23/01/2025

​Ước biến thành điện thoại để được bố mẹ yêu hơn

Ngay cả khi các bậc cha mẹ không cố tình làm tổn thương con hoặc không nhận ra tác hại trong những việc họ đang làm, thì sự xa cách của họ sẽ để lại vết sẹo tổn thương với con trẻ trong suốt phần đời còn lại của chúng.

 

Ước biến thành điện thoại để được bố mẹ yêu hơn

Bài văn nói về ước mơ của một học sinh tiểu học mong biến thành chiếc điện thoại thông minh để được bố mẹ yêu thương hơn đã gây xúc động mạnh tại Nhật Bản.

​Ước biến thành điện thoại để được bố mẹ yêu hơn
Bài văn nói về mơ ước của đứa trẻ muốn biến thành chiếc smartphone đang gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng Nhật Bản – Ảnh: Rocketnews24

Theo Rocketnews24, câu chuyện này đang được lan truyền rất nhanh trên mạng Internet tại Nhật Bản.

Một buổi tối, hai vợ chồng nhà nọ sau khi dùng xong bữa tối, họ mệt mỏi ngồi nghỉ trong phòng khách.

Người vợ là giáo viên tiểu học và chị đang phải chấm xấp bài kiểm tra chị giao cho học trò, trong đó yêu cầu các em nói về ước mơ của mình. Người chồng ngồi cạnh chị trên chiếc ghế dài, tay cầm smartphone chơi game giải trí.

Khi chuẩn bị kết thúc công việc, người vợ chợt thấy một bài làm dường như chị bỏ sót. Nội dung của bài văn đó như thế này:

Ước mơ của em là biến thành một chiếc điện thoại thông minh. Đó là mơ ước của em vì bố mẹ em thực sự rất yêu chiếc smartphone của họ.

Mẹ và bố chỉ chú ý tới điện thoại của họ thôi, và đôi khi họ quên tất cả mọi chuyện về em.

Khi bố mẹ mệt mỏi về nhà sau giờ làm việc, họ dành thời gian cho điện thoại của mình, không phải cho em. Ngay cả khi mẹ hay bố đang làm việc gì đó quan trọng, nếu điện thoại của họ đổ chuông dù chỉ một hồi thôi, họ sẽ cầm máy nghe ngay. Nhưng họ đã không làm như thế với em, ngay cả khi em đang khóc.  

Mẹ và bố em chơi game trên điện thoại di động của họ chứ không chơi với em. Khi họ nói chuyện với ai đó qua điện thoại, dù em có chuyện gì đó rất muốn nói thì họ cũng xua tay bảo em đi chỗ khác.

Đó là lý do vì sao em mơ ước là chiếc smartphone. Vì khi đó có lẽ bố mẹ sẽ yêu em nhiều như những chiếc điện thoại của họ”.

Người phụ nữ đọc bài văn trong nước mắt. Người chồng hỏi có chuyện gì đã xảy ra, chị đưa anh xem bài văn. Anh đọc ngay và hỏi học sinh nào đã viết bài văn đó.

Chỉ tới lúc ấy người vợ mới nhận ra chỗ để của bài văn “thừa ra” này. Nó đã được nhét vào đó lúc nào mà chị không để ý.

Chị trả lời chồng: “Không phải học sinh nào của em đã viết. Đó là con trai chúng ta”.

Đôi khi cha mẹ cho rằng con trẻ không mấy để tâm quan sát, hoặc chẳng hiểu gì khi quan sát họ. Nhưng thực sự trẻ rất nhạy cảm, chúng sẽ nhận ra trước tiên cảm giác bị phớt lờ, nhất là khi những người “bỏ quên” chúng lại chính là cha mẹ.

Đứa trẻ trong câu chuyện đã phát hiện ra lúc mẹ chữa bài tập cho học sinh chính là cơ hội tuyệt vời nhất để cậu bé có thể chen vào tâm trí mẹ.

Và đây là những phản ứng từ cộng đồng mạng Nhật Bản về câu chuyện được tán thưởng nhiều nhất:

“- Phải, điều này đúng với phần đông các bậc phụ huynh hiện đại”.

– Tôi không khóc đâu! Những giọt nước mắt trên điện thoại của tôi chỉ là hình nền mà thôi!”

– Tôi đồng cảm với đứa trẻ này. Đi tới đâu tôi cũng thấy những ông bố bà mẹ đang phớt lờ con cái và chỉ dán mắt vào điện thoại của mình.

– Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ rằng nếu chỉ sống cùng một nhà thôi vẫn là chưa đủ. Con trẻ cần sự tương tác để chúng biết mình được yêu thương“.

Ngay cả khi các bậc cha mẹ không cố tình làm tổn thương con hoặc không nhận ra tác hại trong những việc họ đang làm, thì sự xa cách của họ sẽ để lại vết sẹo tổn thương với con trẻ trong suốt phần đời còn lại của chúng.

Vậy nên ngay cả khi câu chuyện này chỉ là một tác phẩm hư cấu do ai đó viết ra và chia sẻ trên mạng để gây ấn tượng, thì chí ít nó cũng giúp ai đó nhận ra rằng, đã tới lúc cần phải bỏ chiếc điện thoại khỏi tay và chạy ra chơi đùa cùng con. Chỉ thế thôi cũng đã là một thành công của câu chuyện này rồi.