Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức hội thảo hai ngày 11 – 12.1 về chủ đề “Phụ nữ và công nghệ”, với sự tham gia của hơn 60 đại diện nữ giới trong lĩnh vực công nghệ đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và VN. Nhân dịp này, Tổng lãnh sự Mỹ Rena Bitter đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn riêng về sự cần thiết tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ.
Phụ nữ đang đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể nhưng đồng thời cũng có nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ. Theo bà, đó là gì?
Cơ hội thật sự quá rõ ràng, đặc biệt ở VN, vốn đang theo đuổi chiến lược hội nhập toàn diện theo hướng tìm kiếm mọi cơ hội có thể. Về phần trở ngại, chủ yếu là làm sao khuyến khích nữ giới tham gia vào các ngành STEM (viết tắt của các từ Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật, Math – toán học – PV), từ sớm. Do vậy, nếu muốn nắm được toàn bộ cơ hội có sẵn, VN cần phải tăng cường giáo dục và chuẩn bị kỹ càng cho lực lượng lao động của mình.
Phụ nữ Mỹ chỉ chiếm 24% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và con số này đang có xu hướng giảm đi. Vậy làm cách nào tăng số lượng lao động nữ trong ngành công nghệ và tối đa hóa cơ hội cho họ, thưa bà? Kinh nghiệm nào cho VN về vấn đề này?
Tổng lãnh sự Mỹ Rena Bitter
Đây thật sự là vấn đề thách thức cho bất kỳ ai. Ở Mỹ đang chạy nhiều chương trình với sự tham gia của giới học giả và tư nhân để tạo ra môi trường nuôi dưỡng tài năng của nữ giới ngay từ bước đầu. Nhiều công ty hoạt động trong mảng công nghệ đã tổ chức các chương trình riêng, và chính phủ Mỹ đã hợp tác với họ.
Hội thảo lần này cũng là một phần nỗ lực của chúng tôi nhằm thu hút sự quan tâm của nữ giới tại hạ vùng sông Mê Kông, đồng thời giúp hình thành một mạng lưới tạo nguồn cảm hứng cho những phụ nữ khác theo đuổi ngành này. Các nhà tổ chức hy vọng một cộng đồng mới sẽ được khai sinh, và các thành viên có thể nương tựa lẫn nhau không những trong lĩnh vực nghề nghiệp mà còn trong vai trò cố vấn cho người khác. Thông điệp “Bạn có thể thành công” là một công cụ hết sức mạnh mẽ trong việc khuyến khích những người còn lại…
Theo bà, viễn cảnh công nghệ tại VN sẽ tạo lực đẩy như thế nào với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp ước Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương?
Khoa học, công nghệ không hề có biên giới. Do vậy thật sự là tuyệt vời cho VN khi tham gia các thỏa thuận thương mại trên, theo hướng các bên cùng có lợi. Nếu VN càng tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục hướng đến các thị trường nghề nghiệp đó, thành công sẽ càng lớn hơn nữa. Và một câu hỏi đặt ra là tại sao không tận dụng hết nguồn lực đang ở trước mắt bằng việc khuyến khích phụ nữ tham gia?
Mỹ hiện có chương trình hoặc sáng kiến nào nhằm khuyến khích phụ nữ VN tham gia vào lĩnh vực công nghệ hay không, thưa bà?
Đặc sứ khoa học Mỹ, tiến sĩ Geraldine Richmond là người chịu trách nhiệm nối kết giữa các chuyên gia Mỹ và những đồng nghiệp VN trong mảng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, một lĩnh vực thậm chí còn hấp dẫn và ấn tượng đang được triển khai giữa hai nước, đó là sáng kiến và khởi nghiệp. VN có rất nhiều cá nhân hết sức thông minh, đầy óc sáng kiến và ôm ấp vô vàn ý tưởng hay. Vấn đề ở đây là làm sao giúp đỡ và khuyến khích từng cá nhân, hỗ trợ họ cùng làm việc với nhau để tạo ra những ý tưởng mới mẻ, và rộng hơn nữa là giúp họ kết nối với các công ty và trường đại học để biến ý tưởng thành hiện thực. Nói cách khác, sáng kiến ở đây sẽ nhằm hỗ trợ một cá nhân tiếp cận một mạng lưới rộng hơn và đối với VN, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu từ phụ nữ.