24/01/2025

Dân gánh tiền bồi thường cho cán bộ làm sai

Qua 6 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhà nước phải bỏ ra khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại trên 111 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền cán bộ công chức làm sai phải hoàn trả chỉ 676 triệu đồng.

 

Dân gánh tiền bồi thường cho cán bộ làm sai

 

Qua 6 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhà nước phải bỏ ra khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại trên 111 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền cán bộ công chức làm sai phải hoàn trả chỉ 676 triệu đồng. 




Đây là con số được Bộ Tư pháp đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tổ chức hôm qua 7.1. Theo đó, tính từ 1.1.2010 đến 31.12.2015 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỉ đồng. Còn lại 54 vụ việc vẫn đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, TAND các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước. Đây là các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết bồi thường. Đến nay đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền trên 32,5 tỉ đồng; còn 12 vụ việc đang giải quyết. Trong đó nổi bật có vụ bồi thường trên 7,272 tỉ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), gần 23 tỉ đồng của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình).
Tuy nhiên, một con số đáng chú ý là trong 6 năm qua chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng.
Bồi thường thấp do lỗi… vô ý
Trả lời PV Thanh Niên bên lề hội nghị, bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), cho rằng việc hoàn trả tiền bồi thường thấp xuất phát từ quy định của pháp luật là chính. Theo bà Hằng, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định trong quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thì nếu như xác định người thi hành công vụ có lỗi vô ý trong việc gây ra thiệt hại thì mức hoàn trả tối đa chỉ là 3 tháng lương, còn đối với trường hợp có lỗi cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì mức hoàn trả tối đa là 36 tháng lương.
Bà Hằng cũng dẫn chứng về việc gần 6 năm qua, mặc dù tố tụng hình sự là lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất, nhưng đến nay mới chỉ có 1 vụ việc người tiến hành tố tụng phải hoàn trả và số tiền cũng chỉ hơn 8 triệu đồng.
Bà Hằng cho hay so với tố tụng hình sự, người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án phải hoàn trả nếu có lỗi (bao gồm cả vô ý và cố ý) vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân cũng xuất phát từ quy định của luật, cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ và cũng chính cơ quan này có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hoàn trả. “Quy định này khó bảo đảm tính khách quan, kịp thời, cũng như khó tránh khỏi tình trạng nể nang khi xem xét trách nhiệm hoàn trả”, bà Hằng nói.
Ông Hoàng Thái Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), cho rằng: “Việc quy định lỗi cố ý hay vô ý cũng không rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc hầu hết các hành vi của cá nhân, tổ chức trực tiếp vi phạm đều được quy vào trường hợp vô ý nên miễn trừ trách nhiệm bồi hoàn số tiền nhà nước đã bỏ ra bồi thường trước đó. Nhiều vụ việc gây hậu quả rất lớn, nhưng lại kết luận lỗi vô ý, dẫn đến việc trách nhiệm bồi hoàn chưa tương xứng, trong khi đó ngân sách nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn để chi trả cho sai sót của các cán bộ thực thi công vụ”.

 

Thái Sơn – Bảo Hoàng