24/12/2024

Người chuẩn bị kỹ, người chưa dám nghĩ về tuổi già

Sau bài viết “Ám ảnh quốc gia “siêu già” (Tuổi Trẻ 6-1), nhiều bạn đọc chia sẻ nỗi lo lắng do đầu tắt mặt tối mưu sinh mà quên đi vấn đề tuổi tác.

 

Người chuẩn bị kỹ, người chưa dám nghĩ về tuổi già

 

 

Sau bài viết “Ám ảnh quốc gia “siêu già” (Tuổi Trẻ 6-1), nhiều bạn đọc chia sẻ nỗi lo lắng do đầu tắt mặt tối mưu sinh mà quên đi vấn đề tuổi tác. 

 

 

 

 

Nhưng cũng có người chuẩn bị kỹ để khi về già sống cuộc sống vui vẻ, thanh thản bên con cháu.

* Ông Nguyễn Đăng Tiến (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):

Người cao tuổi hưu trí 
có cuộc sống cơ bản 
ổn định

Với người có lương hưu, cơ bản cuộc sống tương đối ổn định, do có thu nhập hằng tháng dù là có thể mức thấp nhưng vẫn đảm bảo cơ bản cuộc sống ổn định. Ngoài ra, người cao tuổi là cán bộ, viên chức hưu trí còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế nên khi ốm đau cũng đỡ lo gánh nặng viện phí vì đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Thời gian qua Bảo hiểm xã hội TP.HCM vẫn cân đối được quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để chi trả, thanh toán cho các hoạt động liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại TP.HCM, năm 2015 có hơn 182.400 người hưởng lương hưu với tổng số tiền hơn 8.547 tỉ đồng. Bình quân lương hưu một người được gần 4,4 triệu đồng. Riêng với người cao tuổi hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, năm 2015 có hơn 7.300 người, với số tiền chi trả hơn 178 tỉ đồng. Mức bình quân trợ cấp mất sức lao động một người gần 2 triệu đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền Lương (cán bộ giảng dạy tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM):

Tôi đã chuẩn bị 
cho tuổi già

Càng về già nhu cầu giao tiếp, bạn bè càng lớn. Hiện giờ bận bịu công việc, hầu như tôi chỉ tiếp xúc, nói chuyện với chồng con vào buổi tối. Lâu lâu mới có dịp gặp mặt bạn bè. Bởi vậy tôi nghĩ khoảng thời gian về già sẽ là thời gian tôi được sống một cuộc sống rất thú vị, bản thân thật sự được nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm lăn lộn, tất bật với công việc.

Tôi đã lên lịch cho những chuyến đi khi về già. Đặc biệt khi không phải “vật lộn” với khối lượng công việc từ sáng tới tối, tôi sẽ có thời gian để đọc sách nhiều hơn. Những thể loại sách về Phật giáo, triết học, tiểu thuyết tôi yêu thích lâu nay nhưng vì công việc bận bịu, suy nghĩ nhiều nên không có cơ hội đọc, suy nghiệm.

Tôi đã chuẩn bị về sức khoẻ và tinh thần vui vẻ đón nhận tuổi già. Từ mấy năm nay tôi đều đặn tập dưỡng sinh mỗi ngày. Tôi đã đọc sách, hiểu hơn về tâm lý của người già để đón nhận mọi sự thay đổi. Quan trọng nhất là tôi chuẩn bị về tài chính, tích góp một khoản tiền trong thời gian làm việc để cuộc sống về già thoải mái.

Ông Phan Văn Phúc 
(39 tuổi – Tiền Giang, công nhân xây dựng tại TP.HCM):

Về già vẫn tiếp tục 
làm việc

Về già tôi chẳng nghĩ gì to tát, mà có nghĩ cũng sẽ không giải quyết được gì vì công việc chỉ vậy và thu nhập cũng chỉ bấy nhiêu. Tôi vẫn tiếp tục đi làm như hiện nay, đến khi nào sức yếu sẽ về quê làm vườn. Bà xã tôi hiện ở Tiền Giang đang làm vườn và chăm lo cho hai đứa con (một đứa học lớp 8, đứa học lớp 9). Chỉ mong sau này công việc ổn định, thành đạt may ra nó giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, ốm đau.

Sẽ xây dựng bệnh viện lão khoa khu vực

Đây là ý kiến của ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Theo ông Khuê, hiện có hai hệ thống chăm sóc sức khỏe người già, đó là bệnh viện chuyên khoa lão khoa và bệnh viện chăm sóc sức khoẻ cán bộ, như Bệnh viện Lão khoa T.Ư, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, bên cạnh hệ thống khoa lão của bệnh viện đa khoa tỉnh thành.

Bên cạnh đó, ông Khuê cho rằng còn cần hệ thống nhà xã hội hóa chăm sóc người già. “Như ở Nhật thì hệ thống này do nhà nước chi trả, ở Việt Nam thì tôi mong các tổ chức xã hội tham gia đầu tư cho hệ thống này”, ông Khuê cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Tân, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình, cho rằng chính sách dân số cần có thay đổi để làm chậm thời gian Việt Nam chuyển sang giai đoạn dân số già, như duy trì mức sinh 2,1 con/bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ trên bình diện chung cả nước.

Tại khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hai khu vực có mức sinh thấp nhất hiện nay thì cố gắng không giảm thêm mức sinh, như Đông Nam bộ hiện bình quân mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 1,69 con, đồng bằng sông Cửu Long 1,8 con/bà mẹ, thấp hơn nhiều so với bình quân chung là 2,1 con/bà mẹ của cả nước, theo ông Tân là cần nâng mức sinh tại hai khu vực này. Tuy nhiên theo ông Tân, số con của mỗi cặp vợ chồng vẫn do các cặp vợ chồng quyết định.

L.ANH

L.TH.H. – TIẾN LONG