật liệu an toàn như thùng carton, vải… hay dẫn bé đi chơi cuối tuần.
Còn Châu cho rằng mình vẫn nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, nên lâu lâu cô vẫn ngủ chung và nằm đọc truyện cho con nghe. “Mình nghĩ không nhất thiết phải để con ngủ một mình như người nước ngoài thường làm. Nên có sự kết hợp Tây ta, như việc đừng đặt nặng thành tích điểm số như trường học ở VN, nhưng cũng không chăm chăm theo Tây để con trở nên lạc lõng giữa văn hoá Việt”, Châu kết luận.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ngoài tình thương, phụ huynh nên cập nhật kiến thức. Tại một hội thảo về phế cầu khuẩn, bác sĩ Khanh đã khẳng định rằng cái thiếu hiện tại ở những bậc phụ huynh VN chính là sự hiểu biết căn bản về việc nuôi dạy con cái, tiêm phòng vắc xin, biểu hiện bệnh lý ban đầu, sinh hoạt của trẻ…
Còn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của những cuốn sách nuôi dạy con “gối đầu giường” của nhiều phụ huynh VN từ hàng chục năm trước, đã chỉ ra rằng chuyện nuôi con ở các nước phát triển dựa trên nguyên tắc tự nhiên có từ ngàn đời trước, chứ không xa lạ gì.
Áp lực từ nhiều phía
Đó cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh trẻ, khi những phương pháp “ngoại nhập” luôn có khuynh hướng… đi ngược với truyền thống. Nhiều người còn cho rằng mâu thuẫn giữa các thế hệ xoay quanh chuyện nuôi dạy em bé là một rắc rối không dễ giải quyết. Có khi, sự xung đột làm những người trong cuộc vô cùng khó xử, dẫn đến sự rạn nứt trong gia đình. Chính vì thế, chuyện tìm giải pháp luôn là ưu tiên số 1.
Thu Vân, sáng lập và điều hành Trường mầm non Nhà Của Bé (P.2, Q.Bình Thạnh), chỉ ra rằng chuyện đối mặt với sự bất đồng quan điểm giáo dục trong một gia đình có 2 – 3 thế hệ là thực trạng rất dễ thấy ở VN. Dù theo đuổi phương pháp Montessori (một phương pháp giáo dục đặc biệt dựa trên cảm giác của trẻ nhỏ của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870 – 1952), vốn đang rất được ưa chuộng tại VN, nhưng Vân vẫn cảm thấy nuôi con theo kiểu nào là do chính tư duy của cha mẹ chứ không phải lấy phương pháp nước ngoài làm thước đo tiêu chuẩn để áp lên trẻ.


Kim Nga