Cha già đâu quản dặm trường vì con
Với ông Nguyễn Vinh Huê, chiếc xích lô ban ngày là cần câu cơm, ban đêm trở thành ghế nệm cho ông ngồi ngủ. Bước thấp bước cao, ông Nguyễn Công Bốn rong ruổi đêm ngày bán cho hết hơn trăm tờ vé số để trang trải cuộc sống của ông và hai con gái đang học trường THPT Ernst Thalmann.
Cha già đâu quản dặm trường vì con
Đêm Sài Gòn đầu tháng Chạp đưa đẩy chúng tôi gặp gỡ những người cha đặc biệt.
Với ông Nguyễn Vinh Huê, chiếc xích lô ban ngày là cần câu cơm, ban đêm trở thành ghế nệm cho ông ngồi ngủ bên hiên của một bệnh viện ở Q.5. Nguyên nhân ngủ bụi gói gọn trong lời lý giải “thuê nhà còn tiền đâu gửi về quê cho con ăn học”.
Hôm chúng tôi gửi ông cặp bánh giò bánh chưng như món quà tết sớm, ông cất lại để dành bữa sau sẵn dịp về quê thăm con, đem về cho nó ăn, “chắc nó thích lắm!”. Nhớ vẻ mặt khấp khởi của người cha ấy, chúng tôi nhiều lần quay lại chốn cũ tìm nhưng không còn gặp nữa. Ông đã về với con hay xô dạt nơi nào?
Gặp bác tài xe ôm Nguyễn Văn Nuôi ở dạ cầu Ông Lãnh, chúng tôi thoáng “dội” khi thấy ông chạm trổ hình xăm đầy mình, nói kèm văng tục. Nhắp môi ly rượu cùng ông, nghe ông kể chuyện đời, ca vài ba câu cải lương, thấy dần hé lộ một tâm hồn ngọt bùi bên trong vẻ ngoài bợm bãi ấy. Hai mươi mấy năm bụi đời ở đất Sài Gòn, ông sống với rượu và phụ nữ goá.
Ông xe ôm Nguyễn Văn Nuôi “đóng đô” ở dạ cầu, vỉa hè Sài Gòn |
Ở tuổi ngoài năm mươi mới được làm cha, ông bắt đầu có ý thức tu sửa “cái tôi xưa nay ác thiện đều làm láng”. Giấc ngủ trên chiếc ghế bố, võng dù, trong túp lều che bởi tấm bạt bao quanh gốc cây ở Q.2 hay ngay trên xe máy, ông đều muốn tìm giấc mơ được về bên con. Giờ ở tuổi lục tuần, ông thường mơ một mái nhà nhưng xác định đầu tư cho con gái học vẫn cần thiết hơn.
Rưới chút rượu xuống sông, ông cười lớn: “Làm sao để sau này có chết đi, con gái sẽ kể với bạn bè nó rằng ba mình dù ngày xưa là tướng cướp, từng vào tù ra khám, nhưng ba mình đã tu tỉnh, chạy xe ôm, chấp nhận bụi đời, ăn gió nằm sương, tắm nước sông, tắm ở nhà vệ sinh công cộng, chỉ có hai bộ đồ nhất y nhất quởn… để nuôi mình”.
Ông Nuôi khoe con gái học giỏi, khoe vừa gửi tiền về quê sắm quần áo tết cho con. Dòng ký ức chùng lại ở những lần ông đánh con vì nhín tiền mua đồ ăn ngon về mà con không thèm đụng đũa. Dù bị đòn, bé vẫn không giận hờn ba, không quên cái ôm từ biệt khi ba đề xe về lại Sài Gòn.
Ông giơ chai rượu, giở hình xăm chằng chịt trên ngực, bắp tay: “Muỗi, rắn rít, chuột quen mặt hết rồi. Còn giang hồ thì có vài lần tấn công giật đồ. Nhưng không sao. Nhờ trời phật thương, che chở. Có khi vui lắm, như Giáng Sinh vừa rồi, đang ngủ trên xe ở ngã tư Nguyễn Thái Học – Lê Thị Hồng Gấm bỗng cảm giác có gì chụp lên đầu mình, tôi hết hồn la lớn. Mở mắt ra thấy mấy cô cậu sinh viên cười lỏn lẻn nói tặng cái nón Noel và khăn choàng cho đỡ lạnh!”.
Bước thấp bước cao, ông Nguyễn Công Bốn (ngụ ở đường Nguyễn Trãi, Q.1) rong ruổi đêm ngày bán cho hết hơn trăm tờ vé số để trang trải cuộc sống của ông và hai con gái đang học trường THPT Ernst Thalmann. Cuộc mưu sinh của ông sắp bước qua chặng đường mới khi các con ấp ủ giấc mơ vào đại học.
Ông Nguyễn Công Bốn bán vé số ở Công viên Tao Đàn |
Cái tuổi 71 đè nặng trên đôi chân cụt tới gối do bị chấn thương từ thời chiến tranh. Chứng huyết áp cao có khi đánh gục ông bất kể là ở vỉa hè hay công viên, xó chợ. Tỉnh lại, ông cầm xấp vé trên tay, bước tiếp. “Ôn ơi! (ôn – gọi ông theo phương ngữ Huế). Ôn có khỏe không? Sao ôn lại về trễ?”, các con hỏi khi nhác thấy ông về. Ông vẫn lặng thinh, không kể chuyện ngất giữa đường, sợ con lo lắng.
Thương cha lao nhọc, hai con gái luôn quan tâm chăm sóc cha, giặt quần áo, xoa bóp chân cha; cố gắng học giỏi, chi tiêu tiết kiệm, mùa hè ra chợ xếp vải được chút tiền công. Biết hoàn cảnh của ba cha con nghèo khó, nhiều người đã giúp đỡ như giảm tiền thuốc khi khám ở phòng mạch tư hay cho vải áo dài, may áo không lấy tiền…
Khi còn ở Huế, không cam lòng nhìn các con thiếu thốn, đứa út và kế út phải dừng đường học khi mới viết chữ i tờ, ông Bốn cương quyết vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Vợ ông khóc đứng khóc ngồi “Anh cứ ở nhà, có gì ăn nấy, sướng khổ cùng chịu” nhưng rồi vẫn gom góp lúa khoai đem bán cho ông làm lộ phí.
Năm 1990, ông vào khởi nghiệp… ăn xin, ngày đêm lang thang khu vực Q.1. Vài năm sau, ông đưa hai con nhỏ vào cùng thuê nhà sống, đăng ký vào lớp học tình thương rồi chuyển sang hệ phổ thông. Ông đổi nghề bán vé số, vừa khỏi phập phồng sợ bị “hốt”, bỏ các con bơ vơ, vừa cho con đỡ tủi phận nghèo hèn.
Dù các con luôn chăm ngoan, hiếu thảo, nhưng ông vẫn giữ thể diện cho con trước bạn bè, nhất là các con nay đã thành thiếu nữ. Việc họp phụ huynh, ông rất muốn tham dự để trực tiếp nghe lời thầy cô nhận xét con mình nhưng nghĩ lại “thân què cụt, bạn con sẽ nhìn vào…”, ông nhờ người đi thay và viện lý do vô cùng chính đáng: “Nghỉ bán thì lấy tiền đâu mà ăn, đóng học phí”.
Tình cờ gặp lại ông một năm sau lần gặp đầu, cũng tại công viên văn hóa Tao Đàn, chúng tôi mừng thầm khi thấy ông đã có xe lắc tay. Nhưng hỏi ra mới biết chỉ là xe thuê, giúp ông vượt quãng đường xa, bán được ở nhiều địa điểm.
Đã mấy năm từ hồi mất xe, ông vẫn không tậu nổi chiếc mới, phải tốn tiền thuê mỗi ngày 5.000 đồng hoặc lần từng bước trên đôi giày đeo ngược. Tết đến đưa lại trăm nỗi lo: tiền lộ phí để ông về quê cha đất tổ, tiền để lại cho các con, dẫu không mâm cỗ “bài bản” cũng có dưa hấu, bánh chưng với người ta. Dừng lại uống ngụm nước lấy sức, ông Bốn lại cầm xấp vé, tất tả chào mời khách dạo chơi giữa chiều công viên nhộn nhịp.
Bất ngờ khi ban giám hiệu Trường THPT Ernst Thalmann không chỉ quyết định miễn giảm học phí cho hai con ông Bốn mà còn trao học bổng 5.000.000 đồng vận động từ một cựu học sinh của trường. Dù nhà trường có truyền thống nghĩa tình, người đi trước nâng bước người đi sau nhưng do ông Bốn muốn tự lực cánh sinh, không nộp đơn xin hỗ trợ nên thầy cô không biết được hoàn cảnh gia đình học sinh mình khó khăn. Với những đồng tiền chan tình người, hy vọng ông Bốn sẽ cất bớt gánh nặng mưu sinh và nối dài đường học cho các con.
Hoài Nhân