24/01/2025

Dừng công tác đối với công chức gây oan sai

Đề xuất trên của thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tại hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 

Dừng công tác đối với công chức gây oan sai

 

 

Đề xuất trên của thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tại hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 

 

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc - Ảnh: T.L.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc – Ảnh: T.L.

Đề xuất của ông Ngọc tại Hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 7-1 tại Hà Nội đã nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: “Thực tế thi hành luật đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế như quy trình yêu cầu bồi thường rườm rà, cơ quan nhà nước cố tình kéo dài đã khiến việc bồi thường chưa đáp ứng được kỳ vọng của người bị hại”.

* Hiện nay dư luận rất bức xúc về việc cán bộ công chức làm sai nhưng tiền bồi thường lại lấy từ tiền thuế của dân. Sửa đổi luật lần này, Bộ Tư pháp có tính toán đến vấn đề này?

– Tôi nghĩ rằng khi cán bộ công chức làm sai, bồi thường là trách nhiệm của Nhà nước. Vì cán bộ công chức là người thi hành công vụ của Nhà nước.

Nhà nước phải đứng ra bồi thường đầy đủ cho người dân. Còn trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ sai đến đâu phải xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, luật cũng đã quy định vấn đề này.

Thật ra, quy định hiện nay của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về xử lý cán bộ công chức để xảy ra sai phạm dẫn đến Nhà nước phải bồi thường đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu mà luật đề ra là nâng cao hiệu quả thi hành công vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.

Điều này không có nghĩa khi sửa luật là bắt công chức hoàn trả 100% tiền bồi thường, vì nếu quy định như vậy có thể làm cho cán bộ công chức không dám đưa ra quyết định vì quá e ngại phải bồi thường.

Tôi cho rằng phải xây dựng một mức hoàn trả như thế nào để đủ mức răn đe cũng là điều rất quan trọng.

* Bộ Tư pháp đã đề xuất chuyển các cơ quan giải quyết bồi thường phân tán như hiện nay sang mô hình cơ quan giải quyết bồi thường tập trung. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về việc này?

– Đây là một ý tưởng Bộ Tư pháp nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt sau giám sát của Quốc hội về bồi thường oan sai đã bộc lộ những bất cập do cơ chế. Hiện có rất nhiều vụ việc người dân không biết đến đâu để đưa yêu cầu được bồi thường.

Số lượng hướng dẫn mà Bộ Tư pháp đã trả lời người dân về việc phải đến cơ quan nào để yêu cầu bồi thường rất lớn vì họ không biết tìm đến đâu cả.

Trong trường hợp này chúng ta thấy rõ trách nhiệm của Nhà nước, còn ông nào là đại diện cho nhà nước để giải quyết thì cũng phải rõ, không thể để người dân vất vả đi truy xem cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường.

Thứ hai, ngay từ thực tiễn mà chúng tôi cũng cảm nhận được là nếu đặt giải quyết bồi thường theo mô hình phân tán như hiện nay, người dân cứ phải đến cơ quan làm sai cho mình thì tâm lý rất không thoải mái.

Có người cho rằng đến cơ quan đã bỏ tù mình để đòi bồi thường thì sợ bị bỏ tù lần nữa. Trong lòng họ có khi còn rất thù hận nên thương thuyết cũng không được kết quả như mong muốn.

Tôi cũng nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới thấy đi theo mô hình một đầu mối để khi người dân có oan sai thì chỉ cần đến cơ quan đó để giải quyết yêu cầu bồi thường sẽ giải quyết hiệu quả hơn.

* Thưa ông, vì sao từ khi có quyết định bồi thường đến khi người dân nhận được tiền bồi thường là một khoảng cách rất xa và gian nan?

– Đúng là nói đến tiền bồi thường là nói đến ngân sách nên quy trình chạy rất dài, qua nhiều cấp duyệt mới có được.

Chúng ta hình dung một vụ việc nào đó rơi vào một tỉnh mà ngân sách không có đủ để chi thì tiền bồi thường họ phải xoay xở mới có được khoản tiền đó, nhất là những trường hợp tiền bồi thường lớn cả chục tỉ đồng.

Đây cũng là bài toán. Một trong những giải pháp mà khi sửa đổi luật chúng tôi tính đến là nên chăng có dòng ngân sách hay dự toán nào đó để sẵn sàng quyết toán cho người bị oan khi có yêu cầu.

Nếu không thì rất khó, vì không có nơi nào dự toán trước được cả, dẫn tới việc bồi thường bị kéo dài.

Bồi thường 111 tỉ đồng, hoàn trả hơn 
676 triệu đồng

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy sau sáu năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các bộ ngành địa phương đã giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, với số tiền hơn 111 tỉ đồng.

Trong khi đó, chỉ có 22 vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả với tổng số tiền 676 triệu đồng.

TÂM LỤA ghi ([email protected])