24/12/2024

Bác sĩ và người bệnh ra sức xài tiền “người thứ ba”?

Bảo hiểm y tế chính là xương sống của ngành y tế và là phương tiện cho những người dân bình thường có cơ hội được chữa bệnh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bệnh nhân, BHYT và ngành y tế luôn có những vấn đề xung đột.

 CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN

Bác sĩ và người bệnh ra sức xài tiền “người thứ ba”?

 

 

Bảo hiểm y tế chính là xương sống của ngành y tế và là phương tiện cho những người dân bình thường có cơ hội được chữa bệnh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bệnh nhân, BHYT và ngành y tế luôn có những vấn đề xung đột.

 

 

 

 

 

 

Người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Mục tiêu BHYT là chia sẻ và tương trợ, nhiều người đóng một ít tiền để tương trợ cho người khác khi lâm bệnh. Dĩ nhiên nếu đóng cao quá thì người dân không có khả năng, nhưng nếu đóng ít và ít người đóng thì số tiền sẽ không đủ cho tất cả bệnh nhân. Do đó BHYT luôn muốn hạn chế chi tiêu hoặc chi trả chi phí thấp nhất khi có người bệnh.

Nhiều xung đột

Người bị bệnh luôn có nhu cầu được khám thật kỹ, dùng thuốc thật tốt. Đây là nhu cầu chính đáng nhưng khổ nỗi là khá tốn tiền khi mà các thuốc hàng hiệu có giá khá cao so với mặt bằng thu nhập chung nên chắc chắn sẽ bị giới hạn trong một số tỉ lệ nào đó và thay bằng hàng tương đương.

Bệnh tật đôi khi không phải cứ điều trị là hết ngay nên khi điều trị người bệnh luôn có tâm lý cho rằng thuốc bảo hiểm không tốt vì toàn hàng tương đương. Một số người bệnh có tâm lý mình đóng bảo hiểm lâu mà không được dùng nên khi bệnh sẽ đòi hỏi phải được dùng thuốc tốt nhất. Một số người còn lợi dụng việc khám BHYT để lãnh thuốc đi bán lại.

Sự xung đột về quyền lợi xảy ra ở đây, một bên thì muốn giữ chặt hầu bao còn bên kia thì muốn được chi trả nhiều hơn. Chưa kể trong quá khứ cũng như hiện tại có một số người đi khám và lãnh thuốc bảo hiểm ra để bán lấy tiền. Đây không phải là vấn đề gì mới vì nó đã xảy ra mà nguyên nhân là do sự quản lý lỏng lẻo của ngành dược khi mà thuốc có thể mua bán như các 
món hàng bình thường.

Mối quan hệ thầy thuốc và BHYT cũng luôn có các xung đột xảy ra như cơm bữa. Các bác sĩ luôn cập nhật những kiến thức mới về y khoa và áp dụng để điều trị cho bệnh nhân. Cơ quan BHYT cũng cố gắng tiếp bước theo sau hỗ trợ cho bác sĩ nhưng rất tiếc là sự cập nhật của BHYT luôn chậm chạp và khó khăn.

Mặt khác, các nhân viên của cơ quan BHYT ở mỗi bệnh viện không phải là các bác sĩ lâm sàng và không được cập nhật kiến thức y khoa liên tục nên họ dễ dàng không đồng ý với những điều trị của các bác sĩ. Những xung đột có thể thấy đó là bác sĩ sử dụng các loại thuốc mới để điều trị bệnh, sử dụng những dụng cụ mổ mới cho một cuộc mổ, sử dụng một loại thuốc đã cũ nhưng người ta phát hiện được công dụng mới hay ưu điểm mới trong việc điều trị…

Các thuốc này vẫn bị xuất toán vì nhiều lý do, có thể là công ty không đăng ký lại chỉ định cũ, hoặc bác sĩ không ghi kèm triệu chứng của một căn bệnh, ghi không cùng danh từ với quy định trong danh mục chi trả của BHYT mặc dù có dùng từ tương đương mà các bác 
sĩ vẫn quen dùng…

Trách người thì cũng phải trách mình. Các bác sĩ đôi khi ghi chẩn đoán không đầy đủ và không thể hiện được sự lý giải tại sao phải dùng thuốc hay dụng cụ cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, một số bác sĩ lợi dụng chính sách bảo hiểm để kê khống bệnh nhân và thuốc để lấy tiền. Việc này đã xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Cần sự hợp tác ba bên

Những xung đột xảy ra là vì người thụ hưởng không phải là người trả tiền trực tiếp mà thông qua người thứ ba. Đó là “hội chứng người thứ ba trả tiền”. Hội chứng này bao gồm các triệu chứng là ra sức xài tiền do người thứ ba chi trả của “hai người” đầu tiên là bác sĩ và bệnh nhân, triệu chứng khác là sự nắm chặt hầu bao hạn chế chi trả của người thứ ba.

Để giải quyết hội chứng này cần sự nỗ lực hợp tác của cả ba bên. Về bệnh nhân, cần phải hiểu quỹ BHYT là sự chia sẻ rủi ro, càng nhiều người đóng thì khả năng chi trả sẽ cao hơn. Người dân không nên chờ đến khi bệnh mới mua bảo hiểm vì như vậy sẽ mau chóng vỡ quỹ và cũng không nên tìm cách lấy tiền từ quỹ để bù trừ cho những năm đóng quỹ mà 
không dùng đến.

Về phía bác sĩ và bệnh viện: nên vi tính hoá các công đoạn chẩn đoán và điều trị. Cần phải thay đổi thói quen, ghi đầy đủ chẩn đoán và điều trị. Các hội chuyên khoa cần cập nhật những phác đồ điều trị mới và kịp thời phản ảnh hay cập nhật phác đồ cho BHYT để được thanh toán. Các bác sĩ cũng không nên lạm dụng quỹ BHYT, cần sử dụng thuốc và dụng cụ hợp lý theo cơ chế bệnh hoặc theo phác 
đồ đã thống nhất.

Về BHYT: cần có cơ chế cập nhật mau lẹ kiến thức cho nhân viên kiểm định, cần phải có các cuộc đối thoại thường xuyên với các bác sĩ để giải quyết những xung đột trên tinh thần vì quyền lợi của bệnh nhân. Cần tôn trọng những quyết định điều trị của bác sĩ với các bằng chứng y học rõ ràng nếu nó có khác với các quy định. Nếu tranh chấp không được giải quyết, cần phải lập hội đồng khoa học của bệnh viện hoặc uỷ ban khoa học của các hội chuyên ngành để làm trọng tài, tránh các trường hợp xuất toán 
một cách võ đoán.

TĂNG HÀ NAM ANH