24/01/2025

Cuộc chiến tài sản vợ – chồng

Toà hỏi: “Ông còn tình cảm với vợ không?”. Đáp: “Bà ta thủ đoạn, giành tài sản, tôi không còn tình cảm. Tôi xin được nuôi con”.

 

Cuộc chiến tài sản vợ – chồng

 

 

Toà hỏi: “Ông còn tình cảm với vợ không?”. Đáp: “Bà ta thủ đoạn, giành tài sản, tôi không còn tình cảm. Tôi xin được nuôi con”. 

 

 

 

 

 

Vợ lạnh tanh: “Thằng bé bảo nếu ba mẹ ly hôn, con ở với mẹ vì ba không có trách nhiệm”. Sựng người giây lát, chồng tức tối: “Đồ thủ đoạn”. Vợ lại lạnh tanh: “Tài sản này có máu và nước mắt…”.

Vợ (53 tuổi), nguyên đơn trong vụ án xin ly hôn. Chồng (71 tuổi), bị đơn. Vợ chồng có một con trai 13 tuổi. Vợ khai nhà đất toạ lạc tại phường Thuận Hoà (TP Huế, Thừa Thiên – Huế) trị giá 2,6 tỉ đồng là tài sản chung của vợ chồng. Chồng cãi đó là tài sản riêng của chồng.

Ngày 17-12-2015, TAND TP Huế đưa vụ án ra xét xử.

Tranh giành

Vợ và chồng, mỗi người chọn một chiếc ghế cách thật xa “đối phương”. Giữa họ là sự lạnh lẽo. Ông loay hoay lật giở đống giấy tờ chứng cứ, chừng để ghìm lại thứ cảm xúc đang khiến chân tay run bần bật. Bà cũng đặt mớ giấy tờ lên bàn, khinh khỉnh liếc nhìn chồng.

Nguyên đơn trình bày: Giữa năm 2002 bà và bị đơn đăng ký kết hôn, về chung sống tại khu nhà đất toạ lạc ở phường Thuận Hoà (đang tranh chấp). Cuối năm đó họ sinh con. Hợp đồng mua bán nhà chỉ có tên bên bán và tên bên mua là một mình bị đơn và lập trước thời điểm nguyên đơn, bị đơn đăng ký kết hôn.

Nhưng nhà đất đó là tài sản chung, bởi một nửa số tiền mua nhà là của bà. Bằng chứng là giấy đặt tiền cọc và giấy nhận thêm tiền (bên mua – bên bán giao nhận tiền nhiều lần) có chữ ký của bà. Mặt khác, trước khi đăng ký kết hôn, ông có thời gian sống chung như vợ chồng tại nhà riêng của bà.

Tài sản tranh chấp cũng hình thành trong thời gian này.

Năm 2011, phát hiện chồng mang bản hợp đồng mua bán nhà đi làm thủ tục sang tên do một mình ông đứng tên, bà khởi kiện yêu cầu toà án xác định nhà đất là tài sản chung. Qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tòa công nhận nhà đất nói trên là tài sản chung của vợ chồng.

Từ khi ông làm thủ tục một mình đứng tên nhà đất, tình cảm của bà cũng chết. Tòa đã công nhận nhà đất là tài sản chung nên bà tiếp tục khởi kiện yêu cầu ly hôn, chia đôi tài sản và được nuôi con.

Nỗi buồn ăn thua

Nhà đất được định giá 2,6 tỉ đồng. Theo bị đơn, 13 năm trước ông mua hết 560 triệu đồng. “Tôi bỏ tiền mua nhà trước khi đăng ký kết hôn, đã được công chứng. Tài sản là của tôi, đâu ngờ…” – bị đơn thiểu não.

Tòa hỏi nguyên đơn: “Bà nói góp tiền mua nhà, vậy bà góp bao nhiêu?”. Đáp: “280 triệu đồng”. Toà: “Sao đang yêu thương mặn nồng mà lại quá rạch ròi, chia nhau đúng một nửa số tiền như vậy?”. Đáp: “Tôi và ông ta rất sòng phẳng”.

Trước đó, bà từng trải qua hai đời chồng. Ông cũng từng có hai đời vợ. Bị đơn cho rằng ông có 68.000 USD nên bà mới săn đón. Nguyên đơn nói: “Ông ta đến ở nhà tôi, tôi nuôi hết, ngày mô cũng lo cơm nước bia bọt”.

Bà nói dù đã hai đời vợ nhưng không có con trai, ông thỏa thuận nếu bà sinh được con trai thì mua nhà chung sống. Bà thấy ông phong độ nên cũng…

Theo nguyên đơn, ngay hôm về nhà mới vợ chồng đã mâu thuẫn, bởi ông đưa ba đứa con gái, là con riêng với vợ đầu, về ở mà không thèm bàn bạc. Con chồng dì ghẻ gây gổ, đánh nhau um sùm phải đưa ra công an phường. Vợ chồng không hạnh phúc từ lúc đó, thân ai nấy lo, thời gian sau sống ly thân.

Hỏi: nếu vậy tại sao bà không “dứt” sớm, lại kéo dài cuộc sống như vậy? Bà bảo “cũng vì cái nhà”. Người phụ nữ chợt chùng xuống. Bà ngậm ngùi kể khi ông đi sang tên nhà chỉ đứng tên một mình, cha bà đang bị bệnh hiểm nghèo. Bà tức tốc chở cha về quê, lấy giấy tờ cất giấu để khởi kiện. Chẳng may đụng ôtô, cha bà bị chèn ngang người, tử vong tại chỗ.

Nhìn cha chết thảm trong vũng máu, bà khóc ngất. Tại hai phiên toà trước, ông ta đem nỗi đau của bà ra đay nghiến, bảo vì bà đi tranh giành mà cha chết. Tài sản này có máu và nước mắt…

Toà hỏi bị đơn: “Ông còn tình cảm với vợ không?”. Đáp: “Bà ta thủ đoạn, giành tài sản, tôi không còn tình cảm. Tôi xin được nuôi con”. Người vợ lạnh tanh: “Thằng bé bảo nếu ba mẹ ly hôn, con ở với mẹ vì ba không có trách nhiệm”.

Ông cho rằng bà bịa đặt, bởi ông đã lo lắng cho con đủ đầy. Toà công bố văn bản ghi ý kiến cháu bé, nội dung đúng như nguyên đơn vừa “tố”. Sựng người giây lát, ông càng tức tối mắng bà thủ đoạn. Yêu cầu nuôi con, bà xin được nhận nhà, “thối” tiền lại.

Toà hỏi: ông đã 71 tuổi mà ra khỏi nhà thì sống ở đâu? Bà nói mặc kệ…

Như nhát dao đâm vào tim

Đứa con đi học. Bà cũng đi vắng. Ngôi nhà hai tầng trơ trọi mình ông. Ông bảo con bị mẹ xúi giục, nhưng những lời của con mà toà công bố như nhát dao đâm vào tim. Ba hôm sau toà quay lại phần thẩm vấn, vẫn quyết liệt tranh giành tài sản.

Cuối cùng, toà xử cho vợ chồng ly hôn, đứa con giao mẹ nuôi dưỡng. Nhà đất chia cho vợ 40% (được nhận nhà), chồng 60% giá trị. Người đàn ông 71 tuổi tuyên bố sẽ kháng cáo đến cùng, đòi lại tài sản.

Chiếc bóng già nua cô độc đổ xuống sân toà. Không nghe ông nói sẽ giành quyền nuôi con.

HỒ CẨM LY